"Sức khỏe" đã phục hồi

Kinh tế Việt Nam: Tình trạng "sức khỏe" phục hồi

“Sức khỏe” kinh tế Việt Nam đã phục hồi rõ rệt sau "đại dịch" khủng hoảng kinh tế nhưng vẫn còn thách thức với "cơ thể mới hồi phục."
Với tốc độ tăng trưởng GDP sáu tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố đạt 6,16%, cao gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2009, “sức khỏe” nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi rõ rệt sau "đại dịch" khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, trên thực tế, những thách thức với một “cơ thể mới hồi phục” vẫn còn đó bởi tăng trưởng kinh tế hiện vẫn theo chiều rộng và các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc.

Thêm nhiều "gam sáng"


Ông Đỗ Thức - quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết mặc dù tốc độ tăng GDP sáu tháng đầu năm chưa bằng mục tiêu 6,5% đề ra cho cả năm, nhưng với xu hướng tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và tăng rõ rệt ở cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, bức tranh kinh tế xã hội sáu tháng qua đã có thêm nhiều “gam sáng” so với cùng kỳ năm 2009.

Giá trị sản xuất công nghiệp sáu tháng đầu năm tăng 13,6%, trong đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 89,6% và tăng 14,7%.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sáu tháng đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7%, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều có kim ngạch tăng cao.

Bên cạnh đó, cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đã có sự thay đổi tích cực với việc tăng tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng, nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp.

Mặc dù nhập khẩu tăng 29,4% so với cùng kỳ và tỷ trọng nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất chiếm 81,5% trong tổng kim ngạch, nhưng nhập khẩu hàng tiêu dùng, nhất là hàng xa xỉ như ôtô nguyên chiếc lại giảm rõ rệt cho thấy sản xuất công nghiệp trong nước đã được phục hồi trở lại sau khủng hoảng.

Đặc biệt, trong bối cảnh lương cơ bản tăng, giá một loạt nguyên, nhiên liệu đầu vào như điện, than, nước tăng gần như đồng thời nhưng lạm phát sáu tháng qua đã được kiềm chế ở mức 4,78% so với tháng 12/2009, đây chính là thành công quan trọng của nền kinh tế.

Thêm vào đó, với mức tăng bình quân tháng trong quý 2 đã giảm xuống còn 0,21%, thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân tháng là 1,35% trong quý 1 chính là dấu hiệu tốt về sự ổn định kinh tế trong ngắn hạn.

Vẫn còn yếu tố bất ổn

Mặc dù kết quả đạt được trong sáu tháng qua là đáng ghi nhận nhưng nền kinh tế vẫn chưa có được "sức khỏe" mong muốn, thể hiện qua các cân đối kinh tế vĩ mô chưa vững chắc.

Theo chuyên gia Tổng cục Thống kê Bùi Bá Cường, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tăng 15,7% so với cùng kỳ 2009 nhưng với một nền kinh tế vẫn phụ thuộc khoảng 80% vào nguyên nhiên liệu nhập khẩu thì thực chất giá trị tăng thêm của xuất khẩu là không đáng kể.

Trong khi đó, với tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu vẫn ở mức cao hơn 20% như hiện nay thì cán cân xuất nhập khẩu vẫn chưa vững chắc.

Cũng sáu tháng qua, mặc dù khoảng cách giữa tốc độ tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá thực tế và tốc độ tăng GDP theo giá thực tế đã thu hẹp lại cho thấy dấu hiệu khả quan về sự phục hồi hiệu quả đầu tư nhưng nếu so sánh với các nước trong khu vực và thế giới thì chất lượng tăng trưởng của Việt Nam vẫn thấp, ông Cường nhấn mạnh.

Thêm vào đó, kết quả những cuộc điều tra thử nghiệm tiến hành trong những năm lại đây của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng GDP hiện vẫn chủ yếu dựa vào quy mô vốn với tỷ trọng lên tới 60-70%, trong khi yếu tố lao động chỉ chiếm dưới 20% và yếu tố năng suất toàn bộ cũng chiếm với tỷ trọng tương tự.

Trong khi đó, ở nhiều nước trong khu vực ASEAN, yếu tố lao động và năng suất đóng góp vào tăng trưởng GDP thường cao gấp đôi so với Việt Nam. Đây chính là một minh chứng rõ nét về sự bất ổn của mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, còn chất lượng tăng trưởng chưa được chú trọng.

Cùng với sự thiếu bền vững các cân đối vĩ mô này, với dư nợ tín dụng trong sáu tháng qua chỉ tăng khoảng 10%, sản xuất công nghiệp trong nước sẽ không thể tăng trưởng mạnh mẽ bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa (khu vực đóng góp khoảng 26% GDP và 30% giá trị sản xuất công nghiệp) không thể mở rộng đầu tư sản xuất do thiếu vốn.

Ngoài ra, nền kinh tế cũng sẽ tiếp tục phải đối mặt với thách thức bởi chưa thể đo lường hết được các tác động phức tạp từ khủng hoảng nợ ở một số nước EU; chính sách thay đổi tỷ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, thiên tai diễn biến không theo quy luật, nguồn điện cung cấp hạn chế.

Để tăng trưởng bền vững

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong điều kiện hiện nay cần được coi là ưu tiên hàng đầu, không chỉ là nền tảng bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý cho năm 2010 mà sẽ là tiền đề để tăng trưởng cao cho những năm sau và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Chính vì vậy, kiềm chế lạm phát ở mức trên dưới 8%, cải thiện cán cân thanh toán, giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng cần tiếp tục thực hiện quyết liệt trong sáu tháng cuối năm.

Để thực hiện nhiệm vụ này, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng để ổn định kinh tế vĩ mô, từ đó tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần thực hiện các giải pháp quyết liệt liên quan đến đầu tư, nhất là đầu tư công như nâng cao năng lực quản lý đầu tư; tăng hiệu lực công tác giám sát; đánh giá hiệu quả đầu tư nguồn vốn của Nhà nước.

Đặc biệt, để nền kinh tế tăng trưởng bền vững, dựa trên hiệu suất và chất lượng, chiến lược đầu tư lâu dài của Việt Nam cần tập trung cho các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại./.

Nguyễn Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục