Kình ngư Trung Quốc đoạt Huy chương Vàng quan trọng nhất trên đường đua xanh

Bất chấp những nghi ngờ sử dụng doping, kình ngư người Trung Quốc Pan Zhanle vẫn giành Huy chương Vàng ở cự li 100m tự do, đánh bại các đối thủ Australia và Mỹ.

Tại Olympic Paris 2024, kình ngư người Trung Quốc Pan Zhanle (Phan Triển Lạc) đã trở thành vận động viên bơi lội đầu tiên của Trung Quốc giành Huy chương Vàng cự li 100m tự do, cự li quan trọng nhất trên đường đua xanh.

Không những thế, họ Phan còn lập kỷ lục thế giới mới với thành tích 46,40 giây.

Bình luận viên của kênh Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV5 đã không kìm nổi xúc động khi tường thuật trực tiếp phần thi của Phan Triển Lạc.

Điều đáng nói là trong phần trả lời phỏng vấn sau cuộc thi, Pan Zhanle đã cáo buộc vận động viên Kyle Chalmers của Australia và Jack Alexy của Mỹ đã có những hành động thiếu tôn trọng với các huấn luyện viên Trung Quốc trong một buổi tập luyện.

Kyle Chalmers chính là người đã giành Huy chương Vàng ở Olympic Rio 2016, song lần này chỉ giành Huy chương Bạc. Về thứ ba là vận động viên Romania David Popovici.

Chiến thắng của Pan đã gây sốc với thế giới bơi lội. Cựu vận động viên người Australia Brett Hawke – từng thi đấu ở Olympic 2000 và 2004 viết trên Instagram rằng thành tích của Pan là "khó tin."

"Bạn bè tôi là những người bơi nhanh nhất trong lịch sử Olympic, từ Rowdy Gaines, Alex Popov tới Gary Hall Jr, không ai tin vào thành tích ấy cả. Tôi đã nghiên cứu bộ môn này suốt 30 năm rồi," Hawke nói.

Trong quá khứ, tờ New York Times từng thực hiện loạt điều tra bóc trần việc 23 kình ngư Trung Quốc từng dính doping ở Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, Pan (mới 20 tuổi) không có tên trong danh sách nói trên.

Trước những cáo buộc trên, Pan chỉ nói đơn giản: "Năm ngoái tôi đã thực hiện 29 cuộc xét nghiệm nhưng đều âm tính. Từ tháng Năm tới tháng Bảy, tôi đã thực hiện 21 cuộc xét nghiệm, không mẫu nào dương tính. Riêng hôm nay tôi đã xét nghiệm 2 lần rồi."

Cơ quan phòng chống doping Trung Quốc (Chinada) đã liên tục bác bỏ các cáo buộc của tờ New York Times, đồng thời cho rằng đó là sự "bất công và vô đạo đức."

(Vietnam+)