Kinh tế-xã hội Trung Đông và Bắc Phi 8 năm sau Mùa xuân Arab

Tám năm sau cuộc nổi dậy tại các nước Arab, hay còn gọi là cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab,” khu vực Trung Đông và Bắc Phi (Mena) đang đứng trước một bước ngoặt lớn.
Kinh tế-xã hội Trung Đông và Bắc Phi 8 năm sau Mùa xuân Arab ảnh 1Cảnh nghèo đói ở Tunisia. (Nguồn: newint.org)

Trang mạng elwatan.com mới đây đăng tải bài phân tích “8 năm sau Mùa xuân Arab: sự chuyển đổi kinh tế và xã hội tại Trung Đông và Bắc Phi” của hai tác giả Rabah Arezki và Farid Belhadj, nhân dịp các nước Arab vừa tổ chức kỷ niệm 8 năm ngày nổ ra làn sóng cách mạng.

Dưới đây là nội dung bài viết:

Tám năm sau cuộc nổi dậy tại các nước Arab, hay còn gọi là cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab,” khu vực Trung Đông và Bắc Phi (Mena) đang đứng trước một bước ngoặt lớn. Tình trạng giá dầu thô liên tục sụt giảm đòi hỏi các nước này phải nhanh chóng chuyển cơ cấu đổi kinh tế và xã hội, song những cuộc cải cách và sự gắn kết xã hội cần thiết trong khối Mena vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.

Các nền kinh tế Mena cần phải nhanh chóng hành động nếu họ muốn thay đổi vì tương lai của những người trẻ tuổi. Phải thừa nhận rằng sự bất ổn phát sinh từ các cuộc cách mạng Arab và sự sụt giảm giá dầu kéo dài đã tác động xấu đến sự tăng trưởng và làm trầm trọng hơn sự mất cân đối tài khóa, điều đó buộc các chính phủ phải chọn thực hiện các biện pháp ngắn hạn thay cho các sáng kiến bền vững lâu dài. Tất nhiên họ cần phải ưu tiên giải quyết các vấn đề khẩn cấp vì các nước này đang phải đối mặt với vô số khó khăn.

[Trung Đông-Bắc Phi có thể đối mặt với bất ổn do khủng hoảng việc làm]

Giá dầu giảm kéo theo sự suy giảm của các dòng vốn, kiều hối và hỗ trợ tài chính từ các nước trong khu vực xuất khẩu dầu mỏ, và nó cũng làm ảnh hưởng đến các hóa đơn nhập khẩu dầu của các nước trong khối. Các chính sách kinh tế vĩ mô được các nước thông qua, nhất là sự điều chỉnh về ngân sách và tiền tệ, đã cho phép một số quốc gia tái khôi phục nguồn dự trữ trong nước và cả nguồn ngoại tệ, đặc biệt là số dự trữ đã hình thành trong thời kỳ “huy hoàng.” Nhưng điều đó chỉ đúng và có lợi cho các nước xuất khẩu dầu, vì các đợt tăng giá trong thời gian gần đây đã tạo gánh nặng cho các nước không sản xuất dầu.

Các cuộc khủng hoảng, do các cuộc nổi dậy trong khối Arab gây ra, đã khiến các nước này gần như không có khả năng thực hiện các cuộc cải cách "cơ cấu" lâu dài: đó là sự chuyển dịch từ nền kinh tế chưa phát triển và do Nhà nước “thống trị” sang nền kinh tế hiện đại với sự áp dụng khoa học công nghệ và nhận thức về lợi ích của sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân.

Cải cách cơ cấu luôn là trung tâm của các cuộc thảo luận, nhưng nó không tạo ra được một cam kết thực sự nào để hành động. Các quốc gia trong khu vực Mena không đủ khả năng để cải cách cơ cấu nền kinh tế. Đó là những trở ngại lớn cho các công ty muốn tìm cách thâm nhập vào thị trường này, và đó cũng là một trong những lý do chính dẫn đến sự trì trệ kinh tế dai dẳng và sự yếu kém trong việc tạo ra việc làm trong khu vực này.

Kinh tế-xã hội Trung Đông và Bắc Phi 8 năm sau Mùa xuân Arab ảnh 2Một khu chợ ở Ai Cập. (Nguồn: carnegie-mec.org)

Nếu các nước Mena muốn củng cố nền kinh tế và mở đường cho một thị trường lao động cạnh tranh mới ở tầm cỡ quốc tế, thì họ cần có hai đòn bẩy: thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số mới và phát triển khu vực tư nhân. Điều này liên quan đến việc giảm quy mô của các doanh nghiệp dịch vụ công và các thực thể nhà nước khác, vì chúng vốn là gánh nặng cho các nguồn quỹ công và sẽ đào thải các nhà đầu tư tư nhân bằng cách sử dụng lao động không hiệu quả và chiếm dụng phần lớn tín dụng.

Để thúc đẩy sự ra đời của nền kinh tế kỹ thuật số, các chính phủ Mena phải nỗ lực chưa từng có, như cuộc chinh phục không gian trong thập niên 60 của thế kỷ 20, để vượt qua những trở ngại của chất lượng băng thông kém, giá các gói kết nối Internet quá cao và sự vắng mặt của các hệ thống thanh toán phi vật chất và di động.

Những tài sản kỹ thuật số công này rất quan trọng đối với các nền kinh tế mới này. Sự thiếu kết nối này có nguyên nhân từ sự “lỗi thời” của luật pháp, hoặc do áp lực của các nhà kinh tế “đương thời” có điều kiện muốn cản trở “người mới khởi nghiệp.”

Trao quyền kinh tế cho những người trẻ tuổi đòi hỏi phải cải thiện việc truy cập Internet và phương thức thanh toán điện tử, vì ngoài việc sử dụng mạng xã hội, và nhờ vào các nền tảng kỹ thuật số, họ có thể tạo ra các công ty và tìm kiếm khách hàng mới qua trực tuyến. Sự kết nối được tăng cường cũng sẽ mở rộng phạm vi và hiệu quả đối với các dịch vụ giáo dục và y tế, kể cả ở những khu vực tồi tệ nhất.

Nếu các nước MENA muốn thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân, thì các nhà chức trách phải nỗ lực phá bỏ các rào cản do các dịch vụ công cộng và các thực thể Nhà nước khác gây ra. Để đạt được bước nhảy vọt về công nghệ như mong đợi và tận dụng tốt nhất các nguồn lực đang cạn kiệt, các chính phủ phải huy động các chủ thể tư nhân, đặc biệt thông qua quan hệ đối tác công tư liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước với hiệu quả và trách nhiệm cao hơn.

Quan trọng hơn, các chính phủ cần phải tiến gần đến người dân để có được sự hỗ trợ cần thiết cho việc cải cách cơ cấu, đồng thời nỗ lực đổi mới trong việc phổ biến kiến thức và bảo vệ xã hội. Chiến lược mới này đòi hỏi phải có một độ mở lớn về dữ liệu, tạo điều kiện cho các chuyên gia thực hiện công việc nghiên cứu để thông báo cho người dân; tăng cường năng lực phân tích của các chính phủ, đặc biệt thông qua sự hợp tác chặt chẽ hơn với các trường đại học...

Các chính phủ cũng cần phải đặt ra các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn đối với việc thu thập dữ liệu và tổ chức nhiều hội thảo về các vấn đề kinh tế để hỗ trợ tốt cho việc ra quyết định và xác định chính xác các rủi ro chính trị, từ đó cho phép các chính phủ tiến hành cải cách./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục