Kinh tế-xã hội 8 tháng tiếp tục phát triển tích cực

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế-xã hội tám tháng năm 2010 tiếp tục phát triển tích cực.
Các chuyên gia kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư tuy gặp không ít khó khăn, nhất là bão lũ, dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi nhưng tình hình kinh tế-xã hội tám tháng năm 2010 tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực.

Theo báo cáo, tám tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước ước đạt 504.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn kế hoạch cả năm là 12%); trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 9% (Trung ương tăng 12,1%, địa phương giảm 3,7%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 12,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,3%.

Sản xuất nông nghiệp cũng phát triển ổn định. Tính đến ngày 15/8, cả nước đã gieo cấy được 1.446.000ha lúa mùa, bằng 98,8% cùng kỳ năm trước; trong đó, các địa phương phía Bắc gieo cấy 1.154.000ha, bằng 98,6%, các địa phương phía Nam gieo cấy 292.000ha, bằng 99,5%. Về tiến độ gieo trồng các loại cây màu vụ Đông, tính đến ngày 15/8, cả nước đã gieo trồng được 936.000ha ngô, tăng 12,5%...

Tuy nhiên, tình hình sâu bệnh vẫn xảy ra ở khắp các địa phương trên cả diện tích lúa và rau màu nhưng mức độ ảnh hưởng không lớn. Một số bệnh chủ yếu vẫn là bệnh rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá, bọ trĩ. Dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng cũng đã được khống chế. Tính đến ngày 23/8, cả nước không còn tỉnh nào có dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng.

Bên cạnh đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ tháng 8 ước đạt 131.000 tỷ đồng, tăng 0,06% so với tháng 7, đưa tổng mức lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ xã hội 8 tháng đầu năm lên 1.009.000 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2009. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 6 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng 7/2010, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 2,85 tỷ USD.

Tính chung kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2010 đạt 44,5 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2009; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 20,65 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm 2009. Nếu không tính kim ngạch xuất khẩu vàng, tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm tăng 24,1% so với cùng kỳ.

Các mặt hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2009 gồm sắt thép tăng 103%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 83%; dây điện và dây cáp điện tăng 72%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng tăng 61%; gỗ và sản phẩn gỗ tăng 36%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 30%; thủy sản tăng 11%; gạo tăng 8,2%; hạt điều tăng 5,3%...

Giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện đã góp phần vào sự tăng trưởng xuất khẩu của 8 tháng đầu năm: giá cao su tăng 83%, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 71%, than đá tăng 54%, dầu thô tăng 42%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 2,3 tỷ USD.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 6,9 tỷ USD, giảm 1,5% so với tháng 7/2010. Tính chung kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2010 đạt 52 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2009; trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,37 tỷ USD, tăng 43,6%.

Cũng như xuất khẩu, mặc dù lượng nhập khẩu giảm nhưng giá nhập khẩu bình quân của hầu hết các mặt hàng đều tăng và là yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến mức tăng của kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Giá một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước như: khí đốt hóa lỏng tăng 38,5%, xăng dầu các loại tăng 35,5%, chất dẻo nguyên liệu tăng 32,4%, kim loại thường tăng 32,3%, phôi thép tăng 29,1%, sợi các loại tăng 27,7%... Tính riêng yếu tố tăng giá của các mặt hàng này làm kim ngạch nhập khẩu tăng hơn 3,8 tỷ USD.

Tổng thu ngân sách nhà nước, tính đến nừa đầu tháng 8 ước đạt 313.500 tỷ đồng, bằng 67,9% dự toán năm; trong đó, thu nội địa đạt gần 195.500 tỷ đồng, bằng 66,4% dự toán năm, thu từ dầu thô đạt 38.600 tỷ đồng, bằng 52% dự toán, thu từ hoạt đồng xuất nhập khẩu đạt gần 76.000 tỷ đồng, bằng 79,6% dự toán.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế còn một số vấn đề tồn tại, khó khăn như nhập siêu có xu hướng giảm nhưng vẫn còn khá cao; giá cả trên thị trường thế giới và giá vật tư đầu vào tăng gấy áp lực đến mặt bằng giá cả trong nước; tình trạng thiếu vốn và lãi suất tín dụng cao vẫn là những khó khăn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp; thiên tai, dịch bệnh vẫn có nguy cơ lây lan... ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, tập trung vào các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu như: tiếp tục thực hiện tốt việc thu mua, dự trữ, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ yếu bảo đảm cho người nông dân có lãi ở mức hợp lý.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần đẩy mạnh kiểm tra việc nhập khẩu các nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn hoặc tăng mạnh trong thời gian gần đây mà trong nước đã sản xuất được và có dấu hiệu dư thừa và các mặt hàng không thiết yếu. Việc kiểm tra nên tập trung vào các vấn đề như gian lận thương mại, gian lận thuế và kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tứ cũng kiến nghị một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan cần kiểm soát tỷ giá đồng USD/VND. Bởi, Hà Nội là một trong những địa phương có số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài rất lớn do vậy nếu không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ông Tứ cũng nhấn mạnh đến yếu tố, thông thường vào dịp cuối năm giá vật liệu xây dựng, nhân công thường tăng cao đột biến. Do vậy, các bộ, ngành cần chủ động có hướng dẫn. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất và cung ứng điện cần tích cực phối hợp chặt chẽ nhằm huy động tối đa công suất các nhà máy điện để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục và chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm.

Ngoài ra, các giải pháp tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; các bệnh dịch hại cây trồng của các địa phương và biện pháp phòng chống dịch, phòng chống thiên tai, chống cháy rừng cũng đã được các bộ, ngành chú trọng./.
 
Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục