Sự lạc quan đầy thận trọng về viễn cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân đang bị đình trệ giữa Mỹ và Triều Tiên đã xuất hiện khi các nhà lãnh đạo hai nước tái khẳng định mong muốn duy trì ngoại giao với Bình Nhưỡng trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Hàn tại thủ đô Washington ngày 11/4.
Tại cuộc hội đàm ở Washington, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái khẳng định mong muốn đối thoại với Bình Nhưỡng trong bối cảnh Moon Jae-in nỗ lực để tiến hành một hội nghị thượng đỉnh nữa với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - sự kiện có khả năng giúp thúc đẩy cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.
Đây là lần gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa Moon Jae-in và Trump kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 2/2019 - một sự kiện không đạt được kết quả như kỳ vọng do không thể dung hòa những bất đồng về mức độ phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và việc nới lỏng trừng phạt của Mỹ.
Khi thuật lại kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn, một quan chức cấp cao của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết: "Hội nghị thượng đỉnh (Moon-Trump) là cơ hội để xóa tan những bất đồng khác nhau đã được nêu lên sau hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội và làm hồi sinh động lực nối lại đối thoại (giữa Mỹ và Triều Tiên).”
Quan chức này nói thêm rằng phía Mỹ đã tái khẳng định quyết tâm "sớm" theo đuổi các cuộc tham vấn với Triều Tiên và cam kết tiếp tục nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng như thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo thông qua đối thoại và ngoại giao.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn diễn ra sau khi các phiên họp của đảng cầm quyền Triều Tiên được tổ chức trong tuần này, tại đó, Kim Jong-un đã thể hiện quyết tâm duy trì đường lối chính sách chiến lược tập trung vào phát triển kinh tế thay vì chọn cách đi chệch hướng đàm phán hạt nhân với Mỹ.
Bất chấp những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang ngày càng thiếu kiên nhẫn khi vẫn chưa xuất hiện nhiều tiến triển trong các cuộc đàm phán, chế độ Triều Tiên đã tránh những lời chỉ trích trực tiếp, rõ ràng nhắm vào Mỹ và tiếp tục giữ các nhà đàm phán chủ chốt của nước này trong đảng cầm quyền và chính phủ.
Tuy nhiên, Trump dường như rất quan tâm đến việc ép Triều Tiên phải nhượng bộ tối đa theo cái mà ông gọi là "thỏa thuận lớn" - vốn được cho là một nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội.
Phát biểu trong cuộc gặp Moon Jae-in, mặc dù ám chỉ "nhiều thỏa thuận nhỏ hơn" cũng có thể xuất hiện, Trump cho biết: "Tại thời điểm này, chúng ta đang nói về thỏa thuận lớn.
Vấn đề lớn là chúng ta phải loại bỏ vũ khí hạt nhân." Ông cũng nói rằng Washington muốn các biện pháp trừng phạt được giữ nguyên, mặc dù ông cho biết ông có thể đưa ra một số nhượng bộ về kinh tế cho nhà nước nghèo khó Triều Tiên vào "thời điểm thích hợp."
Trump nói thêm: "Đây không phải là thời điểm thích hợp, nhưng vào đúng thời điểm, tôi sẽ có sự hỗ trợ tuyệt vời cho Triều Tiên."
Phát biểu của Trump có thể khiến những người trong chính quyền Hàn Quốc phải lo lắng, những người vốn tìm cách khuyến khích Washington hạ thấp thỏa thuận hạt nhân toàn diện với Bình Nhưỡng và xin miễn trừ các lệnh trừng phạt để nối lại các dự án hợp tác liên Triều, chẳng hạn như mở lại khu công nghiệp hiện đang bị đóng cửa ở thị trấn vùng biên Kaesong của Triều Tiên.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ ra rằng việc Trump đề cập đến một "thỏa thuận lớn" không có nghĩa là ông sẽ không có sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán trong tương lai.
Koh Yoo-hwan, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên của trường Đại học Dongguk, nói với phóng viên hãng thông tấn Yonhap: "Việc theo đuổi một thỏa thuận lớn này ... chỉ là một lập trường cơ bản bề ngoài của Washington.
Nếu Trump đề cập đến bất kỳ sự nhượng bộ nào có thể xảy ra với Triều Tiên trước, thì còn cần gì đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng nữa.
Trump dường như đã nhắc lại lập trường của mình một cách khái quát và có thể xem xét viện trợ lương thực hoặc nối lại hoạt động của khu công nghiệp chung Kaesong nếu có tiến bộ đáng kể trong việc phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.”
[Tháo gỡ những nút thắt trong tiến trình đàm phán hạt nhân]
Các nhà phân tích khác cho rằng vẫn còn phải xem liệu Trump sẽ có khuynh hướng nhượng bộ hay không trong bối cảnh ông tỏ ra tự tin trước một cuộc điều tra lớn liên quan đến sự can dự của Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2016 của ông.
Tuy nhiên, Trump có thể tìm kiếm một sự thay đổi chính sách đối ngoại lớn khi ông phải đối mặt với cuộc chiến tái tranh cử vào năm 2020.
Trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn, các quan chức Seoul đã ủng hộ một "thỏa thuận đủ tốt" có thể mang lại "vụ thu hoạch sớm" như một phần trong nỗ lực của mình nhằm tạo thuận lợi cho việc nối lại cuộc đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng.
"Thỏa thuận đủ tốt" đề cập một cách tiếp cận theo từng giai đoạn, tăng dần trong tiến trình phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng dựa trên nhận định rằng giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên khi mà không có bất kỳ phần thưởng trước nào có thể không phải là một lựa chọn thực tế.
Quan điểm này làm dấy lên lo ngại rằng hai đồng minh Mỹ-Hàn có thể không nhất trí cách giải quyết vấn đề hạt nhân khó khăn này.
Tuy nhiên, Moon Jae-in đã tìm cách đẩy lùi những lo ngại gia tăng về sự rạn nứt giữa hai đồng minh.
Ông nói: "Tôi cam kết rằng (Hàn Quốc và Mỹ) sẽ hợp tác cho đến khi kết thúc quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn."
Khi ông tiết lộ kế hoạch theo đuổi một hội nghị thượng đỉnh nữa với Kim Jong-un, sự chú ý đang chuyển sang những gì sẽ diễn ra sau cuộc gặp thứ tư giữa hai nhà lãnh đạo này.
Các nhà quan sát cho rằng việc thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh liên Triều thứ tư cho thấy có thể đã có một số thỏa thuận giữa Moon Jae-in và Trump để thổi một luồng sinh khí vào tiến trình hòa bình không chắc chắn của Triều Tiên.
Park Won-gon, Giáo sư chính trị quốc tế của trường Đại học Toàn cầu Handong, nói: "Quả bóng đã được chuyền một cách chính xác về phía sân của Triều Tiên nếu có một hội nghị thượng đỉnh liên Triều nữa. Moon Jae-in có thể tìm cách thuyết phục Triều Tiên cần thực hiện một bước phi hạt nhân hóa mới."
Giáo sư Park cũng lưu ý rằng Bình Nhưỡng vẫn có thể có "nhiều quân bài" để đưa ra ngoài việc phá hủy cơ sở hạt nhân chính ở Yongbyon./.