Kinh tế Italy có nguy cơ mất thêm hơn 200.000 việc làm

Kinh tế Italy lại đang có nguy cơ mất thêm hơn 200.000 việc làm nữa trong quý tới, nếu chương trình cải cách kinh tế của chính phủ không có hiệu quả.
Kinh tế Italy có nguy cơ mất thêm hơn 200.000 việc làm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Trong khi những biện pháp nhằm cải cách thị trường lao động và tăng thêm cơ hội việc làm của Thủ tướng Matteo Renzi còn chưa đem lại những hiệu quả rõ ràng thì nền kinh tế Italy lại đang có nguy cơ mất thêm hơn 200.000 việc làm nữa trong quý tới, nếu chương trình cải cách kinh tế của chính phủ không có hiệu quả.

Đó là tuyên bố của CISL, một trong ba nghiệp đoàn lao động lớn nhất ở Italy hôm 12/4, trong một cảnh báo về những tác động tiêu cực tiếp theo đối với người lao động trong bối cảnh nước này chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.

Theo CISL, trong quý I/2014, đã có thêm 223 .000 người lao động nộp đơn xin trợ cấp từ cơ quan cứu trợ nhà nước, tăng hơn 30.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo CISL, tổng số người lao động đang xin trợ cấp xã hội đã lên tới hơn nửa triệu người, trở thành một gánh nặng lớn đối với một nền kinh tế chưa có dấu hiệu hồi phục.

Số người nộp đơn xin trợ cấp ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với nguy cơ họ sẽ mất việc ngày càng lớn, gia nhập vào đội ngũ thất nghiệp đã lên tới trên 3 triệu người trong độ tuổi lao động.

Thống kê công bố hồi đầu tháng Tư của Cơ quan thống kê nhà nước (ISTAT) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở Italy đã lên đến con số kỷ lục 12,9% tính cho đến hết tháng 3/2014. Sự trì trệ của sản xuất công nghiệp và các ngành dịch vụ được cho là nguyên nhân chính dẫn đến thị trường lao động co lại, đẩy những người lao động vào cảnh khốn cùng.

Những người lao động theo hợp đồng thời vụ chịu ảnh hưởng nặng nhất trong cuộc khủng hoảng, khi họ là những người đầu tiên bị sa thải trong số những người mất việc. Thống kê của CISL cho thấy, trong quý I/2014, số người lao động theo thời vụ đã giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong khi đó, các hợp đồng ngắn hạn bán thời gian lại tăng lên 5%, do tính chất bấp bênh của thị trường lao động và sự "thận trọng" của người thuê lao động trước sự khó khăn mà họ phải đối mặt.

Cải cách hợp đồng lao động để nhằm tạo ra mối ràng buộc chắc chắn hơn giữa doanh nghiệp và người lao động, cũng như tạo thêm nhiều cơ hội việc làm là một trong những cải cách được ưu tiên hàng đầu của chính phủ Renzi. Được đặt mệnh danh là "Job Act", cải cách này được kỳ vọng sẽ giúp người lao động Italy vượt qua thời kỳ khó khăn này của nền kinh tế.

Trong tuyên bố của mình, CISL ủng hộ những nỗ lực của chính phủ, nhưng cũng cảnh báo ông Renzi cần phải có những thúc đẩy lớn hơn nữa trong khu vực công nghiệp, nơi tập trung đông người lao động nhất, để giúp nền công nghiệp Italy tăng trưởng và hỗ trợ người lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục