Kỳ án “đất vàng” phố Bà Triệu: Làm rõ hành vi của bị cáo

Tại phiên tòa, đại diện cho nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Hiển, luật sư Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng lời khai của bị cáo Liên và anh Thủy còn nhiều uẩn khúc, cần được làm rõ.
Kỳ án “đất vàng” phố Bà Triệu: Làm rõ hành vi của bị cáo ảnh 1Bị cáo Lương Thế Hiển trình bày tại phiên tòa. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)

Trong phần tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ chuyển nhượng hàng trăm m2 “đất vàng” trên phố Bà Triệu, Hà Nội, các luật sư bào chữa đã đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ đối đáp với quan điểm buộc tội của đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa.

Nội dung trọng tâm được công tố viên cũng như các luật sư bào chữa tập trung phân tích là những căn cứ buộc tội và gỡ tội cho bị cáo Lương Thế Hiển (nguyên Phó Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội).

Bị hại làm giả bản cam kết

Theo cáo trạng, căn cứ vào lời khai của bị cáo Nguyễn Thị Liên (vợ bị cáo Hiển) và anh Nguyễn Thanh Thủy, Hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 20/3/2017 giữa anh Thủy và bị cáo Liên để góp vốn đầu tư mua nhà đất tại 296-298-300 phố Bà Triệu là giả tạo nhằm mục đích anh Thủy nhờ Hiển đứng tên nhà đất tại 3 số nhà trên để Hiển đứng ra gộp sổ đỏ, mua thêm số diện tích còn lại thuộc sở hữu Nhà nước trong 3 số nhà này; sau đó chuyển quyền sở hữu, sử dụng lại cho anh Thủy.

[Vụ đất vàng Bà Triệu: Đề nghị thu hồi, hủy bỏ các sổ đỏ đã cấp]

Tại phiên tòa, đại diện cho nhóm luật sư bào chữa cho bị cáo Hiển, luật sư Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng lời khai của bị cáo Liên và anh Thủy còn nhiều uẩn khúc, cần được làm rõ.

Cụ thể, tại cơ quan điều tra, anh Thủy khai khoảng tháng 5, tháng 6/2018, Thủy biết Hiển bán nhà đất tại 296-298-300 Bà Triệu cho anh Lê Hải An. Thủy đã nhiều lần liên hệ với Hiển và Liên nhưng hai người này tránh mặt không gặp.

Đến năm 2019, Thủy làm đơn tố giác hành vi chiến đoạt tài sản của Hiển. Tuy nhiên, tại Đơn tố giác đầu tiên (ngày 20/5/2019), Thủy chỉ tố giác hành vi chiếm đoạt số tiền 10 tỷ đồng liên quan đến việc bán nhà A1.14, A1.15 tại 671 Hoàng Hoa Thám.

Đến ngày 18/9/2019 (sau hơn 1 năm), Thủy mới viết Đơn tố giác hành vi chiếm đoạt nhà đất tại 296-298-300 Bà Triệu của Hiển. Luật sư phân tích, khối tài sản là nhà đất tại 296-298-300 Bà Triệu có giá trị đặc biệt lớn (trị giá hơn 300 tỷ đồng).

Vậy lý do gì mà mà hơn một năm sau khi phát hiện bị chiếm đoạt tài sản, anh Thủy mới làm đơn tố cáo; hơn nữa lần tố cáo đầu tiên lại là khoản tiền 10 tỷ đồng liên quan đến nhà đất tại 671 Hoàng Hoa Thám chứ không phải là nhà đất tại 296-298-300 Bà Triệu?

Mặt khác, để chứng minh cho hành vi chiếm đoạt tài sản của Hiển, anh Nguyễn Thanh Thủy còn nhờ người tạo dựng ra “Bản cam kết” giả đánh máy không ghi ngày, chỉ ghi tháng 12/2017 đứng tên Lương Xuân Hiển, để đem nộp cho Cơ quan điều tra. Bản cam kết giả này không được Cơ quan điều tra lấy để làm căn cứ buộc tội bị cáo Lương Thế Hiển.

Sự mâu thuẫn trong lời khai của bị cáo

Cuối năm 2019, khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Thị Liên cho rằng việc hợp tác kinh doanh đầu tư góp vốn mua nhà 296-298-300 Bà Triệu là thật.

Kỳ án “đất vàng” phố Bà Triệu: Làm rõ hành vi của bị cáo ảnh 2Bị cáo Nguyễn Thị Liên trình bày tại phiên tòa. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)

Hai năm sau, đến Bản cung ngày 18/6/2021, Liên mới nhận tội khai rằng: “Đây là nhà đất của anh Nguyễn Thanh Thủy, đã nhờ ông Lương Xuân Hiển đứng tên lúc anh Thủy có khó khăn. Khi nhờ ông Hiển đứng tên, anh Thủy nói với ông Hiển là anh giữ cho em khi nào anh bán được thì chia nhau mỗi anh em 1 nửa.”

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng theo lời khai của bị cáo Liên thì bản chất của việc “đứng tên hộ” được hình thành bởi sự thỏa thuận giữa anh Thủy và bị cáo Hiển.

Thỏa thuận này có nội dung bán được thì ăn chia 50/50. Điều này là mâu thuẫn với lời khai của anh Thủy, cũng như kết luận của Cơ quan Điều tra là bị cáo Hiển chiếm đoạt toàn bộ nhà đất tại 296-298-300 phố Bà Triệu.

Ngoài ra, bị cáo Liên còn có nhiều lời khai khác nhau trong suốt quá trình điều tra, truy tố, cho đến khi diễn ra phiên tòa. Luật sư nêu ví dụ, ban đầu Liên một mực khẳng định có việc giao nhận tổng số tiền 200 tỷ đồng cho anh Thủy.

Nhưng sau đó Liên lại bác bỏ điều này và khai: “Do anh Thủy và ông Hiển có thỏa thuận và nhờ là việc mua bán chỉ là giả cách để che giấu việc anh Thủy nhờ ông Hiển đứng tên nhà đất. Khi mua bán giữa 2 bên không có việc thanh toán tiền cho nhau. Anh Thủy dặn tôi là khai có việc nhận tiền, thanh toán bằng vàng để hợp thức việc mua bán.”

Liên còn khẳng định rõ: “Để hợp thức việc anh Thủy nhờ ông Hiển đứng tên nhà đất, tránh việc bị công an phát hiện mua bán là giả tạo thì ông Hiển và anh Thủy nói với tôi là tôi phải khai việc mua bán giữa anh Thủy và ông Hiển là mua bán thật, có lập hợp đồng công chứng chuyển nhượng. Anh Thủy tự tay viết giấy nhận tiền để tôi ký vào giấy và tự anh Thủy đem hộp mực lăn tay đến dạy tôi cách lăn. Đồng thời, dặn tôi tính toán việc anh Thủy nhận tiền, nhận vàng của ông Hiển.”

Luật sư đánh giá, vào thời điểm viết các giấy nhận tiền, hai bên hoàn toàn tự nguyện, cho dù là để che giấu hợp đồng hợp tác kinh doanh giả tạo thì cũng chỉ là việc dân sự tại sao lại để “tránh bị công an phát hiện” như Liên khai. Hơn nữa, nếu là hợp đồng giả tạo thì có cần phải viết giấy nhận tiền để “hợp thức việc mua bán” hay không?

Trên thực tế, các Cơ quan có thẩm quyền chỉ căn cứ vào Hợp đồng chuyển nhượng để làm thủ tục sang tên sổ đỏ cho người mua mà không cần Giấy nhận tiền để làm căn cứ sang tên sổ đỏ. Do vậy, luật sư kết luận, Giấy nhận tiền không có ý nghĩa gì trong việc “hợp thức” hợp đồng mua bán như Liên đã khai.

Thêm vào đó, luật sư cho rằng anh Nguyễn Thanh Thủy là người chuyên kinh doanh bất động sản nên hiểu rõ Giấy giao nhận tiền là để chứng minh việc bên mua đã trả tiền cho Bên bán. Nó không có ý nghĩa gì cho việc sang tên sổ đỏ.

Nếu đúng là Thủy nhờ Hiển và Liên đứng tên hộ 11 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà tại 296-298-300 Bà Triệu thì chỉ cần làm Hợp đồng chuyển nhượng 11 nhà đất trên cho Hiển và Liên thì đã đủ thủ tục để Hiển và Liên đứng tên sổ đỏ mà không cần giấy nhận tiền.

Như vậy, về mặt pháp lý, việc viết Giấy nhận tiền với tổng số tiền 200 tỷ đồng không có ý nghĩa trong việc Hiển và Liên được sang tên sổ đỏ. Do đó, lý do anh Thủy và bị cáo Liên đưa ra về việc viết Giấy nhận tiền là không thuyết phục.

Trên cơ sở những phân tích này, luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ vụ án để yêu cầu thu thập thêm chứng cứ.

Làm rõ lý do vì sao trong lần tố giác đầu tiên vào 20/5/2019, Nguyễn Thanh Thủy chỉ tố bị cáo Lương Thế Hiển chiếm đoạt của Thủy 10 tỷ đồng liên quan đến nhà đất tại 671 Hoàng Hoa Thám; làm rõ mục đích của việc Nguyễn Thanh Thủy làm giả “Bản cam kết” tháng 12/2017 có chữ ký của bị cáo Hiển; lấy lời khai của những người có liên quan, chứng kiến một số nội dung trong vụ án…

Đồng thời, đề nghị điều tra, xác minh làm rõ nguồn tiền, vàng của bị cáo Lương Thế Hiển dùng để mua nhà đất tại 296-298-300 phố Bà Triệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục