"Kinh tế phục hồi chậm nhưng không suy thoái kép"

Sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang chậm lại do nhiều nước rút dần các chính sách kích thích, nhưng sẽ không có suy thoái kép.
Bộ phận phân tích thông tin kinh tế (EIU) thuộc tạp chí Nhà Kinh tế của Anh ngày 18/8 cho rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang chậm lại do chính phủ các nước rút dần các chính sách kích thích.

Mặc dù những dấu hiệu kinh tế tại Mỹ và Trung Quốc gần đây khiến người ta lo ngại, song EIU vẫn khẳng định quan điểm từng đưa ra rằng dù tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2011 sẽ giảm xuống mức 3,6% so với mức 4,5% (tính theo sức mua) của năm 2010, nhưng sẽ khó có thể xảy ra suy thoái kép.

Theo EIU, sự hồi phục kinh tế tại Mỹ đang chậm lại bởi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạm thời, chẳng hạn như kích cầu, đã suy yếu.

Sự hồi phục nhờ xuất khẩu của Nhật Bản cũng không bền vững. Nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc cũng như phục hồi tại Mỹ dù mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản, tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế tại cả hai thị trường này đang chậm lại và đồng yen mạnh cũng đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong khi đó, dù tình hình đã được cải thiện tại Liên minh châu Âu (EU), song những quan ngại về tài khóa vẫn rất lớn và những vấn đề cốt lõi vẫn tồn tại.

Các nước Mỹ Latinh đang trên đà tăng trưởng, tuy nhiên, sẽ chịu ảnh hưởng từ việc kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong năm 2011. Khu vực Trung Đông và châu Phi sẽ vẫn duy trì được tăng trưởng nhờ sản xuất dầu mỏ tăng và chi tiêu chính phủ lớn.

Tuy nhiên, những yếu tố bi quan tại các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là tại Mỹ, Trung Quốc cùng với một số yếu tố khác, đã khiến giới chuyên gia bàn luận đến khả năng suy thoái kép.

Mặc dù vậy, EIU tiếp tục khẳng định quan điểm đã từng đưa ra trước đó rằng nền kinh tế thế giới sẽ khó có thể rơi vào suy thoái kép.

Thứ nhất, do các doanh nghiệp không còn cắt giảm lượng hàng trong kho, yếu tố làm GDP suy giảm mạnh trước đây.

Thứ hai, tình hình tài chính của các doanh nghiệp đã được cải thiện nhờ việc cắt giảm lương nhân viên trong thời kỳ khủng hoảng. Lợi nhuận của doanh nghiệp, một động lực chủ chốt của tăng trưởng, đang tăng lên.

Thứ ba, sự phục hồi mạnh mẽ đang diễn ra ở nhiều nước đang phát triển. Dù các thị trường đang nổi sẽ phát triển chậm lại do các nước giàu mua hàng xuất khẩu ít hơn, nhưng tăng trưởng của các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vẫn ở mức trên 6%.

Do vậy, EIU cho rằng những dấu hiệu tăng trưởng chậm lại gần đây không phải là tín hiệu cho thấy suy thoái có thể quay trở lại, mà chỉ là sự điều chỉnh tự nhiên sau sự tăng trưởng không bền vững nhờ kích cầu trong năm trước.

Tuy nhiên, EIU khuyến cáo các nước không nên coi nhẹ những khó khăn, thách thức ở phía trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục