Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu trong quý 2

Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho biết kinh tế Trung Quốc trong quý 2/2023 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn ba tháng trước đó, nhưng thấp hơn nhiều so với dự đoán tăng 7,1%.
Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu trong quý 2 ảnh 1Công nhân làm việc tại công trường ở Trùng Khánh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu trong quý 2, khi số liệu được công bố ngày 17/7 cho thấy tăng trưởng thấp hơn dự đoán và người tiêu dùng vẫn giữ tâm lý thận trọng. Thông tin mới nhất về GDP gây thêm áp lực cho giới chức nước này trong việc đưa ra thêm các biện pháp kích thích.

Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) cho biết kinh tế Trung Quốc trong quý 2/2023 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn ba tháng trước đó, nhưng thấp hơn nhiều so với dự đoán tăng 7,1% mà giới phân tích đưa ra trong cuộc khảo sát của hãng tin AFP.

Bên cạnh đó, cơ sở so sánh với năm ngoái là rất thấp, khi Trung Quốc tiến hành phong tỏa ở nhiều thành phố lớn do dịch COVID-19.

So với quý 1, kinh tế Trung Quốc tăng 0,8% trong quý 2, giảm mạnh so với mức 2,2% ghi nhận trong quý 1 so với quý trước đó.

Người phát ngôn của NBS, ông Fu Linghui, thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với “một bối cảnh quốc tế phức tạp và khó khăn.” Cùng với đó là nhiệm vụ cải cách, phát triển và đảm bảo sự ổn định.

Trước đó, có nhiều số liệu cho thấy sự phục hồi hậu đại dịch của Trung Quốc đang dần mất đà. Doanh số bán lẻ, thước đo hoạt động tiêu dùng quan trọng, đã tăng 3,1% trong tháng Sáu so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 12,7% trong tháng Năm, cho thấy tâm lý không ổn định của người tiêu dùng.

[Trung Quốc giảm lãi suất cho vay chuẩn LPR nhằm thúc đẩy kinh tế]

Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc từ từ 20,8% trong tháng Năm lên mức cao kỷ lục 21,3% trong tháng Sáu. Tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức 5,2%, nhưng số liệu này chỉ tính ở các thành phố lớn.

Loạt số liệu kém khả quan trong những tháng gần đây đã làm gia tăng kêu gọi giới chức Trung Quốc ban hành các biện pháp hỗ trợ. Trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) tháng trước đã hạ lãi suất và giới chức nước này cam kết hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, nhưng Chính phủ Trung Quốc vẫn hầu như chưa có hành động cụ thể nào.

Năm ngoái, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 3%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu chính thức 5,5%.

Năm nay, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%, một trong những mục tiêu thấp nhất mà nước này từng đưa ra trong hàng chục năm qua, nhưng Thủ tướng Lý Cường vẫn cảnh báo sẽ không dễ đạt được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục