Những ai từng nóng lòng chờ đợi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke công bố gói kích thích kinh tế thứ 3 (hay còn gọi là nới lỏng định lượng lần 3 - QE3) tại hội nghị các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương và chuyên gia kinh tế hàng đầu ở thành phố Jackson Hole, bang Wyoming vào cuối tháng Tám, hẳn phải thất vọng.
Câu hỏi đặt ra là vì sao FED vẫn chưa dùng tới QE3, ngay cả khi ông Bernanke thừa nhận rằng kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm hơn dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp cao có thể để lại những "vết sẹo" khó lành.
Theo các chuyên gia phân tích, quyết định của người đứng đầu FED là sự thận trọng cần thiết, và tất nhiên ông Bernanke có lý lẽ riêng trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.
Trước hết, ông Bernanke khẳng định FED còn nhiều công cụ để tiếp tục kích thích tăng trưởng kinh tế và ông không muốn sử dụng ngay những biện pháp này. Ông kêu gọi Quốc hội cải thiện chính sách tài khóa, tránh để những bất đồng trong vấn đề trần nợ công ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Ông Bernanke đã đúng khi cho rằng FED không thể "gánh" toàn bộ gánh nặng chính sách kinh tế, mà trách nhiệm này thuộc về chính phủ Mỹ. Do đó, việc liệu có cần thêm QE3 hay không sẽ được bàn trong phiên họp tới của Hội đồng Thị trường mở liên bang (FOMC) trong hai ngày 20-21/9 tới.
Bình luận những động thái ông Bernanke, giáo sư kinh tế tại Đại học California, Barry Eichengreen cho rằng, FED đang trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" nên không có gì khó hiểu khi Chủ tịch FED tỏ ra thận trọng và để ngỏ mọi khả năng cho cuộc họp sắp tới.
Trên thực tế, bài toán mà FED phải giải quyết hiện nay là tình hình tăng trưởng kinh tế èo uột, trong khi cơ quan này phải chịu các sức ép chính trị đối với chính sách tiền tệ nới lỏng của mình.
Tính đến nay, FED đã mua số trái phiếu trị giá khoảng 2.300 tỷ USD nhằm kéo lãi suất cho vay xuống gần ngưỡng 0% và dự kiến tiếp tục duy trì mức lãi suất "siêu thấp" này tới giữa năm 2013.
Mặt khác, bản thân nội bộ FED còn chưa thống nhất về các bước đi trong tương lai, nên khoảng thời gian từ nay tới cuộc họp của FOMC sẽ là cơ hội để FED rà soát và đánh giá tổng quan về giải pháp khả thi nhất, nhằm khôi phục lòng tin nhà đầu tư và các thị trường tài chính.
Trong khi đó, nhà phân tích James Mackintosh của tạp chí "Thời báo tài chính" nhìn nhận vấn đề theo một khía cạnh khác. Theo ông, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng không quá nóng, mà cũng không quá lạnh, tức không đủ nóng để giải quyết triệt để vấn đề thất nghiệp cao dai dẳng, song cũng chưa đến mức FED phải ngay lập tức công bố tiếp QE3 sau khi đã có QE1 và QE2.
Trên thực tế, bài phát biểu của ông Bernanke tại Jackson Hole không nằm ngoài mục tiêu kêu gọi sự chung tay giúp sức của chính phủ, hay ít nhất là gửi tới Quốc hội Mỹ một thông điệp ngắn gọn rằng: Đừng để sự mất đoàn kết hủy hoại các chính sách kinh tế quốc gia.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới này chỉ đạt 1% trong quý 2/2011, thấp hơn mức dự báo 1,1% của giới phân tích và thấp hơn so với ước tính 1,3% của Bộ Thương mại đưa ra trước đó.
Nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng và phục hồi chậm là do cuộc khủng hoảng kinh tế tác động đồng thời tới hai lĩnh vực chủ chốt nhất của nền kinh tế là thị trường nhà đất và hệ thống ngân hàng. Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp cao và cuộc khủng hoảng nợ công đã xói mòn lòng tin của người tiêu dùng, khiến họ tăng cường thắt lưng buộc bụng, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng để tăng cường tuyển dụng mạnh trở lại.
Theo khảo sát của hãng tin Reuters, chỉ số lòng tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm từ mức 63,7 điểm trong tháng Bảy xuống 55,7 điểm trong tháng Tám, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 11/2008.
Cho đến nay, một trong những rào cản lớn nhất đối với chi tiêu dùng là tàn dư nợ nần. Theo phân tích của Moody's, nợ của các gia đình Mỹ chỉ giảm 1.200 tỷ USD so với mức đỉnh 12.410 tỷ tháng 8/2008, nhưng phần lớn trong số giảm đó là nhờ việc ngân hàng phải xóa nợ vì một số con nợ phá sản. Việc nợ của các hộ gia đình vẫn ở mức cao gợi mở một câu hỏi không dễ trả lời khi nền kinh tế Mỹ không thể "khỏe mạnh" thực sự nếu tình trạng nợ nần không giảm.
Bức tranh kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn có những nét nổi bật và tích cực trong vòng một năm qua, nhất là so với giai đoạn "đen tối" của cuộc khủng hoảng tài chính. Trong lĩnh vực tài chính, hệ thống ngân hàng Mỹ đã lành mạnh hơn rất nhiều, khi các ngân hàng nắm giữ lượng vốn đáng kể, dòng thanh khoản được cải thiện, cho dù vẫn được thắt chặt trên một số lĩnh vực như hoạt động cho các doanh nghiệp nhỏ vay. Quan trọng hơn, quá trình cải cách cấu trúc đã diễn ra hiệu quả trong lĩnh vực tài chính, nhằm tăng cường khả năng quản lý rủi ro và minh bạch, đồng thời củng cố cơ sở hạ tầng tài chính.
Mặt khác, tình trạng thâm hụt thương mại đã giảm đáng kể, phản ánh sức cạnh tranh được cải thiện trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Theo Moody's, trong giai đoạn từ nay tới cuối năm 2011, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 2%.
Tuy nhiên, bên cạnh các vấn đề trong nước, một nhân tố nữa cũng có những ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Mỹ là diễn biến cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Liệu FED và chính quyền Washington có thể phối hợp thúc đẩy hiệu quả các biện pháp kích thích ngắn hạn, như kéo dài thời hạn đối với các khoản trợ cấp thất nghiệp hoặc chính sách cắt giảm thuế đối với quỹ tiền lương của các công ty? Câu hỏi đó có lẽ trong thời gian tới sẽ được giải đáp!./.
Câu hỏi đặt ra là vì sao FED vẫn chưa dùng tới QE3, ngay cả khi ông Bernanke thừa nhận rằng kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm hơn dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp cao có thể để lại những "vết sẹo" khó lành.
Theo các chuyên gia phân tích, quyết định của người đứng đầu FED là sự thận trọng cần thiết, và tất nhiên ông Bernanke có lý lẽ riêng trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.
Trước hết, ông Bernanke khẳng định FED còn nhiều công cụ để tiếp tục kích thích tăng trưởng kinh tế và ông không muốn sử dụng ngay những biện pháp này. Ông kêu gọi Quốc hội cải thiện chính sách tài khóa, tránh để những bất đồng trong vấn đề trần nợ công ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Ông Bernanke đã đúng khi cho rằng FED không thể "gánh" toàn bộ gánh nặng chính sách kinh tế, mà trách nhiệm này thuộc về chính phủ Mỹ. Do đó, việc liệu có cần thêm QE3 hay không sẽ được bàn trong phiên họp tới của Hội đồng Thị trường mở liên bang (FOMC) trong hai ngày 20-21/9 tới.
Bình luận những động thái ông Bernanke, giáo sư kinh tế tại Đại học California, Barry Eichengreen cho rằng, FED đang trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" nên không có gì khó hiểu khi Chủ tịch FED tỏ ra thận trọng và để ngỏ mọi khả năng cho cuộc họp sắp tới.
Trên thực tế, bài toán mà FED phải giải quyết hiện nay là tình hình tăng trưởng kinh tế èo uột, trong khi cơ quan này phải chịu các sức ép chính trị đối với chính sách tiền tệ nới lỏng của mình.
Tính đến nay, FED đã mua số trái phiếu trị giá khoảng 2.300 tỷ USD nhằm kéo lãi suất cho vay xuống gần ngưỡng 0% và dự kiến tiếp tục duy trì mức lãi suất "siêu thấp" này tới giữa năm 2013.
Mặt khác, bản thân nội bộ FED còn chưa thống nhất về các bước đi trong tương lai, nên khoảng thời gian từ nay tới cuộc họp của FOMC sẽ là cơ hội để FED rà soát và đánh giá tổng quan về giải pháp khả thi nhất, nhằm khôi phục lòng tin nhà đầu tư và các thị trường tài chính.
Trong khi đó, nhà phân tích James Mackintosh của tạp chí "Thời báo tài chính" nhìn nhận vấn đề theo một khía cạnh khác. Theo ông, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng không quá nóng, mà cũng không quá lạnh, tức không đủ nóng để giải quyết triệt để vấn đề thất nghiệp cao dai dẳng, song cũng chưa đến mức FED phải ngay lập tức công bố tiếp QE3 sau khi đã có QE1 và QE2.
Trên thực tế, bài phát biểu của ông Bernanke tại Jackson Hole không nằm ngoài mục tiêu kêu gọi sự chung tay giúp sức của chính phủ, hay ít nhất là gửi tới Quốc hội Mỹ một thông điệp ngắn gọn rằng: Đừng để sự mất đoàn kết hủy hoại các chính sách kinh tế quốc gia.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới này chỉ đạt 1% trong quý 2/2011, thấp hơn mức dự báo 1,1% của giới phân tích và thấp hơn so với ước tính 1,3% của Bộ Thương mại đưa ra trước đó.
Nguyên nhân chủ yếu khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng và phục hồi chậm là do cuộc khủng hoảng kinh tế tác động đồng thời tới hai lĩnh vực chủ chốt nhất của nền kinh tế là thị trường nhà đất và hệ thống ngân hàng. Mặt khác, tỷ lệ thất nghiệp cao và cuộc khủng hoảng nợ công đã xói mòn lòng tin của người tiêu dùng, khiến họ tăng cường thắt lưng buộc bụng, trong khi nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng để tăng cường tuyển dụng mạnh trở lại.
Theo khảo sát của hãng tin Reuters, chỉ số lòng tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm từ mức 63,7 điểm trong tháng Bảy xuống 55,7 điểm trong tháng Tám, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 11/2008.
Cho đến nay, một trong những rào cản lớn nhất đối với chi tiêu dùng là tàn dư nợ nần. Theo phân tích của Moody's, nợ của các gia đình Mỹ chỉ giảm 1.200 tỷ USD so với mức đỉnh 12.410 tỷ tháng 8/2008, nhưng phần lớn trong số giảm đó là nhờ việc ngân hàng phải xóa nợ vì một số con nợ phá sản. Việc nợ của các hộ gia đình vẫn ở mức cao gợi mở một câu hỏi không dễ trả lời khi nền kinh tế Mỹ không thể "khỏe mạnh" thực sự nếu tình trạng nợ nần không giảm.
Bức tranh kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn có những nét nổi bật và tích cực trong vòng một năm qua, nhất là so với giai đoạn "đen tối" của cuộc khủng hoảng tài chính. Trong lĩnh vực tài chính, hệ thống ngân hàng Mỹ đã lành mạnh hơn rất nhiều, khi các ngân hàng nắm giữ lượng vốn đáng kể, dòng thanh khoản được cải thiện, cho dù vẫn được thắt chặt trên một số lĩnh vực như hoạt động cho các doanh nghiệp nhỏ vay. Quan trọng hơn, quá trình cải cách cấu trúc đã diễn ra hiệu quả trong lĩnh vực tài chính, nhằm tăng cường khả năng quản lý rủi ro và minh bạch, đồng thời củng cố cơ sở hạ tầng tài chính.
Mặt khác, tình trạng thâm hụt thương mại đã giảm đáng kể, phản ánh sức cạnh tranh được cải thiện trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Theo Moody's, trong giai đoạn từ nay tới cuối năm 2011, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 2%.
Tuy nhiên, bên cạnh các vấn đề trong nước, một nhân tố nữa cũng có những ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Mỹ là diễn biến cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Liệu FED và chính quyền Washington có thể phối hợp thúc đẩy hiệu quả các biện pháp kích thích ngắn hạn, như kéo dài thời hạn đối với các khoản trợ cấp thất nghiệp hoặc chính sách cắt giảm thuế đối với quỹ tiền lương của các công ty? Câu hỏi đó có lẽ trong thời gian tới sẽ được giải đáp!./.
Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)