Lá chắn phòng thủ ở Mỹ có thể bắn hạ tên lửa Iran

Hai quan chức Lầu Năm Góc khẳng định các tên lửa đánh chặn trên đất liền có khả năng bắn hạ các tên lửa tầm xa của Iran.
Điều trần trước Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ ngày 1/10, hai quan chức Lầu Năm Góc khẳng định các tên lửa đánh chặn trên đất liền, được triển khai tại miền Tây nước Mỹ vào năm 2010, có khả năng bắn hạ các tên lửa tầm xa của Iran.

Nhận định trên nhằm xua tan lời chỉ trích trước việc Chính quyền của Tổng thống Barack Obama ngừng triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa ở Đông Âu.

Người phụ trách chính sách hàng đầu của Bộ Quốc phòng Mỹ, bà Michele Flournoy, cho biết 30 tên lửa đánh chặn triển khai trên đất liền tại bang Alaska và bang California vào cuối năm 2010, sẽ "hình thành một hệ thống bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ nước Mỹ trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Iran".

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của Lầu Năm Góc, Trung tướng Patrick O'Reilly khẳng định các địa điểm ở Mỹ đã được xác định để có thể bắn hạ cả tên lửa của Iran lẫn Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Hai quan chức trên đồng thời cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa mới cũng sẽ bảo đảm an toàn hơn cho Israel. Theo họ, các tàu chiến của Hải quân Mỹ trang bị tên lửa đánh chặn Aegis, được triển khai tới phía Đông Địa Trung Hải, "có thể hình thành thêm một tầng phòng thủ nữa bảo vệ Israel".

Buổi điều trần trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Obama chịu nhiều chỉ trích từ phía đảng Cộng hòa sau khi tuyên bố sẽ từ bỏ chương trình lá chắn phòng thủ tên lửa (NMD) gây tranh cãi ở Đông Âu.

Thay vào đó, Mỹ sẽ triển khai một hệ thống cơ động hơn nhằm vào các tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Iran, chủ yếu dựa trên các hệ thống đánh chặn đặt trên biển, bố trí ở các khu vực Nam và Bắc Âu, thay vì đặt trên mặt đất tại Cộng hòa Séc và Ba Lan như trước đây.

Quyết định mới này dựa trên các báo cáo tình báo đánh giá lại khả năng vũ khí của Iran cho thấy các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của nước này đang được sản xuất nhanh hơn dự kiến, còn tiến độ chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lại chậm hơn rất nhiều so với tính toán ban đầu.

Những tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của Tehran có thể nhắm tới đồng minh Israel của Washington cùng các cơ sở của Mỹ tại Trung Đông và một phần lãnh thổ châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục