Kỳ họp Quốc hội thứ 10: Đã có phiên chất vấn chưa từng có tiền lệ

Kỳ họp thứ 10, kh​óa XIII, hoạt động chất vấn được tiến hành với cách thức mới, không chốt danh sách các thành viên Chính phủ cũng không theo nhóm vấn đề.
Kỳ họp Quốc hội thứ 10: Đã có phiên chất vấn chưa từng có tiền lệ ảnh 1Đại biểu Đỗ Văn Vẻ trả lời báo chí bên lề Quốc hội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Kỳ họp thứ 10, kh​óa XIII, hoạt động chất vấn được tiến hành với cách thức mới, không chốt danh sách các thành viên Chính phủ cũng không theo nhóm vấn đề. Nhiều ý kiến cho rằng đây cũng là phiên chất vấn chưa từng có tiền lệ. Bởi từ trước tới nay, Quốc hội xin ý kiến đại biểu nội dung chất vấn, sau đó chọn nhóm vấn đề và thành viên Chính phủ để trả lời.

Qua hơn một ngày tiến hành phiên chất vấn, bên lề Quốc hội sáng 17/11, đa số các đại biểu cho rằng, cơ bản các câu hỏi chất vấn đã đi thẳng vào nội dung vấn đề, nhiều câu hỏi chất vấn hết sức sắc sảo, nêu bật được những vấn đề cử tri cả nước quan tâm.

Phần trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ nói chung đã bám các câu hỏi của đại biểu cũng như vấn đề Quốc hội mong muốn được trả lời. Tuy nhiên, một số vị Bộ trưởng trả lời còn lòng vòng, chưa đi thẳng vào bản chất của vấn đề.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ, đoàn Thái Bình: Phạm vi chất vấn rộng

Tại kỳ họp này khác hẳn so với những kỳ trước, đó là hệ thống lại toàn bộ lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngành với việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ các kỳ họp trước. Điểm nhấn của các phiên chất vấn kỳ này là thời gian dành cho Đại biểu Quốc hội hỏi cũng được nhiều hơn và đại biểu đã hỏi được nhiều thành viên Chính phủ hơn.

Theo tôi, đây chính là vấn đề mới, làm cho chất lượng các phiên chất vấn của Quốc hội hay hơn, đem lại nhiều kết quả đích thực. Tôi đánh giá cao sự chuẩn bị nội dung câu hỏi chất vấn rất tâm huyết, có trách nhiệm, rõ ràng, sâu sát với thực tế của các Đại biểu Quốc hội. Các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành cũng đã trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao, đi thẳng vào nội dung các câu hỏi của đại biểu liên quan đến nhiều vấn đề như kinh tế - xã hội, nông nghiệp - nông dân - nông thôn, chống tham nhũng, các loại tệ nạn xã hội, tình hình khoa học kỹ thuật và giáo dục, đào tạo.

Các Đại biểu Quốc hội chất vấn trong mọi lĩnh vực và theo sát sự trả lời của các thành viên Chính phủ.

Kỳ chất vấn này có tính ưu việt riêng là những thông điệp từ Chính phủ và các thành viên Chính phủ liên quan đến những vấn đề đã làm được và chưa làm được, cũng được báo cáo và cho cử tri cả nước biết. Tôi được biết từ đầu nhiệm kỳ đến nay, những bức xúc, kiến nghị của cử tri đã được Đại biểu Quốc hội kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ và các thành viên Chính phủ, cũng như các cơ quan chức năng bằng nhiều hình thức.

Tôi cho rằng, chất vấn lần này tạo thuận lợi cho người đăng đàn trả lời chất vấn và ngược lại. Phạm vi chất vấn rộng hơn so với các kỳ chất vấn trước.

Kỳ họp Quốc hội thứ 10: Đã có phiên chất vấn chưa từng có tiền lệ ảnh 2Đại biểu Trần Ngọc Vinh trả lời báo chí. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn thành phố Hải Phòng: Không nên phân tán câu hỏi

Đổi mới chất vấn của Quốc hội kỳ này là rất tốt về cả ý nghĩa và mục đích cần đặt ra, xem vấn đề nào được và chưa được. Hình thức này đánh giá lại những vấn đề chất vấn từ kỳ họp thứ 2 đến nay, qua đó, xem các vị “Tư lệnh” ngành đã thực hiện lời hứa đến đâu và việc gì chưa thực hiện được, như nguyên nhân vì sao. Đây còn là dịp để hệ thống lại những vấn đề đã chất vấn đối với Chính phủ và các thành viên của Chính phủ.

Nhiều Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi súc tích thẳng thắn có tầm vĩ mô nhưng cũng có nhiều Đại biểu hỏi việc rất sự vụ, một Đại biểu hỏi nhiều Bộ trưởng cùng lúc. Cũng có ý kiến chỉ hỏi 1-1, nhưng còn nhiều ý kiến đánh giá sâu báo cáo của Chính phủ và báo cáo của Tòa án, Viên Kiểm sát.

Như vậy, muốn hay không thì nó cũng vẫn bị phân tán, người điều hành và người trả lời cũng không tập trung sâu được do không đủ thời gian. Theo tôi. ở mỗi các chất vấn trong những cuộc như thế này cần phân công người điều hành sắc sảo của chất vấn, dành thời gian nhiều cho Đại biểu Quốc hội thì sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, bước đầu phần chất vấn và trả lời chất vấn đã đạt được yêu cầu, nhưng cần phải rút kinh nghiệm cho những lần sau, sẽ tốt hơn.

Theo tôi, kiểu chất vấn này chỉ nên nên áp dụng đối với kỳ cuối cùng của khóa, còn nếu áp dụng cho các kỳ họp, cần đổi mới lại phướng thức. Tức là một đại biểu chỉ nên chất vấn một hoặc hai Bộ trưởng cùng một lĩnh vực và không trao đổi lại các báo cáo, đồng thời chỉ lên phát biểu từ 2 đến 3 phút. Như vậy, mới có nhiều đại biểu được đặt câu hỏi và thời gian của phiên chất vấn cần kéo dài 3 ngày, chứ 2,5 ngày như hiện nay là hơn ít.

Kỳ họp Quốc hội thứ 10: Đã có phiên chất vấn chưa từng có tiền lệ ảnh 3Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo trả lời báo chí. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, đoàn Vĩnh Phúc: Bộ trưởng trả lời có trách nhiệm

Đối với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi cho rằng với câu hỏi của tôi Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ, chi tiết hơn sự mong đợi. Bộ trưởng rất tâm huyết vấn đề và có trách nhiệm trong vấn đề nợ công. Như tôi đã nêu câu hỏi với Bộ trưởng, có rất nhiều ý kiến cho rằng nợ của chúng ta hiện nay lên đến trần, Bộ trưởng đã giải thích rõ, rất có trách nhiệm.

Những vấn đề này, Bộ trưởng đã nắm rất chắc các con số của ngành cũng như sự điều hành tài chính. Mặt khác, Bộ Tài chính đã đổi mới vấn đề cải cách thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực hải quan để thu thuế thông quan, tuy nhiên, chất lượng thu thuế vẫn còn nợ đọng nhiều.

Kỳ họp Quốc hội thứ 10: Đã có phiên chất vấn chưa từng có tiền lệ ảnh 4Đại biểu Trương Văn Vở trả lời báo chí bên lề Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đại biểu Trương Văn Vở, đoàn Đồng Nai: Vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội

Phải nói là phiên chất vấn tại kỳ hợp này tôi cho rằng rất cần thiết bởi: Chức năng chính của Quốc hội là giám sát thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước, đây là yêu cầu quan trọng nhất vì cử tri rất mong đợi. Để thực hiện vấn đề này tôi nghĩ giám sát lần này tại kỳ họp các Bộ trưởng trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao, nhất là trách nhiệm người đứng đầu của từng ngành, từng cấp phải làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tôi đánh giá rất cao những nghị quyết chuyên đề giám sát của Quốc hội cũng như giám sát nghị quyết chất vấn tại mỗi kỳ họp, cách đặt vấn đề sau giám sát rất đúng trọng tâm, rất đúng lòng mong đợi của cử tri.

Vừa qua các thành viên Chính phủ rất quyết liệt trong tổ chức thực hiện nhưng một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế. Điều này thể hiện ở một số việc như kỷ luật hành chính nhất là người đứng đầu thực hiện chưa đầy đủ, làm hạn chế kết quả.

Qua trả lời của các thành viên Chính phủ nhất là các Bộ trưởng, đúng ra Bộ trưởng sẽ phải đánh giá lại kết quả thực hiện thuộc trách nhiệm của mình như thế nào, tuy nhiên rất tiếc vấn đề này chưa được rõ, chưa đáp ứng được yêu cầu của Quốc hội.

Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật Nhà nước có những vấn đề cần phải rà soát lại để điều chỉnh cho phù hơp với thực tiễn quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhưng tôi thấy mảng này các Bộ trưởng trả lời cũng chưa được rõ.

Để đảm bảo điều hành của mình đúng theo quy định chính sách pháp luật của Nhà nước kể cả những chính sách pháp luật đã có nhưng chưa phù hợp với thực tiễn thì đứng về trách nhiệm của Bộ ngành trong thời gian tới cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục