Kiến nghị hoàn thiện cơ chế phòng chống tham nhũng

Chính phủ kiến nghị QH xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước và phòng chống tham nhũng.
Chiều 14/10, phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết thúc sau khi thảo luận, cho ý kiến về hai Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng và Kết quả thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Kiến nghị hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng chống tham nhũng


Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2011, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nêu rõ, công tác truyền thông, giáo dục về phòng chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm thực hiện. Nhiều văn bản cần thiết, quan trọng đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng từng bước phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả nhất định, củng cố niềm tin trong nhân dân và dư luận quốc tế. Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng tiếp tục được kiện toàn, tăng cường lực lượng, dần đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra cũng thừa nhận rằng, nhìn chung, tình trạng tham nhũng vẫn còn phức tạp, chưa thực hiện được mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng. Chính phủ kiến nghị Quốc hội xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước và phòng chống tham nhũng, đặc biệt là việc thực hiện nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, quyết tâm ban hành kịp thời các luật, pháp lệnh thực thi nghị quyết này; tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng.

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng tình công tác phòng chống tham nhũng đã được triển khai tất cả các mặt về hoàn thiện thể chế, chính sách, củng cố bộ máy, tổ chức thực hiện pháp luật và đạt được những kết quả tích cực. Công tác thanh tra, kiểm toán được tăng cường, qua đó phát hiện nhiều sai phạm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước, điều hành kinh tế -xã hội; đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn ha đất; kiến nghị xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm. Mặc dù vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng vẫn còn hình thức, chưa thiết thực, hiệu quả chưa cao.

Người dân, ngay cả cán bộ, công chức, viên chức vẫn coi phòng chống tham nhũng là công việc của Nhà nước, ít quan tâm tới việc phát hiện, tố cáo tham nhũng. Một bộ phận người dân vì công việc riêng sẵn sàng đưa hối lộ để được việc đồng thời một số cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu để nhận tiền. Ý kiến chung là hiệu quả giữa đầu tư công sức, kinh phí, ngân sách cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng và tác động của nó chưa tương xứng.

Ủy ban Tư pháp cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng chống tham nhũng, qua đó góp phần khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong cơ chế, chính sách cũng như các khâu tổ chức thực hiện pháp luật; nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác phòng, ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng. Tuy vậy, việc giảm thủ tục hành chính ở nhiều nơi còn hình thức. Vi phạm các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức vẫn còn. Tiến độ thực hiện cải cách tiền lương chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có cơ chế kiểm soát việc kê khai thu nhập, tài sản, xử lý đối với tài sản tăng lên bất thường nếu không chứng minh được sự minh bạch, hợp pháp...

Đồng tình với những kiến nghị trong Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp đề nghị cần đề ra những giải pháp khắc phục cụ thể, thiết thực, khả thi và có hiệu quả, nhất là xác định rõ hơn trách nhiệm của các ngành, các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cần phân tích rõ những mặt được, hạn chế, nhất là về mô hình tổ chức chống tham nhũng hiện nay, trong đó đánh giá sâu về hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng và các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

Cho ý kiến về nội dung này, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Báo cáo cần đánh giá toàn diện, sâu sắc hơn về tình hình tham nhũng, làm rõ các lĩnh vực phát sinh tham nhũng, nguyên nhân...để làm cơ sở đánh giá chính xác và rõ nét kết quả phòng chống tham nhũng và đề ra các giải pháp phù hợp trong thời gian tới. Một số ý kiến đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, cần đánh giá hiệu quả của từng biện pháp phòng ngừa tham nhũng; hiệu quả hoạt động của bộ máy chỉ đạo và các đơn vị chuyên trách về phòng chống tham nhũng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, Báo cáo đánh giá chưa thật rõ, chưa nêu bật những điểm được, chưa được và cần thêm trong công tác phòng chống tham nhũng. Phương hướng hoạt động của mô hình thí điểm Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cấp tỉnh là Bí thư cấp ủy hoặc là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cũng chưa được nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ cập nhật thêm một số số liệu để làm rõ hơn tình hình tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng; có các giải pháp hết sức cụ thể đồng thời phân tích thấu đáo những vướng mắc, khó khả thi trong các biện pháp đang thực hiện. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng cần sớm có các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa, khắc phục một biểu hiện nguy hiểm là “nhờn thuốc” và quen dần với hành vi tham nhũng.

Tình trạng lãng phí vẫn tồn tại

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2011, Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận định, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường rõ nét và quyết liệt hơn so với năm trước. Công tác cải cách hành chính nói chung có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và thời gian giải quyết công việc của cán bộ công chức và nhân dân.

Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán triển khai thực hiện quyết liệt, góp phần tiết kiệm, hạn chế thất thoát, lãng phí. Quản lý, sử dụng vốn, kinh phí và tài sản nhà nước có chuyển biến theo hướng tích cực. Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên được tăng cường và dần đi vào nề nếp, khắc phục có hiệu quả hơn tình trạng lãng phí trong sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Sử dụng năng lượng, tiêu dùng của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân có chuyển biến tích cực.

Theo Báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai các biện pháp tiết kiệm trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước, sắp xếp các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên là 3.857,7 tỷ đồng. Các bộ, ngành địa phương đã nghiêm túc thực hiện việc tạm dừng mua sắm, trang bị mới xe ôtô, điều hòa nhiệt độ, trang thiết bị văn phòng; tiết giảm tối đa các khoản chi phí xăng dầu, điện nước, văn phòng phẩm, chi tổ chức hội nghị, hội thảo, đi công tác trong và ngoài nước...

Trong đầu tư xây dựng cơ bản, công tác phân bổ kế hoạch vốn đầu tư đảm bảo tiến độ, thời gian và đã tích cực rà soát, cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư nhằm sử dụng hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí.

Trong quản lý, sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản trên phạm vi cả nước từ 30/8/2011 để xem xét, đánh giá thực trạng và tăng cường quản lý. Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn các tỉnh, thành phố, trong đó tập trung tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết các doanh nghiệp nhà nước đã và đang thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, cắt giảm đầu tư, tập trung vào ngành nghề sản xuất kinh doanh chính.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, tình trạng lãng phí thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn tồn tại trên tất cả các lĩnh vực và ở các mức độ khác nhau. Vấn đề quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển vẫn là vấn đề nhức nhối, còn nhiều thất thoát, lãng phí và khắc phục chậm. Quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai vẫn là điểm nóng. Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản vẫn còn bất cập; ô nhiễm môi trường cải thiện chậm. Quản lý, sử dụng tài sản công chưa nghiêm; hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước còn thấp so với các khu vực còn lại. Ý thức tiết kiệm trong nhân dân chưa thực sự được nâng cao.

Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt chú trọng lĩnh vực đầu tư phát triển, lĩnh vực quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản; lĩnh vực sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước.

Chính phủ cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên qua đến Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với cải cách hành chính; nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với một số lĩnh vực nhậy cảm dễ gây thất thoát, lãng phí lớn như: quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; quản lý nhà công vụ; quản lý và sử dụng nguồn nhân lực./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục