Kiến trúc sư Ấn Độ Balkrishna Doshi đoạt giải Pritzker 2018

Kiến trúc sưBalkrishna Doshi đã trở thành chủ nhân của giải Pritzker 2018 - giải thưởng uy tín nhất thế giới dành cho các kiến trúc sư - nhờ những thiết kế đầy tính sáng tạo về nhà ở chi phí thấp.
Kiến trúc sư Ấn Độ Balkrishna Doshi đoạt giải Pritzker 2018 ảnh 1Kiến trúc sư Balkrishna Doshi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Kiến trúc sư người Ấn Độ Balkrishna Doshi đã trở thành chủ nhân của giải Pritzker 2018 - giải thưởng uy tín nhất thế giới dành cho các kiến trúc sư - nhờ những thiết kế đầy tính sáng tạo về nhà ở chi phí thấp, giúp giải quyết các thách thức kinh tế và xã hội trong thế kỷ 21.

Trong thông báo ngày 7/3, Chủ tịch Quỹ Hyatt - ông Tom Pritzker - nhấn mạnh bằng khả năng sáng tạo và truyền cảm hứng, vị kiến trúc sư 90 tuổi này đã chỉ ra cách thức kiến trúc có thể cải thiện cuộc sống con người. Những công trình của ông hội tụ những yếu tố như bình dân, dễ thích ứng với tác động của thiên tai, tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng sống của người dân, thể hiện sự tôn trọng đối với văn hóa phương Đông và đậm chất nghệ thuật.

Khởi nghiệp từ năm 20 tuổi, ông Doshi là một kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch và là một nhà sư phạm. Các công trình nghiên cứu của ông hầu hết đều hướng tới những người dân nghèo, trong đó có thể kể tới dự án nhà chi phí thấp Aranya ở Indore, nơi có hơn 80.000 người đang sinh sống.

Vị kiến trúc sư quan niệm rằng khi cuộc sống thay đổi, con người sẽ cảm thấy hy vọng vào tương lai hơn và theo đó sẽ có những quyết tâm tích cực hơn.

[Kiến trúc sư người Chile giành giải thưởng Pritzker 2016 danh giá]

Ông Balkrishna Doshi là kiến trúc sư người Ấn Độ đầu tiên được tôn vinh trong lịch sử 40 năm của giải thưởng này. Ông Doshi sẽ chính thức nhận được giải thưởng này trong lễ trao tặng tổ chức tại Bảo tàng Aga Khan ở Toronto (Canada) vào tháng Năm tới.

Giải thưởng Pritzker do Quỹ Hyatt bảo trợ, ra đời năm 1979, nhằm tôn vinh những kiến trúc sư đương đại, có những tác phẩm xuất sắc, biểu đạt tổng hòa các giá trị: tài năng, tầm nhìn và cam kết, có đóng góp lớn cho nhân loại thông qua nghệ thuật kiến trúc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục