Lãi suất: Lại đau đầu chuyện thiệt, hơn!

Những thông tin Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản đã liên tục “hâm nóng” thị trường ngoại tệ và chứng khoán trong những ngày qua.

Những thông tin Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản đã liên tục “hâm nóng” thị trường ngoại tệ và chứng khoán trong những ngày qua.

Thế nhưng, liệu quyết định chính thức có được đưa ra hay chỉ là sự đồn thổi của giới kinh doanh? Trả lời cho câu hỏi này, một cuộc hội thảo với sự tham gia của đông đảo các nhà phân tích, giới chuyên môn và cơ quan quản lý đã được tổ chức sáng nay (8/4), tại Hà Nội.

7% là hợp lý

Bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho rằng, lãi suất cơ bản VND vẫn nên được giữ nguyên như hiện nay (7%/năm) là phù hợp với thực tế của nền kinh tế.

Bởi, theo bà Hương, nếu hạ lãi suất cơ bản ngay lập tức lãi suất huy động VND sẽ giảm, trong khi với mức lãi suất hiện nay nguồn vốn huy động của các ngân hàng đã gặp rất nhiều khó khăn.

Hết quý I/2009, vốn huy động của các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn Hà Nội đã sụt giảm 0,36%; trong khi đó tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng chút ít (4%).

“Đây là thực tế rất đáng lo ngại bởi thông thường tại hai địa bàn này lượng vốn huy động trước đây rất dồi dào. Như vậy, vốn cho kích cầu và cho vay nền kinh tế sẽ càng khó hơn.”- bà Hương nhấn mạnh.

Với lãi suất 7% như hiện nay, lại thêm sự hỗ trợ cấp bù lãi suất của chính phủ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chỉ còn phải vay với lãi suất gần như “cho không” là 0,5%/năm tại các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước. Trong khi đó, tại các NHTM cổ phần như ACB, Eximbank… doanh nghiệp cũng chỉ chịu lãi suất 1%/năm.

Còn lại, các doanh nghiệp không thuộc diện hỗ trợ lãi suất thì cũng chỉ phải vay với lãi suất dao động từ 6 - 6,5%/năm (trừ cho vay tiêu dùng).

“Như vậy, không thể nói lãi suất cao khiến doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng mà cái khó hiện nay chính là thị trường tiêu thụ hàng hóa.” – bà Hương nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Hải Mơ - chuyên gia Viện Khoa học Tài chính chia sẻ: Mặc dù lãi suất huy động có NHTM đã tăng lên tới 8,8%/năm, nhưng huy động vốn VND lại chưa có dấu hiệu tăng. Vì vậy, nếu tiếp tục giảm lãi suất cơ bản sẽ càng khiến người dân không “mặn mà” gửi tiền vào ngân hàng.

“Hiện tại, VND đang yếu cộng với dự báo lạm phát vẫn còn cao, độ tin cậy của các NHTM chưa được cải thiện nhiều, nên việc hạ lãi suất sẽ có tác động tiêu cực đến cho vay sản xuất, kinh doanh. Chưa kể, giảm lãi suất liệu có thực sự vào sản xuất hay lại “chạy” lòng vòng trong lưu thông ?” – ông Mơ băn khoăn.

Đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Hà Nội, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, để giải bài toán tăng hay giảm lãi suất, cần tính toán dựa trên các yếu tố về lợi ích người gửi tiền, thanh khoản của ngân hàng và vốn đáp ứng cho nền kinh tế.

Hơn nữa, lãi suất vốn quan hệ rất chặt chẽ với tỷ giá. Do vậy, trong điều kiện biên độ tỷ giá đã được nới rộng lên cộng trừ 5% và cung - cầu ngoại tệ năm nay được dự báo là khá căng thẳng do nguồn vốn FDI, FII, xuất khẩu và kiều hối suy giảm khiến cho nguồn cung ngoại tệ giảm, trong khi cầu ngoại tệ chưa ai dám chắc cũng sẽ giảm. Vì thế, áp lực lên tỷ giá là rất lớn, gây căng thẳng cho nguồn vốn VND.

“Bài học của Thái Lan năm 1997 vẫn còn đó và cần nhấn mạnh rằng, mất cân đối về tỷ giá sẽ là nguy hiểm hơn nhiều so với bài toán về lãi suất.” –bà Hương nói.

Xin không hỗ trợ lãi suất !

Liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất, nhiều đại biểu đồng tình nếu kéo dài sẽ dẫn đến những hệ lụy mất cân đối, cả về nguồn vốn của ngân hàng cũng như tính hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Cần phải cân nhắc tính toán để cú hích của Chính phủ không tạo ra một sự lòng vòng trên thị trường tài chính, dễ dẫn đến rủi ro tín dụng.” – Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai, Trung tâm Thông tin Tín dụng (NHNN) nhận định.

Cũng theo ông Lai, nếu như cáh đây 2-3 tháng, cả nước dấy lên phong trao vì doanh nghiệp, vì “tam nông” và kêu gọi hạ lãi suất để gỡ khó cho doanh nghiệp, thì nay cũng cần phải nhìn nhận lại.
 

Bởi, tốc độ dư nợ cho vay nền kinh tế trong 3 tháng qua mới chỉ ở mức từ 2-3%. Trong khi đó, theo tính toán của các chuyên gia, với chính sách hỗ trợ lãi suất 4%, thì tăng trưởng tín dụng phải vào khoảng 8-9% mới là hợp lý !

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp vốn đã “khỏe”, nay nhờ có hỗ trợ lãi suất lại càng “khỏe” ra, không màng đến chuyện làm sao cho có lãi lớn mà chỉ cần tăng doanh số bằng việc ký thật nhiều hợp đồng (kể cả với giá thấp) với khách hàng.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ lớn ở phía Nam là khách hàng của chúng tôi đã thay đổi chiến lược làm ăn khi thấy vốn vay ngân hàng gần như là “mượn” không. Trong khi rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khác lại ngại xin hỗ trợ lãi suất vì số tiền được hỗ trợ không nhiều, mà lại phải thề thốt, cam kết rất nhiều. Bà Lê Thị Thu Hương - Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương cho biết.

Theo bà Hương, một “nghịch lý” là hiện nay có doanh nghiệp thuộc diện hỗ trợ lãi suất (theo sự gợi ý của ngân hàng), đã làm đơn xin không hỗ trợ lãi suất!. Nguyên nhân là họ e ngại, trong mỗi hồ sơ vay đều phải ký cam kết trả lại tiền hỗ trợ nếu phát hiện gian lận về thuế. “Mà thường thì các doanh nghiệp nhỏ của chúng ta về chế độ kế toán - tài chính còn nhiều bất cập, vẫn sử dụng kế toán “hai sổ sách” nên rất khó biết thực hư ”.

Ngân hàng cũng không “sung sướng” khi thực hiện hỗ trợ, vì họ cho rằng, nếu như trước đây chỉ cần thẩm định hồ sơ vay theo phương án kinh doanh, phương án trả nợ… thì nay lại phải soi xét rất kỹ thêm về các điều kiện để hỗ trợ lãi suất.

Thậm chí, nhiều ngân hàng còn “dặn” nhau khéo không “lạc” hướng vì chỉ chăm chăm xem doanh nghiệp có đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất hay không, mà để “tuột tay” những doanh nghiệp lâu nay “khỏe”, có dự án mang lại hiệu quả cao nhưng vì không được hỗ trợ nên lãi suất vay cao khiến họ rời xa ngân hàng./.
 

 
Khánh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục