Lại ùn tắc chờ xuất hàng nông sản tại Tân Thanh

Trong những ngày này số xe chở hàng xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh đã xếp hàng kéo dài gần 3km từ bãi kiểm hàng ra đến quốc lộ.
Trong những ngày gần đây, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh, Văn Lãng (Lạng Sơn) tăng đột biến với các mặt hàng chủ yếu là dưa hấu, chuối, thanh long... gây ùn tắc cục bộ tại luồng dành cho hàng xuất khẩu.

Tại khu vực này, bình quân mỗi ngày có hơn 300 xe ôtô với hơn 4.000 tấn hàng nông sản chờ làm thủ tục xuất khẩu qua biên giới. Hiện số xe chở hàng xuất khẩu đã xếp hàng kéo dài gần 3km từ bãi kiểm hàng ra đến ngoài quốc lộ 4A, gây ảnh hưởng lớn cho người và phương tiện đi lại tại khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh.

Trên thực tế, các chủ hàng nước ngoài cũng rất dễ chọn mua hàng ngay từ khi xe chưa vào đến chợ cửa khẩu. Tuy nhiên ùn tắc kéo dài ở cả hai phía khiến hàng giảm chất lượng, các tư thương nước ngoài lại tìm cách ép giá, ép cấp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Hiện nay, hàng nông sản xuất qua cửa khẩu Tân Thanh theo loại hình xuất khẩu tiểu ngạch (không theo các hợp đồng thương mại). Các doanh nghiệp, tư thương làm thủ tục đưa hàng sang Trung Quốc, sau đó mới tìm đối tác để bán hàng nên việc tiêu thụ rất chậm.

Vì vậy, mỗi ngày chỉ có một lượng nhất định xe ôtô chở hàng xuất khẩu có thể sang Trung Quốc, ít hơn nhiều so với lượng xe chở hàng từ nội địa Trung Quốc đến cửa khẩu, gây nên tình trạng ùn tắc.

Ông Trần Xuân Thượng, Chi cục phó Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết bình quân mỗi ngày tại cửa khẩu này xuất từ 160 xe hàng nông sản trở lên và nhập khẩu cũng vậy. Phía Trung Quốc trong những ngày gần đây cũng đã kéo dài thời gian mở cổng biên giới đến 21 giờ (giờ Việt Nam), nhưng tình trạng ùn tắc vẫn tiếp diễn.

Để khắc phục tình trạng này, các cấp chính quyền huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu cần có biện pháp phối hợp với các lực lượng chức năng của Trung Quốc tìm cách giải quyết.

Mặt khác, các tỉnh thành phía Nam, nơi có nhiều hoa quả xuất khẩu cần nâng cao công tác tuyên truyền, thông tin cho các doanh nghiệp về tình hình ùn tắc này để chủ hàng có kế hoạch, lộ trình đưa sản phẩm đi tiêu thụ tại địa bàn.

Về lâu dài, các địa phương cần có hướng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, không tập trung ồ ạt trồng một cây, nhằm hạn chế rủi ro trong sản xuất kinh doanh./.

Mạnh Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục