Kỳ lạ dịch vụ vận chuyển băng Bắc Cực tới làm đồ uống ở Dubai

Một công ty khởi nghiệp đang gây chú ý khi vận chuyển băng Bắc Cực từ Greenland tới Dubai để làm lạnh các món đồ uống cao cấp tại đây.

Băng trôi ở Greenland được vận chuyển tới Dubai để làm lạnh các món đồ uống cao cấp. (Nguồn: CNN)
Băng trôi ở Greenland được vận chuyển tới Dubai để làm lạnh các món đồ uống cao cấp. (Nguồn: CNN)

Những khách quen của các quán bar hào nhoáng tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), sắp có thể nhấm nháp đồ uống được làm lạnh bằng một viên nước đá lấy từ một khối băng Bắc Cực cổ đại nằm ở Greenland, một quốc gia tự trị thuộc Vương quốc Đan Mạch.

Công ty khởi nghiệp Arctic Ice đã vận chuyển container đầu tiên chứa khoảng 22 tấn băng đá Greenland đến Dubai trong năm nay để bán cho các quán bar và nhà hàng cao cấp. Arctic Ice được hai người sống ở Greenland thành lập vào năm 2022. Công ty này có một mô hình kinh doanh thú vị, nhưng gây nhiều tranh cãi.

Hoạt động thông thường của công ty là tìm những tảng băng trôi nằm gần thủ phủ Nuuk của Greenland. "Chúng tôi chỉ tìm những tảng băng trôi trong nhất, và qua đó cũng là loại cổ và thuần khiết nhất," Malik V. Rasmussen, đồng sáng lập Arctic Ice chia sẻ với trang tin CNN. Tiếp đó, khi đã phát hiện ra tảng băng trôi mục tiêu, công ty sẽ dùng cần cẩu đưa nó lên tàu, xẻ thành các mảng nhỏ hơn và đóng gói trong thùng cách nhiệt.

Từng mẫu băng trôi đã được xẻ nhỏ đều qua kiểm tra trong phòng thí nghiệm để đảm bảo không lẫn vi sinh vật hoặc vi khuẩn có hại. Sau đó, băng được vận chuyển từ Greenland đến Dubai để tiêu thụ.

Arctic Ice tuyên bố công ty đang cung cấp một phương pháp mới để khai thác tài nguyên thiên nhiên, tạo ra các cơ hội kinh tế mới và nâng cao nhận thức của công chúng về Bắc Cực. Nhưng hoạt động của công ty đã lập tức vấp phải sự chỉ trích. Những người phê bình nói rằng việc vận chuyển nước đóng đá đi hàng ngàn cây số trên những con tàu chở container chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là sự lãng phí quá mức, trong bối cảnh Dubai đã tự sản xuất được đá.

Có một thực tế là rất ít người quan tâm tới nguồn gốc của các viên nước đá nằm trong đồ uống của họ, dù đó là nước ngọt Coca Cola, cà phê đá hay cocktail. Nhưng nước đá là hoạt động kinh doanh đem lại bộn tiền.

Nước đá từng được khai thác từ các nguồn tự nhiên như sông băng. Nhưng hoạt động này biến mất sau khi các cỗ máy làm nước lá quy mô công nghiệp xuất hiện. CNN cho biết thị trường nước đá viên, nước đá tảng lớn và nước đá xay đã đạt giá trị hơn 5 tỷ USD vào năm 2022.

Trong vài thập kỷ qua, không ít người đã thử xem xét lại việc khai thác nước đá từ tự nhiên, nhưng không thành công về mặt thương mại. Ví dụ vào năm 2015, một công ty đã thử bán những viên nước đá được lấy từ sông băng Svartisen ở phía bắc Na Uy. Tuy nhiên, kế hoạch kinh doanh của công ty đã sớm thất bại do dân địa phương phản đối.

Rasmussen hy vọng rằng bằng cách nhắm vào đúng mục tiêu và đúng thị trường, anh có thể khai thác trở lại nước đá ngoài từ nhiên. Nhưng có lẽ do mô hình kinh doanh có liên quan đến một nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt đi trên Trái đất, Arctic Ice đã thu hút nhiều tranh cãi.

Các bình luận dưới đoạn video đăng trên trang Instagram của công ty khởi nghiệp này vấp phải nhiều lời chỉ trích. “Cứ như thể các người đang làm một việc tốt cho hành tinh này vậy... Trong khi thực tế các người đang tiếp tay phá hủy nó!," một người bình luận. "Trò đạo đức giả này là gì thế?," người khác viết.

Rasmussen cho biết anh thấy kinh ngạc trước mức độ phản ứng gay gắt của dư luận. “Chúng tôi biết sẽ có những lời chỉ trích, nhưng không lường được rằng chuyện thậm chí leo thang tới mức người ta dọa giết và quấy rối liên tục," anh chia sẻ.

Arctic Ice tuyên bố hoạt động của công ty được thiết kế để “giảm thiểu tác động đến môi trường”. Công ty cũng có các kế hoạch trong tương lai, bao gồm việc đổi từ tàu vận tải chạy thuần nhiên liệu hóa thạch sang các tàu chạy động cơ lai hybrid hoặc chạy bằng pin.

Nhưng các chuyên gia không bị thuyết phục bởi viễn cảnh mà công ty vẽ ra. Jennifer Francis, nhà khoa học cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell, cho biết: “Sẽ cần rất nhiều năng lượng để vận chuyển (nước đá) đến Dubai bằng tàu chở hàng đông lạnh”. Cô cho biết thêm rằng băng Bắc Cực chưa chắc đã tinh khiết mà có thể bị ô nhiễm bởi các nguồn tự nhiên như khói cháy rừng, bụi hoặc thậm chí tro từ các vụ phun trào núi lửa.

“Tôi coi đây chỉ mà một chiêu trò quảng cáo gây lãng phí năng lượng cao, nhằm thu hút những cá nhân cực kỳ giàu có. Tôi cá rằng không ai có thể phân biệt được sự khác biệt về hương vị giữa nước đá lấy từ sông băng và nước đá từ nơi không có sông băng,” cô nói.

Rasmussen phản đối đánh giá này. Anh tuyên bố nước đá cổ đại có nhiều ưu điểm như có rất ít hoặc không có mùi vị, đồng nghĩa với việc nó không ảnh hưởng đến hương vị của đồ uống khi tan chảy. Ngoài ra, cấu trúc đậm đặc hơn của băng cổ cũng khiến nó tan chảy chậm hơn.

Ngoài ra, hàng của công ty còn mang tới trải nghiệm mới cho người dùng, khi họ được nếm thử một loại băng "chưa từng bị con người làm ô nhiễm", qua đó có thể nâng cao nhận thức về Bắc Cực và các sông băng dễ bị tổn thương.

Francis thừa nhận nâng cao nhận thức có thể là mặt tích cực duy nhất trong hoạt động kinh doanh của Arctic Ice. Tuy nhiên, cô cho rằng “câu chuyện về việc cần tiêu thụ bao nhiêu năng lượng để mang những viên nước đá cổ vào đồ uống của khách hàng" chắc chắn sẽ không được kể ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục