Diễn ra đúng vào thời điểm cuối năm 2015 - năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2010-2015, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII sẽ kết thúc ngay trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Với tính chất và nhiệm vụ cao cả trước cử tri, Kỳ họp kéo dài 31 ngày sắp tới nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cử tri và nhân dân cả nước về những quyết sách của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất đối với kết quả phát triển đất nước cả nhiệm kỳ 5 năm, đồng thời hoạch định những biện pháp mang tính chiến lược, cơ bản, lâu dài cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Như những thông tin được công bố trước giờ khai mạc từ Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội, phần chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 sẽ được đổi mới hoàn toàn. Thông tin đặc biệt này, ngay từ khi công bố đã thu hút sự quan tâm, chờ đợi của đông đảo cử tri và người dân.
Lần đầu tiên chất vấn tổng thể các “lời hứa” từ đầu nhiệm kỳ
Qua 9 kỳ họp gần đây, phần chất vấn và trả lời chất vấn luôn làm nóng nghị trường. Nhiều đại biểu và cử tri đánh giá, hoạt động giám sát trực tiếp bằng hình thức chất vấn là một trong những nét nổi bật của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII. Còn nhớ, trong phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã bất ngờ hé mở thông tin với cử tri và đồng bào cả nước về một hình thức chất vấn đổi mới hoàn toàn tại Kỳ họp cuối năm.
Theo kết luận của Người đứng đầu Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 10, thay vì tiến hành chất vấn như các Kỳ họp trước, Quốc hội sẽ tiến hành chất vất các bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo Chính phủ về việc thực hiện lời hứa trước Quốc hội, cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Chính thức công bố thông tin với báo giới, làm rõ hơn vấn đề này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, tại kỳ họp lần này, mặc dù thời gian dành cho chất vấn vẫn là 2 ngày rưỡi nhưng các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn tổng thể chứ không chất vấn riêng từng lĩnh vực.
Cụ thể Quốc hội cho chất vấn và trả lời chất vấn, dựa trên các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII.
Như vậy, khác với các phần chất vấn khác, Quốc hội sẽ không lên danh sách những bộ trưởng, trưởng ngành thuộc diện trả lời chất vấn tại Kỳ họp này mà toàn bộ các thành viên Chính phủ, bao gồm cả Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng sẽ có mặt tại các buổi chất vấn và sẽ trả lời bất kỳ câu hỏi nào của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực thuộc sự quản lý của mình.
Theo tiến sỹ Nguyễn Sĩ Dũng, để chuẩn bị cho phần chất vấn đổi mới này, Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ xây dựng báo cáo tổng hợp về kết quả thực hiện 8 nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ.
Từ những báo cáo trên, Quốc hội sẽ xem xét, những gì làm được, những gì còn tồn tại để từ đó các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn những vấn đề còn băn khoăn, đặc biệt những việc mà các Bộ trưởng, trưởng ngành đã hứa mà chưa làm được.
“Sau phiên chất vấn, Quốc hội sẽ lại ra nghị quyết, gửi lại Quốc hội khóa sau để tiếp tục giám sát. Đây là một điểm đổi mới của Quốc hội. Cách làm mới này chưa kỳ họp nào thực hiện. Việc này cũng là để đảm bảo việc giám sát đến cùng của Quốc hội,” ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng đã chia sẻ với báo chí.
Như vậy, đây cũng sẽ là lần đầu tiên, trên diễn đàn lập pháp tối cao, những vị đại biểu Quốc hội - những người đại biểu của nhân dân có thể “truy” tất cả các thành viên Chính phủ về kết quả thực hiện những lời hứa, những câu trả lời từ 8 Kỳ họp Quốc hội trước.
Nét đổi mới căn bản này hứa hẹn một phần chất vấn sôi động, ý nghĩa thực tiễn cao và tác động mạnh mẽ đến người dân trong việc giải quyết những khúc mắc, tồn tại về cơ chế, chính sách cản trở sự phát triển lành mạnh của kinh tế-xã hội đất nước.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII sẽ diễn ra trong 31 ngày. Đây tiếp tục là kỳ họp có khối lượng lớn các dự án luật trình Quốc hội để góp phần hoàn thành cơ bản việc sửa đổi khung pháp lý về hoạt động tư pháp; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân chủ xã hội, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cụ thể hóa các quyền hiến định của con người, của công dân.
Trọng tâm kinh tế-xã hội và xây dựng pháp luật
Mặc dù là Kỳ họp cuối năm ngân sách, tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật vẫn chiếm nhiều tỷ lệ thời gian làm việc nhất tại Kỳ họp thứ 10 với 19 ngày thảo luận để xem xét, thông qua 18 luật, 14 Nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án luật nhằm tiếp tục triển khai thi hành, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 với các dự án luật quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp như hoạt động điều tra, công tố, kiểm sát, xét xử, thi hành án... nhằm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tiến trình hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
Đáng chú ý, trong số các dự án được thông qua lần này, có thể kể đến hai lĩnh vực pháp lý hết sức quan trọng là hình sự, tố tụng hình sự và dân sự, tố tụng dân sự - những đạo luật có vai trò quan trọng trong thể chế hóa tinh thần của Hiến pháp 2012 đều đã được Quốc hội cho ý kiến tại các Kỳ họp trước. Có dự thảo, do tầm ảnh hưởng quan trọng của nó đến quyền con người, quyền công dân, cũng đã được tổ chức lấy kiến rộng rãi trong nhân dân.
Có thể nhận thấy, chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp này là rất nặng, đòi hỏi quyết tâm cao độ của các đại biểu Quốc hội trong việc nghiên cứu, góp ý từng dự án luật.
Tại phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi phát biểu ý kiến xây dựng chương trình Kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo không nên o ép về thời gian mà ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng pháp luật. Các luật về hình sự, dân sự sửa đổi phải đảm bảo đủ thời gian để đại biểu thảo luận, bởi đây là những lĩnh vực pháp lý rất hệ trọng trong hệ thống pháp luật.
Tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước luôn là chủ đề quan tâm của đại biểu Quốc hội và thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 và một số báo cáo kinh tế-xã hội quan trọng khác. Đây cũng là nội dung cơ bản, rất đáng chú ý tại Kỳ họp cuối năm này.
Kết quả đánh giá, phân tích và những ý kiến góp ý, thảo luận của đại biểu Quốc hội ngay tại Kỳ họp này cũng là cơ sở quan trọng trong việc tổng hợp nên một định hướng dài hơi cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Chắc chắn, vấn đề này cũng sẽ là nội dung lớn của các đại biểu Quốc hội khi tiến hành thảo luận, đóng góp ý kiến đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII theo chương trình làm việc đã được công bố.
Cũng liên quan đến đánh giá tình hình kinh tế xã hội của đất nước, trước sự quan tâm cao độ của doanh nghiệp, cử tri và người dân cả nước đối với kết quả đàm phán thành công của Hiệp định thương mại xuyên thái bình dương TPP với nhiều băn khoăn về cả các cơ hội và thách thức.
Tại Kỳ họp thứ 10 này, Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ báo cáo về nội dung này để đại biểu nắm bắt tình hình. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, báo cáo của Chính phủ sẽ là cơ sở quan trọng để từ đó Quốc hội đánh giá, phân tích, tiến tới xây dựng lộ trình, kế hoạch một cách toàn diện, hợp lý nhằm đảm bảo cho việc tuân thủ các cam kết quốc tế đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân hội nhập thành công sau khi Hiệp định thương mại lớn nhất toàn cầu này chính thức được phê chuẩn, ký kết.
Khối lượng công việc của Kỳ họp cuối năm, thực sự rất lớn, nhiều nội dung quan trọng. Đây là thời điểm cả nước đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, triển khai Đại hội Đảng các cấp. Đồng thời, cũng là thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào năm 2016. Nhiệm vụ đặt ra trên vai các đại biểu Quốc hội thật nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao.
Với liên tiếp những đổi mới căn bản, toàn diện qua từng lĩnh vực hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội qua 9 Kỳ họp với rất nhiều những dấu ấn trong lịch sử hoạt động của cơ quan lập pháp.
Kỳ họp thứ 10 được kỳ vọng sẽ trở thành dấu mốc của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, đem đến cho cử tri và nhân dân cả nước một đợt sinh hoạt pháp lý-dân sinh mà trong đó, mỗi người dân đều có thể nhận thấy được những nội dung, những vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống thường ngày./.