Kim ngạch xuất khẩu của ngành nhựa đạt 1 tỷ USD

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết kim ngạch xuất khẩu ngành nhựa năm 2010 đạt 1 tỷ USD.
Tại Hội thảo giới thiệu Dự thảo quy hoạch phát triển ngành nhựa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 tổ chức ngày 30/12 tại Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Ngọc Hải cho biết kim ngạch xuất khẩu ngành nhựa đạt 1 tỷ USD trong năm 2010.

Theo ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, toàn ngành nhựa đang phấn đấu nâng tỷ trọng đạt 5% năm 2015 và 6% vào năm 2025 so với toàn ngành công nghiệp. Cụ thể, mục tiêu cơ cấu sản phẩm ngành nhựa đến năm 2015 gồm các sản phẩm bao bì chiếm 36%, sản phẩm cho vật liệu xây dựng chiếm 23%. Mục tiêu cơ cấu sản phẩm ngành nhựa năm 2025, với các sản phẩm bao bì là 31%, sản phẩm cho vật liệu xây dựng là 27%…

Dự kiến, giá trị tăng thêm của ngành nhựa đến năm 2015 đạt hơn 10.000 tỷ đồng; đến năm 2025 đạt hơn 32.000 tỷ đồng.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, nếu chỉ tính riêng những doanh nghiệp có số vốn từ 0,5 tỷ đồng trở lên, cả nước có khoảng 1.064 doanh nghiệp nhựa, chủ yếu ở miền Nam. Số lượng doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… chiếm tới 80%.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Công nghiệp Phạm Ngọc Hải cũng cho biết tổng số lao động của toàn ngành nhựa là hơn 118.000 người, chiếm 2,7% tổng số lao động toàn ngành công nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa đạt 20-25%/năm. Dự kiến năm 2010, sản lượng toàn ngành nhựa đạt 3.800 tấn, trong đó, nhựa bao bì chiếm tới 80% giá trị sản lượng.

Kim ngạch xuất khẩu ngành nhựa năm 2010 đạt 1 tỷ USD. Các sản phẩm nhựa của Việt Nam được xuất khẩu tới 41 nước và khu vực như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Philippinnes… với nhiều thương hiệu nổi tiếng như ống nhựa của các công ty cổ phần nhựa Bình Minh, Tiền Phong, Minh Hùng; nhựa Rạng Đông với sản phẩm khăn trải bàn, vải giả da…

Để ngành nhựa tiếp tục phát triển vững mạnh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp cần cải tiến về mặt chất lượng, đầu tư về bao bì sản xuất nguyên, nhiên liệu nhựa, khuôn mẫu, chế tạo thiết bị cho ngành nhựa.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành cơ khí trọng điểm cần vay vốn đầu tư dài hạn từ 10-15 năm với lãi suất ưu đãi và được ân hạn từ 3-5 năm; các dự án nhựa quy mô lớn cần được thực hiện miễn giảm thuế./.

Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục