Trước khó khăn từ thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo các điều kiện thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới trong những năm tiếp theo.
Thành phố tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học, hướng tới mục tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.
Bên cạnh đặt hàng đào tạo giáo viên mới, tăng cường tập huấn đội ngũ hiện có, thành phố đề xuất nhiều chính sách mới nhằm thu hút, giữ chân giáo viên.
Phấn đấu đạt 300 phòng học/10.000 dân
Để đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học, thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Thông qua nhiều giải pháp, chương trình triển khai, đến nay, thành phố đạt 294 phòng học/10.000 dân. Ngành giáo dục thành phố đã xây dựng nhiều giải pháp giải quyết các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết ngành giáo dục tiếp tục phối hợp các địa phương, sở, ngành rà soát tổng thể mạng lưới trường học trên địa bàn nhằm tăng thêm quỹ đất cho giáo dục bằng nhiều nhóm giải pháp như di chuyển, thu hồi kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả ưu tiên xây dựng trường học, bố trí quỹ đất tại khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học.
Các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư cho nhóm quỹ đất sạch, nhóm quỹ đất có tính khả thi cao trong thu hồi đất để đầu tư của các quận huyện, thành phố Thủ Đức nhằm bổ sung danh mục dự án cấp bách của ngành giáo dục giai đoạn 2021-2025.
Ngành giáo dục đề xuất thành phố ưu tiên dành quỹ đất công hiện có để xây dựng xây dựng trường học; có giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm sớm triển khai các dự án đầu tư xây dựng trường; tháo gỡ, tạo điều kiện sử dụng nguồn vốn theo phương thức đối tác công tư, vay kích cầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình...
Ngoài ra, thành phố có cơ chế, giải pháp đặc thù, chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai, thuế, thủ tục hành chính… để huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước đầu tư phát triển mạng lưới trường học theo phương thức hợp tác công-tư, kích cầu, xã hội hóa.
Thành phố ưu tiên bố trí vốn ngân sách để đẩy nhanh thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình trường học theo kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch được duyệt phù hợp yêu cầu phát triển và thực tế từng địa bàn quận, huyện, trong đó tập trung các khu vực có tốc độ tăng dân số cao hoặc địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất (quận 7, 9, 12, quận Bình Tân, Gò Vấp, Thủ Đức và huyện Bình Chánh).
Liên quan đến vấn đề xây dựng trường lớp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức yêu cầu ngành giáo dục cùng các địa phương tổng rà soát lại nguồn lực về cơ sở vật chất để có biện pháp cải thiện tình trạng thiếu trường lớp hiện nay.
Các sở, ngành liên quan cùng các quận, huyện rà soát lại quy mô, số lượng, chất lượng cơ sở giáo dục, đối chiếu mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân để phối hợp xây dựng lộ trình cụ thể thực hiện chỉ tiêu này. Bởi đây là chỉ tiêu rất quan trọng, đã được thành phố đề cập nhiều năm nay.
Nhiều chính sách thu hút giáo viên
Bên cạnh việc thiếu nguồn tuyển từ các trường đào tạo sư phạm, thực tế chính sách đối với giáo viên hiện nay chưa đủ hấp dẫn để có thể thu hút sinh viên sư phạm, khó có thể giữ chân giáo viên giỏi, nhất là khi triển khai chương trình mới với nhiều nhiệm vụ nặng nề.
Từ thực tế này, bên cạnh chính sách đã được triển khai thời gian qua, mới đây, ngành giáo dục thành phố tiếp tục đề xuất thêm nhiều chính sách, cơ chế để thu hút, giữ chân đội ngũ.
Trước mắt, ngành đang xây dựng đề án hỗ trợ giáo viên tiểu học, bởi bậc học này có nhiều đặc thù so với các bậc học còn lại và là bậc học đang thiếu nhiều giáo viên nhất.
[Bảo đảm chất lượng giáo viên theo yêu cầu chương trình giáo dục mới]
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong khi các trường tiểu học trên địa bàn thành phố còn thiếu hơn 3.600 giáo viên, 3 năm gần đây, toàn ngành có hơn 1.200 người nghỉ việc. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, toàn thành phố có 219 cán bộ quản lý, 2.483 giáo viên rời khỏi ngành, trong đó một phần nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, do nghỉ hưu, 1.233 người nghỉ việc.
Ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhận định khối lượng công việc của giáo viên tiểu học nhiều, áp lực cao.
Giáo viên tiểu học phải dạy nhiều môn và vừa phải làm công tác chủ nhiệm, có giáo viên phải kiêm nhiệm các chức danh khác như khối trưởng chuyên môn, tổng phụ trách, công tác đoàn, công đoàn… Số tiết nghĩa vụ của giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, kể cả giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên dạy bộ môn.
Ngoài giảng dạy chính khóa, giáo viên còn tham gia hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa cho học sinh tham gia, hỗ trợ công tác Đoàn-Đội, phong trào, hội thi… Giáo viên phải thực hiện kế hoạch, báo cáo, hồ sơ sổ sách, liên hệ, trao đổi phụ huynh về tình hình học tập của các em, phối hợp với gia đình, nhà trường trong công tác giáo dục học sinh.
Với các bộ môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Tin học, Ngoại ngữ, mỗi giáo viên nhận nhiệm vụ 23 tiết nghĩa vụ/tuần. Giáo viên được phân công từ 12-23 lớp tùy bộ môn và số lượng tiết dạy, do đó, số học sinh phải theo dõi, nhận xét, đánh giá tăng theo. Cá biệt, có giáo viên phải thực hiện đánh giá cho 805 học sinh/tháng.
Dù vậy, theo quy định hiện hành, tổng thu nhập sau khi đã trừ bảo hiểm xã hội của mỗi giáo viên Tiểu học mới ra trường là khoảng 3,3 triệu đồng/tháng nên rất khó thu hút. Mặt khác, việc không thu phí buổi 2 và giáo viên không còn được nhận thu nhập từ dạy buổi 2 khi triển khai chương trình mới dẫn đến tình trạng giáo viên không tha thiết tham gia dạy học ở các trường công lập. Nhiều giáo viên sau khi trúng tuyển, biết được mức thu nhập đã quyết định rời bỏ nhiệm sở được phân công để chuyển sang ngành nghề khác.
Theo nhiều nhà quản lý giáo dục, có thêm chính sách tài chính để cải thiện thu nhập vẫn là biện pháp căn cơ để thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên cho ngành.
Từ thực tế đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng đề án thu hút giáo viên tiểu học trên địa bàn với nhiều giải pháp được đề xuất triển khai. Đáng chú ý, thành phố hỗ trợ cho giáo viên Tiểu học do tính chất công việc thêm 25% số lương cơ bản; hỗ trợ giáo viên tiểu học mới ra trường và nhân viên y tế, văn thư, kế toán, thư viện được tuyển dụng mới trong ba năm đầu với các mức 100%, 70%, 50% lương cơ sở/người/tháng; hỗ trợ khuyến khích giáo viên có trình độ chuyên môn, giáo viên có trình độ tiến sỹ là 1,5 triệu đồng/tháng, thạc sỹ là 1,2 triệu đồng/tháng.
Cùng với xây dựng chính sách thu hút, thành phố chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công hoặc thất bại trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì thế, cùng với tăng cường hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, mỗi giáo viên phải có sự thay đổi trong quan điểm dạy học. Có như vậy, chương trình mới đạt được mục tiêu đề ra.
Chương trình mới là cơ hội để thầy cô thay đổi toàn diện, từ cách dạy học đến kiểm tra đánh giá, hướng đến phát triển năng lực và lợi ích của người học./.
Bài 1: Những tín hiệu tích cực của Chương trình giáo dục phổ thông mới
Bài 2: Nhiều khó khăn trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới