Tin Giáo sư Trần Hồng Quân qua đời ở tuổi 86 tại Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh) vào chiều 25/6 khiến tôi và rất nhiều đồng nghiệp (những nhà báo theo dõi mảng Giáo dục Đào tạo) có một cảm giác hụt hẫng và tiếc thương một vị Bộ trưởng có tâm, có tầm, đặc biệt, là người rất cởi mở với báo chí. Như cách phóng viên chúng tôi hay nói với nhau “đi phỏng vấn chú Quân thực ta là đi học hỏi được rất nhiều điều."
Giáo sư Trần Hồng Quân sinh năm 1937 quê ở xã Mỹ Quới, Huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 6, 7 và 8, là đại biểu Quốc hội khóa 8, khóa 10.
Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học và Dạy nghề trước khi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (1987-1997) rồi làm Phó ban dân vận Trung ương, Chủ tich Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam.
Nói đến Giáo sư Trần Hồng Quân là nói đến một chính khách có kiến thức dày dặn, có tầm nhìn và một chuyên gia giáo dục thực sự có nhiều đóng góp to lớn cho công cuộc đổi mới giáo dục, đặc biệt là Giáo dục Đại học Việt Nam trong giai đoạn mới, ủng hộ chủ trương Tự chủ Đại học và phát triển giáo dục mở.
Là người luôn đau đáu với các vấn đề của giáo dục, Giáo sư Trần Hồng Quân là người tiên phong đề xuất thực hiện cơ chế tự chủ đối với giáo dục đại học, vấn đề điều chỉnh nhiều mức học phí, làm thế nào để tạo nguồn học bổng để hỗ trợ cho sinh viên nghèo có cơ hội học tập.
Tự chủ Đại học theo Giáo sư là chủ trương “canh tân” trên cơ sở đặt niềm tin trao trọng trách cho cấp dưới, tháo gỡ nhiều ràng buộc trong quản lý, giao quyền tự quyết cho các cơ sở, tạo không gian tự do sáng tạo trong hoạt động học thuật và điều hành nhà trường. Đó là bước dân chủ hóa giáo dục đại học.”
Giáo sư Trần Hồng Quân là một người có tâm và có tầm bởi những điều mà ông nghĩ. Những chính sách mà Giáo sư ủng hộ kể cả những khó khăn rào cảm của các hoạt động đổi mới giáo dục đã được ông nhìn ra từ rất sớm.
[Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân qua đời]
Nghỉ quản lý nhưng Giáo sư Trần Hồng Quân chưa bao giờ hết trăn trở với giáo dục. Tham gia Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, những đóng góp của ông cho sự đổi mới giáo dục đại học được các trường ghi nhận và trân trọng.
Giáo sư Trần Hồng Quân nhận định: Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 đề cập đến về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong đó, có định hướng đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo.
Trước bối cảnh Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, Giáo sư Quân cho rằng: Muốn giáo dục phát triển thì giải pháp tốt nhất là tìm đến giáo dục mở.
Riêng đối với anh chị em phóng viên báo chí, Giáo sư Trần Hồng Quân là chuyên gia thân thiết mỗi lần phỏng vấn ông là một lần được học hỏi và mở rộng hiểu biết về các vẫn đề giáo dục.
Từ khi được phân công theo dõi mảng giáo dục trước khi viết về vấn đề gì “khó,” tôi thường phải tìm hiểu và tham vấn chuyên gia để hiểu rõ hơn về vấn đề mình định viết.
Giáo sư Trần Hồng Quân là một người tôi may mắn được ông chia sẻ nhiều vấn đề.
Ông sống ở Sài Gòn nên chỉ khi nào có hội nghị gì ông mới bay ra Hà Nội nên phóng viên chúng tôi phải “săn” lịch họp của Giáo sư để hẹn gặp phỏng vấn ông. Giáo sư luôn sẵn lòng bớt thời gian để chia sẻ sao cho hiểu cặn kẽ vấn đề, nhưng luôn dặn: “nhiều vấn đề có cái để hiểu mà viết, nhưng có vấn đề hiểu mà không viết nhé!"
Có lần 2 bác cháu nói chuyện quá giờ ăn thế là kéo nhau sang Quán Ngon (Phan Bội Châu) ăn trưa. Ông nhẹ nhàng, sâu sắc, và tinh tế đúng chất chuyên gia giáo dục. Ông cũng rất tình cảm nên tiếp xúc cảm giác mình như học trò, như con cháu của ông.
Có lần sau khi nói về giáo dục đại học, tự chủ tự chủ đại học... ông say sưa nói với tôi về công dụng của cây chùm ngây - loại cây có nhiêu dinh dưỡng và công dụng chữa bệnh dễ trồng. Ông bảo nên nhân rộng trồng nhiều cây này để bổ sung vào bữa ăn cho trẻ em...
Nhưng có lẽ câu chuyện mà hôm nay tôi muốn kể là cách ứng xử của Giáo sư Trần Hồng Quân trong lần tiếp Đại sứ Hàn quốc tại văn phòng Bộ Giáo dục Đào tạo.
Trước đó không lâu có vụ công nhân Việt Nam ăn trộm đồ của một doanh nghiệp Hàn Quốc bị bắt và đánh đập khá đau, nên khi gặp Giáo sư Quân ngài Đại sứ có ý trách “tại sao Việt Nam không giáo dục người dân để xảy ra việc không hay như thế.”
Bình thản (nét đặc biệt rất chất của Giáo sư Quân), ông trả lời: "Thưa ngài, việc công nhân Việt Nam lấy trộm đồ của doanh nghiệp là việc không tốt nhưng việc doanh nghiệp Hàn quốc thay vì có nhiều cách giáo dục người ta lại đi đánh đập dã man người ta như vậy thật là phản giáo dục."
Nhớ và tiếc thương Giáo sư Trần Hồng Quân, xin có vài lời tri ân tưởng niệm ông về cõi vĩnh hằng!
Và xin đăng lại tấm ảnh cuối cùng chụp cùng ông với các đồng nghiệp tại Hội thảo Đổi mới Giáo dục Đại học tháng 11/2020./.