Kinh tế Đức tránh được suy thoái trong năm 2012?

Đức sẽ tránh được suy thoái bất chấp khủng hoảng nợ và tốc độ tăng trưởng của nước này được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong 2013.
Chính phủ Đức ngày 25/4 cho hay Đức sẽ tránh được suy thoái trong năm 2012, bất chấp cuộc khủng hoảng nợ Khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn "dai dẳng," và không dừng ở đó, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Đức dự báo sẽ tăng gấp hai lần trong năm 2013.

Bộ trưởng kinh tế Đức Philipp Roesler cho hay nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ tăng trưởng 0,7% năm 2012 và 1,6% năm 2013. Với triển vọng tăng trưởng khả quan trên và mức thu nhập cao cũng như số người có việc làm tăng, Đức đang chứng tỏ nền kinh tế này đang tăng trưởng khá tốt và giữ vững vai trò là động cơ tăng trưởng của kinh tế châu Âu.

Trong khi đó, số liệu thống kê công bố ngày 25/4 cho hay kinh tế Anh bất ngờ rơi vào suy thoái trong quý I/2012 với mức giảm âm 0,2%.

Chính phủ Đức dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Đức sẽ giảm xuống 6,7% năm 2012 và xuống mức thấp kỷ lục 6,5% năm 2013. Đức đã vượt qua cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và nhìn chung tăng trưởng tốt hơn các nước khác trên châu lục này.

[Kinh tế Anh suy thoái khi GDP giảm 2 quý liên tiếp]

Tuy nhiên, Ông Roesler cảnh báo những rủi ro từ môi trường quốc tế vẫn ở mức cao trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ châu Âu chưa đi tới hồi kết. Một rủi ro nữa là việc giá dầu mỏ tăng cao cũng có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng Đức. Mặc dù vậy, Đức vẫn là nước xuất khẩu lớn thứ hai sau Trung Quốc.

Ông Roesler cho hay đà phục hồi hiện nay của kinh tế nước này chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước. Theo ông, áp dụng các biện pháp khắc khổ là cách tốt nhất để đảm bảo sự vững chắc cho nền kinh tế vào thời điểm châu Âu đang tranh cãi về vấn đề chuyển đổi chiến lược đối phó với khủng hoảng từ thắt lưng buộc bụng sang thúc đẩy tăng trưởng.

Xu hướng tăng trưởng tích cực ở Đức cho thấy nỗ lực củng cố ngân sách và cải cách cơ cấu đáng khích lệ đã được đền đáp bằng những tăng trưởng tích cực trên thị trường lao động.

Bước ra khỏi những tác động nặng nề của khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) năm 2008, kinh tế Đức đã cho thấy sự mau phục hồi nhất là trong bối cảnh nhiều nước Eurozone đang điêu đứng bởi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu hiện nay.

Chỉ số lòng tin kinh doanh của viện kinh tế Ifo (Đức) đã liên tục tăng trong sáu tháng trở lại đây. Trong bối cảnh các thị trường nợ có nhiều xáo động, giới đầu tư vẫn đổ xô cho vay tại Đức, nơi trú ẩn được đánh giá là an toàn trong giai đoạn "giông bão"./.

Như Mai (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục