Kinh tế thế giới đã bắt đầu xuất hiện điểm sáng

Dù còn nhiều khó khăn nhưng những điểm sáng đã bắt đầu xuất hiện trên bầu trời kinh tế u ám sau hơn 2 tháng đầu năm 2012.
Năm 2012 tiếp tục là năm khó khăn đối với kinh tế thế giới. Đó là đánh giá của nhiều chuyên gia trong bối cảnh các giải pháp được đưa ra để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu vẫn chưa đủ, tỷ lệ thất nghiệp tại các nền kinh tế phát triển đứng ở mức cao, trong khi các nước đang phát triển và nhiều nước khác vẫn “đau đầu” với bài toán lạm phát.

Tuy nhiên, những điểm sáng đã bắt đầu xuất hiện trên bầu trời kinh tế u ám sau hơn 2 tháng đầu năm 2012. Số liệu thống kê tại một số nền kinh tế trên thế giới phát đi trong bầu không khí ảm đảm, lạnh giá thời gian qua.

Đà phục hồi rõ nét hơn của kinh tế Mỹ

Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tháng 1/2012, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã giảm xuống 8,3%, mức thấp nhất trong hơn hai năm qua, nhờ số người được tuyển dụng bất ngờ tăng mạnh. Tiếp đến, trong tháng 2/2012, kinh tế Mỹ cũng đã tạo mới được khoảng 227.000 việc làm, cao hơn dự kiến của các chuyên gia và đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2011 thị trường lao động Mỹ liên tục được củng cố.

Theo giới phân tích, số liệu này là dấu hiệu cho thấy đà phục hồi của kinh tế Mỹ đã vững vàng hơn. Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ tại St. Louis, ông James Bullard dự đoán tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ giảm xuống 7,8% vào cuối năm nay.

Cũng trong tháng 1/2012, nhóm nghiên cứu Conference Board cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ đã tăng mạnh hơn dự đoán và lên mức cao nhất trong một năm. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng có thể sẵn sàng mở hầu bao hơn nữa trong những tháng tới.

Một thống kê đáng mừng khác là theo số liệu của Autodata Corp. công bố ngày 1/3, doanh số bán ô tô tại thị trường Mỹ trong tháng 2/2012 đạt 15,1 triệu xe, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất trong vòng hai năm qua. Các nhà phân tích thị trường dự báo trong năm 2012, ngành công nghiệp ô tô sẽ tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh kinh tế Mỹ, bất chấp tình trạng giá nhiên liệu trên thế giới không ngừng leo thang như hiện nay.

Bên cạnh đó, Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) còn cho hay, lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây lãi ròng của các ngân hàng được chính phủ bảo lãnh đã vượt ngưỡng 100 tỷ USD trong năm 2011, cụ thể đạt 119,5 tỷ USD, tăng gần 40% so với năm trước đó, nhờ đa số các ngân hàng làm ăn có lãi trở lại sau khi nợ xấu giảm.

Trong báo cáo hàng quý về lĩnh vực ngân hàng, FDIC cho biết 2/3 số ngân hàng được chính phủ bảo lãnh đã hoạt động có lãi trong năm 2011 và chỉ còn 15,5% thua lỗ. Đây là dấu hiệu cho thấy đa số các ngân hàng Mỹ đã làm ăn có lãi trở lại kể từ năm 2006 và bỏ lại sau lưng cuộc khủng hoảng tài chính.

Hy Lạp thoát hiểm, lòng tin tại Đức tăng cao

Ngày 9/3, Hy Lạp khẳng định đã thành công trong việc đề nghị các chủ nợ tư nhân chấp nhận hoán đổi trái phiếu để xoá nợ, với tỷ lệ cao các nhà đầu tư tham gia thỏa thuận. Theo Bộ Tài chính Hy Lạp, đã có 85,8% số chủ nợ tư nhân đang nắm giữ trái phiếu được phát hành theo luật pháp Hy Lạp ký vào thỏa thuận, trong khi 69% số chủ nợ nắm giữ trái phiếu được phát hành theo luật pháp quốc tế đồng ý tham gia. Ngày 12/3, sau khi Hy Lạp đạt được thỏa thuận hoán đổi nợ với các chủ nợ tư nhân, các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) đã nhóm họp để thông qua lần cuối gói cứu trợ thứ hai cho Athens và thảo luận về các biện pháp mạnh hơn nhằm ngăn chặn khả năng lặp lại khủng hoảng.

Ngay khi việc hoán đổi nợ được thực hiện, các khoản vay trị giá 130 tỷ euro sẽ được giải ngân. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble khẳng định giờ đây Athens có thể đi tới con đường lành mạnh hóa lâu dài. Khoản cứu trợ mới được hy vọng sẽ cho Hy Lạp thời gian thực hiện các cải cách rộng rãi và trở lại con đường tăng trưởng. Kinh tế nước này được dự báo sẽ giảm 4,5% trong năm 2012, trước khi tăng trưởng trở lại vào năm 2014.

[Eurozone phê chuẩn lần cuối gói cứu trợ Hy Lạp]

Trong khi đó, trong tháng 2/2012, lòng tin kinh doanh tại Đức, quốc gia được kỳ vọng sẽ vực dậy nền kinh tế Eurozone, đã tăng lên mức cao trong vòng 7 tháng, nhờ nhu cầu trong nước tăng. Nhà kinh tế Holger Schmieding thuộc Ngân hàng Berenberg, tại London, cho rằng chìa khóa cho triển vọng trong ngắn hạn chính là khôi phục niềm tin của thị trường.

Đối với lĩnh vực ngân hàng, Simon Denham, người đứng đầu tập đoàn thương mại Capital Spreads, nhận định các ngân hàng châu Âu đã khởi đầu trong năm nay khá khả quan, với việc giá cổ phiếu tăng mạnh, trong bối cảnh ngành ngân hàng được lợi không nhỏ từ đợt bơm tiền mặt lớn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Bảng cân đối kế toán đang được khôi phục, trong khi nguy cơ xảy ra một cuộc căng thẳng tín dụng nữa gần đây cũng được ngăn chặn.

Có thể nói, tình hình ở châu Âu hiện nay có vẻ đã sáng sủa hơn: những căng thẳng trong hệ thống ngân hàng lắng xuống, chi phí đi vay của các nước ngập trong nợ nần như Tây Ban Nha và Italia giảm, thị trường chứng khoán trên toàn châu lục phục hồi và niềm tin đang đi lên. Một số nhà phân tích dự đoán các nền kinh tế châu Âu sẽ có thể “lấy lại sức” trong năm nay. Cũng có thể có phần quá lạc quan, nhưng không phải là không có lý để Thủ tướng Italy, ông Mario Ponti sau cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Đức Angela Merkel tại Rome ngày 13/3 đã tuyên bố rằng châu Âu đã "ra khỏi giai đoạn căng thẳng của cuộc khủng hoảng kinh tế" và nay là lúc phải thúc đẩy những nỗ lực để "trở lại với đà tăng trưởng".

Châu Á tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng


Toàn cầu hóa khiến các nền kinh tế định hướng xuất khẩu ở châu Á không tránh khỏi tác động tiêu cực từ sự đi xuống của các thị trường châu Âu và Mỹ, rõ rệt nhất là xuất khẩu sụt giảm và dòng vốn đầu tư đảo chiều. Song, hầu hết các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển ở châu Á vẫn duy trì tốc độ phục hồi khá vững chắc.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), yếu tố làm nên thành công của “lục địa trẻ” là chính sách phát triển hài hòa giữa ổn định, tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ trong xóa đói nghèo và bất bình đẳng xã hội; sức bật mạnh mẽ trong phản ứng với khủng hoảng kinh tế toàn cầu và phương thức quản lý kinh tế vĩ mô hiệu quả dựa trên các trụ cột chính, gồm trách nhiệm tài chính, kiểm soát lạm phát và tỷ giá hối đoái linh hoạt. Nhờ thế, đóng góp của châu Á vào quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu lần đầu đã vượt các khu vực khác. Thay vì phụ thuộc cánh cửa hẹp là xuất khẩu, hầu hết các nền kinh tế châu Á đã biến nhu cầu nội địa thành động lực tăng trưởng, bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu.

Đặc biệt, giới phân tích nhìn nhận Trung Quốc vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bất chấp việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2012, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra là 7,5%. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng GDP thế giới đã tăng từ 4,6% năm 2003 lên 14,5% năm 2009.

Đối với các nước châu Á, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu ngày càng quan trọng, do nhu cầu của các nước phương Tây giảm sút đáng kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc cũng là động lực tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho các nước như Australia, Brazil, Indonesia và một số nước Trung Đông. Theo ước tính sơ bộ của Bộ Thương mại Trung Quốc, tổng giá trị nhập khẩu của Trung Quốc trong 5 năm tới ước đạt 8.000 tỷ USD - đó là "tin tức tốt lành" cho kinh tế toàn cầu.

Tóm lại, châu Á đang đứng trước những cơ hội rộng mở. Tuy nhiên, châu lục này cũng cần phải nỗ lực hết mức để nắm vững những ưu thế của mình khi "cờ đã đến tay", nhằm biến những đốm sáng thành một quầng lửa có sức sưởi ấm lan toả./.

Trà My (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục