Kinh tế Mỹ đã phục hồi nhưng còn mong manh

Sản lượng sản xuất, một trong những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Mỹ, đã tăng tháng thứ bảy liên tiếp trong tháng 2/2010. Tuy nhiên, mức tăng trưởng về các hoạt động sản xuất đã tăng chậm lại so với tháng Một và thấp hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế.

Chi tiêu cá nhân của người dân Mỹ đã tăng 0,5% trong tháng Giêng song thu nhập chỉ tăng 0,1% - thấp nhất trong vòng bốn tháng qua.
Các báo cáo về tình hình sản xuất, xây dựng, thu nhập cá nhân và chi tiêu của người dân Mỹ, công bố ngày 1/3, cho thấy nền kinh tế đầu tàu thế giới này đang có sự phục hồi một cách khiêm tốn, nhưng vẫn "mong manh".

Theo các số liệu thống kê, sản lượng sản xuất, một trong những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Mỹ, đã tăng tháng thứ bảy liên tiếp trong tháng 2/2010. Tuy nhiên, mức tăng trưởng về các hoạt động sản xuất đã tăng chậm lại so với tháng Một và thấp hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết chi tiêu cá nhân của người dân Mỹ đã tăng 0,5% trong tháng Giêng, cao hơn chút ít so với dự đoán. Song, thu nhập của người dân chỉ tăng 0,1% - mức tăng yếu nhất trong vòng bốn tháng qua.

Các lĩnh vực khác của nền kinh tế Mỹ, trong đó có chi tiêu xây dựng, vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Bộ Thương mại Mỹ cho biết tổng chi tiêu xây dựng đã giảm 0,6%.

Chi tiêu xây dựng nhà ở tăng 1,3%, nhưng xu hướng này chỉ mang tính chất tạm thời khi xét tới sự yếu kém của việc bán các căn hộ mới và căn hộ hiện có trên thị trường. Chi tiêu vào các dự án không phục vụ dân cư giảm 2,1%.

Sau khi giảm tháng thứ ba liên tiếp, tỷ lệ chi tiêu xây dựng hàng năm trong tháng 1/2010 đạt hơn 884 tỷ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà phân tích dự báo lĩnh vực xây dựng ở Mỹ sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực trong thời gian tới khi mà các nhà thầu xây dựng vẫn phải vật lộn để vượt qua sự suy thoái nghiêm trọng nhất trong hàng thập kỷ.

Nhận định về xu hướng triển vọng trước mắt, hãng sản xuất chip điện tử nổi tiếng thế giới Intel dự đoán sẽ có sự phục hồi mạnh về nhu cầu đối với các loại máy tính để bàn trong năm nay.

Các nhà sản xuất xe hơi cũng nâng dự báo bán hàng và tuyển dụng lại một số công nhân. Thậm chí một số công ty hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh nhỏ bị tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng vừa qua cũng bắt đầu thông báo doanh số bán hàng cao hơn.

Tuy nhiên, ngay cả các nghị sỹ Mỹ cũng phải thừa nhận việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu sẽ vẫn cần thiết để giảm thâm hụt ngân sách liên bang trong thời gian tới.

Các nghị sỹ cảnh báo cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp sẽ lặp lại tại Mỹ nếu Washington không cân nhắc kỹ các biện pháp nhằm giảm thâm hụt ngân sách (dự kiến đạt mức kỷ lục hơn 1.500 tỷ USD trong năm tài chính 2010) và nợ (dự kiến lên tới khoảng 12.400 tỷ USD tính tới ngày 26/2 vừa qua)./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục