KTNN có vai trò quan trọng trong chống tham nhũng

Tổng Kiểm toán Đinh Tiến Dũng khẳng định Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng trong công cuộc phòng và chống tham nhũng.
Nhân dịp, được Quốc hội tín nhiệm giao trọng trách mới, Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng đã trao đổi với phóng viên về những vấn đề liên quan đến ngành trong thời gian tới.

Trước hết xin chúc mừng tân Tổng kiểm toán. Thưa Tổng Kiểm toán, trong giai đoạn hiện nay vị trí này được ví như “chiếc ghế nóng,” vậy ông có cảm thấy áp lực về điều này?

Tổng Kiểm toán Đinh Tiến Dũng: Nhiều người xem việc đảm nhận vị trí Tổng Kiểm toán Nhà nước như ngồi trên một chiếc ghế "nóng," cách hiểu này xuất phát từ việc hoạt động kiểm toán sẽ đụng chạm đến nhiều đơn vị, cá nhân, chỉ ra những cái sai sót, gian lận và kết luận, kiến nghị sửa chữa, thu hồi nộp ngân sách nhà nước, kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể, thậm chí trường hợp nghiêm trọng, Kiểm toán Nhà nước sẽ đề nghị hoặc chuyển cơ quan điều tra xem xét theo thẩm quyền.

Kiểm toán Nhà nước hoạt động hiệu quả sẽ xuất hiện sự kỳ vọng lớn về yêu cầu kiểm toán vượt lên trên năng lực hiện có của bản thân cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Mặt khác, Kiểm toán Nhà nước cũng có vai trò quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Chính vì vậy nhiều người nghĩ Tổng Kiểm toán Nhà nước ngồi vào ghế “nóng.”

Ngoài ra, để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm toán tính tuân thủ, kiểm toán tính hiệu quả, hiệu lực của việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước của các cơ quan, các đơn vị, các doanh nghiệp Nhà nước... là vấn đề rất khó và nhiều thách thức, với ý nghĩa đó, mọi người có thể nghĩ là “nóng” và nhiều áp lực…

Với đặc thù của một cơ quan kiểm tra tài chính công, chức năng, nhiệm vụ cũng như tính độc lập của Kiểm toán Nhà nước, trong quá trình triển khai hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước phải đánh giá, nhìn nhận các vấn đề một cách tổng thể, khách quan, dưới nhiều phương diện để có những kết luận và kiến nghị kiểm toán thuyết phục, khả thi.

Nếu tìm hiểu sâu về nghề kiểm toán, chúng ta sẽ thấy được các Kiểm toán viên đều thực hiện kiểm toán trên cơ sở các chuẩn mực, quy trình kiểm toán cũng như các quy định pháp luật để có những đánh giá nhiều chiều, điều này sẽ có tác dụng rất lớn đối với các đơn vị được kiểm toán nói riêng và xã hội nói chung. Đặc biệt là với chức năng tư vấn, Kiểm toán Nhà nước sẽ có những kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành, cơ quan chức năng có liên quan sửa đổi những quy định cho phù hợp với thực tiễn hơn.

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước sẽ giúp cho các đơn vị được kiểm toán sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đúng pháp luật và hiệu quả hơn.

Trong quá trình kiểm toán, để đưa ra những kết luận và kiến nghị kiểm toán xác đáng giúp cho đơn vị kiểm toán quản lý vốn, tài sản ngày càng hiệu quả hơn; đồng thời để Kiểm toán Nhà nước thực hiện tốt chức năng tư vấn, Kiểm toán Nhà nước phải thu thập đầy đủ những bằng chứng cụ thể, thích hợp, nếu chưa tìm hiểu sâu thì có thể nhiều người nghĩ rằng đây là vấn đề “nóng,” vấn đề nhạy cảm, do vậy tôi lại cho rằng thực tế đây là yêu cầu bắt buộc, yêu cầu khách quan, không có gì là áp lực.

Những việc đầu tiên Ông dự định sẽ triển khai khi đảm nhận cương vị người đứng đầu ngành Kiểm toán Nhà nước?

Tổng Kiểm toán Đinh Tiến Dũng: Tôi nghĩ việc đầu tiên là sẽ cùng với các vị trong Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước rà soát lại nhiệm vụ công tác năm nay để cùng toàn ngành kiểm toán triển khai thực hiện nhiệm vụ một cách tích cực, có hiệu quả và đúng kế hoạch; trước hết là thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng nhiệm vụ kiểm toán năm nay và xây dựng kế hoạch kiểm toán năm 2012.

Với những kết quả, thành tích đạt được trong nhiều năm qua, tôi hy vọng trong thời gian tới toàn ngành sẽ tiếp tục phát huy những hiệu quả đã đạt được; đồng thời khắc phục những khó khăn, tồn tại mà ngành đang gặp phải. Đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, các kiểm toán viên nhà nước luôn được kỳ vọng và được nhìn nhận như là những người cầm cân nảy mực.

Và thực tế, toàn ngành phải thể hiện được điều đó thì mới khẳng định được vị trí của Kiểm toán Nhà nước trong xã hội. Kiểm toán Nhà nước cần phải làm cho các đơn vị nhận thấy, Kiểm toán Nhà nước sẽ giúp chính bản thân đơn vị quản lý tốt hơn và phối hợp với Kiểm toán Nhà nước ngày càng chặt chẽ, tích cực hơn.

Vấn đề này, đến nay Kiểm toán Nhà nước đã làm được nhưng cần phải nhân rộng thêm, phấn đấu để xã hội hiểu rõ hơn hoạt động kiểm toán nhà nước là thông lệ, có vai trò rất quan trọng hỗ trợ các cơ quan quản lý, giám sát cũng như các đơn vị được kiểm toán. Xa hơn một chút là tôi sẽ cùng toàn ngành tiếp tục triển khai hiệu quả và đúng lộ trình Chiến lược và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 đã được phê duyệt.

Thưa Tổng Kiểm toán, ông đã từng nhiều năm làm công tác chuyên môn tại các tổng công ty, sau đó kinh qua nhiều chức vụ khác nhau. Bề dày công tác sẽ tạo những thuận lợi như thế nào khi ông giữ trọng trách mới?

Tổng Kiểm toán Đinh Tiến Dũng: Tôi đã có một thời gian dài làm công tác tài chính-kế toán. Trong quá trình công tác của mình tôi đã có thời gian dài làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực quản lý tài chính-kế toán; trực tiếp từ nhân viên, tới Phó phòng, Trưởng phòng, Kế toán trưởng công ty và Tổng công ty và lên Vụ trưởng phụ trách công tác này.

Khi đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Xây dựng tôi cũng được giao phụ trách lĩnh vực tài chính kế toán, đổi mới doanh nghiệp, kinh tế xây dựng, thanh tra xây dựng... Tôi nghĩ, trải qua nhiều vị trí, lĩnh vực công tác khác nhau là điều hết sức thuận lợi khi đảm nhận vị trí Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Theo tôi, ngoài việc căn cứ vào các chuẩn mực, quy trình kiểm toán, các quy định của pháp luật, bằng chứng kiểm toán thu thập được, khi nhận xét, đánh giá vấn đề, Kiểm toán Nhà nước phải nhìn nhận một cách tổng thể, khách quan và nhiều chiều. Có như vậy, kết luận và kiến nghị kiểm toán mới có tính khả thi, thuyết phục được đơn vị được kiểm toán. Điều này có nghĩa là việc tuân thủ pháp luật phải đặt lên hàng đầu nhưng trong thực tiễn, nếu phát hiện quy định của pháp luật không phù hợp, khi thực hiện kém hiệu quả, Kiểm toán Nhà nước phải thu thập bằng chứng để kiến nghị với các cơ quan chức năng có liên quan sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bên cạnh việc kiến nghị sửa đổi hạn chế, khắc phục sai sót, nếu các đơn vị được kiểm toán quản lý tốt ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước cần phải “khen” để chứng tỏ sự công tâm và toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ. Với suy nghĩ này việc trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, với kinh nghiệm có được sẽ giúp tôi thực hiện tốt trách nhiệm của người đứng đầu và hy vọng Kiểm toán Nhà nước sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn sự kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân.

Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đang đẩy mạnh hợp tác với Ủy ban nhân dân các tỉnh. Với kinh nghiệm công tác trước đây và vị trí mới hiện nay, ông có những biện pháp gì để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân các tỉnh?

Tổng Kiểm toán Đinh Tiến Dũng: Việc phối hợp với các địa phương trong hoạt động kiểm toán trong thời gian qua là khá tốt, Kiểm toán Nhà nước cũng đã ký Quy chế phối hợp trong hoạt động kiểm toán với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiều địa phương.

Vị trí, vai trò của Kiểm toán Nhà nước ngày càng nâng cao trong hỗ trợ việc quản lý, giám sát, điều hành, quyết định các vấn đề về ngân sách, về kinh tế xã hội của địa phương, thực tế ngày càng có nhiều địa phương muốn Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán ngân sách hàng năm, hoạt động kiểm toán có thể coi là nhu cầu thường xuyên, giúp các địa phương trong vấn đề quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Thực tiễn lãnh đạo ở địa phương cho thấy, ở địa phương vai trò cấp uỷ rất quan trọng. Khi cấp uỷ nhận thức đúng vấn đề thì lãnh đạo Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân phải thực hiện triệt để, đặc biệt là việc phối hợp trong hoạt động kiểm toán, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Tôi nghĩ rằng chúng ta đã làm tốt, nhiều kết luận và kiến nghị kiểm toán đã đi vào cuộc sống, được các địa phương thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên cũng có vài nơi thực hiện chưa tốt.

Vì vậy, ngoài việc tăng cường quan hệ với Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp theo như Quy chế Kiểm toán Nhà nước đã ký kết với một số tỉnh, thành, địa phương trong cả nước, chúng ta cần làm thêm một bước nữa là phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cấp uỷ các địa phương trong việc cung cấp thông tin, kết quả kiểm toán phục vụ nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện các hoạt động kinh tế-xã hội của địa phương, điều này cũng là bước tiếp theo làm cho kết luận và kiến nghị kiểm toán đi vào cuộc sống và nâng cao hiệu lực của hoạt động kiểm toán.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục