Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đã “vượt bão” khó khăn, tiếp tục đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, ước tăng 9,46%, cao hơn 0,24 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, cao hơn 0,66 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng, đứng thứ 2 trong Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 4 cả nước.
Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, đây là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức hơn.
Cụ thể, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục phát huy tối đa vai trò trụ cột, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng trưởng 8,63%, đóng góp 4,53 điểm % tăng trưởng GRDP, chiếm 55,2% trong GRDP.
Ngành dịch vụ, du lịch, thương mại tiếp tục phục hồi trên cơ sở tập trung khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy cơ hội để phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế.
Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ ước tăng 12,51%, cao hơn 1,27 điểm % so với cùng kỳ. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì ổn định với mức tăng trưởng ước tăng 4,48%, cao hơn 1,2 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, cao hơn 0,52 điểm % so với kịch bản.
[Quảng Ninh thu ngân sách tăng cao, đạt trên 24.100 tỷ đồng]
Cũng trong 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 28.000 tỷ đồng, bằng 53% dự toán Trung ương giao, bằng 52% dự toán tỉnh giao, bằng 106% kịch bản, bằng 101% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh ước đạt 832,17 triệu USD, đạt 83% chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy (ít nhất 1,0 tỷ USD), đạt 69,3% kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh (đạt 1,2 tỷ USD).
Lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển bên cạnh các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hong Kong... Qua đó, góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh từ 19 lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tổng chi an sinh xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 81% cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo ước chỉ còn 0,041%. Cũng trong 6 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm mới cho 9.600 lao động, đạt 48% kế hoạch.
Có được kết quả tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm là nhờ ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã sớm ban hành các nghị quyết, xác định chủ đề công tác năm là “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân,” đồng thời chủ động xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó với từng tình huống cụ thể, trong đó xác định tập trung vào 3 trụ cột để tạo tăng trưởng.
Đó là đảm bảo tiến độ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công gắn với nâng cao chất lượng công trình, hiệu quả sau đầu tư và kiên trì thực hiện phương châm lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy, kích hoạt nguồn vốn ngoài ngân sách để phấn đấu năm 2023 tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 107.565 tỷ đồng.
Giữ ổn định phát triển bền vững ngành than, điện gắn với đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trọng điểm FDI vào các khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với tăng quy mô công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp sạch, công nghệ cao.
Tăng trưởng tối đa khu vực dịch vụ sau đại dịch, trọng điểm là du lịch, dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics và dịch vụ thương mại biên mậu. Đồng thời, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; giữ vững ổn định khu vực nông, lâm, thủy sản.
Tại cuộc họp giao ban của Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh ngày 12/6, Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh nhận định với mức tăng trưởng đạt cao trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hơn, sẽ là cơ sở vững chắc để Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP cả năm đạt trên 11%, tiếp tục lập nên kỳ tích của địa phương giữ vững đà phát triển với tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số trong 8 năm liên tiếp.
Không chủ quan với kết quả đạt được, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, yêu cầu các cấp, ngành trong 6 tháng cuối năm tiếp tục bám sát chủ đề công tác năm 2023 về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; đi sâu làm rõ vấn đề về thúc đẩy đầu tư công, thu hút FDI, phát triển sản phẩm du lịch dịch vụ, lĩnh vực văn hóa con người và việc hoàn thành các công trình… để đảm bảo tăng trưởng bền vững không chỉ cho năm nay mà tạo nền tảng quan trọng cho cả giai đoạn sau.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Cường cho biết từ nay đến cuối năm, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung khai thác các dư địa ở những ngành trọng điểm, như công nghiệp chế biến chế tạo, than, điện, du lịch dịch vụ, chăn nuôi, trồng trọt, kinh tế biển, logistics.
Đồng thời, tỉnh sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả; cải thiện môi trường, cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục xây dựng chính quyền phục vụ./.