Từ một tỉnh chịu hậu quả nặng nề sau chiến tranh, Thừa Thiên-Huế đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Những thành tựu đạt được sau 43 năm giải phóng tạo thế và lực mới để Thừa Thiên-Huế vững bước cùng cả nước tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.
Nhớ lại những ngày đầu giải phóng, sản xuất công nghiệp coi như bằng số không, cả thành phố chỉ có một cơ sở cấp điện chạy bằng dầu, cơ sở sản xuất vôi Long Thọ, trong khi, hàng vạn người dân trở về quê hương với hai bàn tay trắng, nhà cửa, ruộng vườn hoang vắng, làng mạc bị tàn phá…
Nhưng với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, chống chọi với thiên tai, vừa tập trung phát triển kinh tế, để có thành quả như ngày hôm nay.
Kết thúc kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2017, Thừa Thiên-Huế đã nỗ lực phấn đấu đạt 12/13 chỉ tiêu đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 7,76% so với năm 2016, thuộc nhóm cao so với các tỉnh khu vực miền Trung.
Năm 2017 là năm thứ hai được tỉnh xác định là "Năm doanh nghiệp" với nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh và có nhiều chuyển biến tích cực; có 20 dự án được đầu tư mới, với vốn đăng ký tăng 13.051 tỷ đồng...
Điểm nổi bật trong năm 2017 là Thừa Thiên-Huế đã tạo được những chuyển biến tích cực trong cải cách thủ tục hành chính và thu hút đầu tư.
Số doanh nghiệp thành lập mới đến cuối năm 2017 đạt gần 700 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với năm trước, với số vốn đăng ký hơn 6.500 tỷ đồng, tăng gấp ba lần so với 2016 (bình quân 9,3 tỷ đồng/doanh nghiệp).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm 2017 của Thừa Thiên-Huế tăng 13,51% so cùng kỳ năm trước. Môi trường đầu tư kinh doanh trong tỉnh có nhiều khởi sắc đã kích thích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng kinh doanh.
Tỉnh đã tổ chức tốt nhiều đợt xúc tiến đầu tư tại thị trường Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc gắn với việc hình thành mạng lưới chuyên gia hỗ trợ kêu gọi đầu tư tại nước ngoài, tạo nền tảng cho việc quảng bá hình ảnh, xúc tiến đầu tư bền vững, lâu dài tại các khu vực này.
Bước vào năm nay, Thừa Thiên-Huế tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình trọng điểm trong năm bản lề của kế hoạch kinh tế, xã hội 2016-2020.
Theo đó, tỉnh tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch-dịch vụ, khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, năm nay, tỉnh tiếp tục thực hiện ba chương trình trọng điểm (chương trình phát triển du lịch-dịch vụ; chương trình phát triển hạ tầng kinh tế-kỹ thuật và phát triển công nghiệp; chương trình cải cách hành chính).
[Miễn phí tham quan di tích Cố đô Huế cho du khách Việt ngày 26/3]
Chương trình phát triển du lịch-dịch vụ với mục tiêu là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh phấn đấu thu hút từ 4 triệu đến 4,2 triệu lượt khách tham quan, tăng 10-12% (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40-45%). Doanh thu du lịch đạt từ 4.200-4.300 tỷ đồng, tăng khoảng 15%.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh kêu gọi và chọn lựa các nhà đầu tư chiến lược cho các dự án du lịch đang xúc tiến đầu tư; tập trung đốc thúc quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai các dự án du lịch lớn, có thương hiệu đang được nghiên cứu và đầu tư trên địa bàn tỉnh để tạo điểm nhấn và có sức ảnh hưởng đối với du lịch trên địa bàn.
Ngoài việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có và xây dựng một số sản phẩm mới có tính đặc trưng, có sức cạnh tranh cao và các sản phẩm du lịch về đêm, Thừa Thiên-Huế tập trung hình thành chuỗi sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao, cũng như các lễ hội định kỳ và ổn định để thu hút khách du lịch, kết hợp với việc xây dựng môi trường xanh, sạch trở thành điểm đến hấp dẫn, ấn tượng.
Trong lĩnh vực du lịch, tỉnh phấn đấu duy trì các thị trường khách truyền thống, tăng cường phát triển và mở rộng một số thị trường mới thông qua chương trình hợp tác chặt chẽ với các hãng hàng không, các tỉnh, thành kết nghĩa để tổ chức kết nối các đường bay trực tiếp và liên kết khai thác du lịch với các địa phương khác; phối hợp với Tổng cục Du lịch đón một số đoàn famtrip, presstrip dành cho các doanh nghiệp lữ hành, báo chí nước ngoài từ các thị trường trọng điểm và tiềm năng (châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, Bắc Mỹ, Australia).
Đối với chương trình phát triển hạ tầng kinh tế-kỹ thuật và phát triển công nghiệp, tỉnh bố trí nguồn lực khoảng 2.000 tỷ đồng; trong đó, vốn từ ngân sách Nhà nước 1.000 tỷ đồng, còn lại là vốn từ doanh nghiệp để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng toàn tỉnh; nâng cao năng lực phục vụ, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Tỉnh phối hợp với các cơ quan Trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lớn trọng điểm làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh mọi mặt kinh tế-xã hội của địa phương như: các dự án trên Quốc lộ 1A, Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B, đường cao tốc đoạn La Sơn-Túy Loan và đoạn Cam Lộ-La Sơn; đầu tư nâng công suất khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Bài lên 5 triệu hành khách/năm.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu cảng số 2-cảng Chân Mây (dự kiến khởi công trong quý 2 năm nay) và hoàn thành cầu cảng số 3 của cảng này vào cuối năm nay.
Về chương trình cải cách hành chính, tỉnh phấn đấu để chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) xếp ổn định trong nhóm năm địa phương dẫn đầu cả nước (hiện tại, tỉnh Thừa Thiên-Huế nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện cải cách hành chính).
Thừa Thiên-Huế cũng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008; tập trung nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, đạo đức công vụ, công chức.
43 năm sau giải phóng, thành phố Huế đã trở thành đô thị loại 1, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam; thành phố xanh và sạch, thành phố văn hóa của ASEAN.
Huế cũng đang hướng đến xây dựng thành phố bền vững môi trường, đang từng bước được xây dựng hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn, phát huy kiến trúc truyền thống và các giá trị văn hóa.
Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị của quần thể Di tích Cố đô Huế được quan tâm tập trung thực hiện.
Lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng nhanh, du lịch phát triển vững mạnh và ổn định. Việc tổ chức thành công chín kỳ Festival Huế khẳng định vị thế của một thành phố Festival, một trung tâm văn hóa-du lịch của cả nước.
Năm nay, Thừa Thiên-Huế tiếp tục khai thác tốt tour du lịch "Huế - một điểm đến năm di sản" (gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế, vốn được UNESCO công nhận là di sản thế giới) để thu hút khách tham quan.
Ngành du lịch Thừa Thiên-Huế phấn đấu đón khoảng 4-4,2 triệu lượt khách, tăng 10% so với năm 2017 (trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40-45%); khách lưu trú ước đạt 2,1-2,2 triệu lượt người, tăng 12% so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch dự kiến tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 4.000-4.200 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Cao, thời gian tới, ngoài việc đầu tư cho hệ thống di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục kêu gọi đầu tư vào việc phát triển vịnh biển Lăng Cô-Chân Mây, một trong 10 vịnh biển được bình chọn đẹp nhất thế giới.
Trong Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng chú trọng việc quy hoạch phát triển để Lăng Cô trở thành đô thị phát triển dịch vụ du lịch biển năng động phía Nam của tỉnh.
Tỉnh tập trung phát triển mạnh du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đưa doanh thu dịch vụ du lịch tăng 14-15%; đồng thời phấn đấu đến năm 2020, đưa Thừa Thiên-Huế trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước và khu vực.
Cảng biển Chân Mây cũng được Hãng tàu Royal Caribbean lựa chọn để hợp tác đầu tư 5 triệu USD, nâng cấp cầu cảng bến số 1 để đón tàu Quantum of the Seas và Oasis of the Seas - tàu du lịch lớn nhất thế giới.
Cảng biển Chân Mây là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Cảng Chân Mây vì thế hội đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển trở thành cảng công nghiệp du lịch tàu biển chuyên dụng.
Hiện, sau khi nâng cấp, cảng Chân Mây đã có bến tàu với chiều dài 420m, độ sâu trước bến 12,5m đủ khả năng đón tàu có trọng tải 30.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn khoảng hơn 3.000-4.000 khách.
Theo quy hoạch cảng biển Chân Mây sẽ có lượng hàng thông qua cảng dự kiến vào năm 2020 khoảng 4,8-5,4 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 8,9-10,2 triệu tấn/năm.
Khu bến Chân Mây là bến cảng tổng hợp, container kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế, tiếp nhận tàu hàng tải trọng từ 30.000-50.000 tấn.
Giai đoạn năm 2020, xây dựng mới hai đến ba cầu cảng cho tàu đến 50.000 tấn (không kể bến phụ); giai đoạn 2030 bổ sung thêm hai bến tàu hàng 50.000 tấn và một bến tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000GT; năng lực thông quan năm 2020 khoảng 0,1 đến 0,2 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 0,3 đến 1 triệu tấn/năm.
Cảng Chân Mây còn là cửa ngõ hướng ra Biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây (là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar).
Đây là cảng chính giữa con đường biển kết nối Singapore, Philippines và Hong Kong (Trung Quốc). Ngoài ra, cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm của hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế và Đà Nẵng, gần các di sản văn hóa thế giới như Hội An, Mỹ Sơn, Huế.../.