Lại xuất hiện vòng xoáy bất ổn mới trên chính trường Israel

Việc quốc hội Israel phải giải tán sau khi không thông qua được ngân sách quốc gia năm 2020-2021 trước thời hạn cuối cùng vào rạng ngày 23/12 đã đẩy Israel vào vòng xoáy bất ổn mới.
Lại xuất hiện vòng xoáy bất ổn mới trên chính trường Israel ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Israel tại Jerusalem. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính trường Israel đang rối ren trong bối cảnh nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc lần thứ ba nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Việc quốc hội nước này phải giải tán sau khi không thông qua được ngân sách quốc gia năm 2020-2021 trước thời hạn cuối cùng vào rạng ngày 23/12, đã đẩy Israel vào vòng xoáy bất ổn mới với cuộc bầu cử lần thứ tư liên tiếp trong vòng 2 năm qua.

Diễn biến này trên thực tế đã được dự báo từ lâu do mâu thuẫn vẫn thường xuyên bộc phát trong nội bộ liên minh cầm quyền ở Israel.

[Israel giải tán Quốc hội sau những vướng mắc về ngân sách]

Theo thỏa thuận thành lập chính phủ chia sẻ quyền lực được đảng Likud do Thủ tướng Benjamin Netanyahu dẫn đầu và đảng Xanh-Trắng của ông Benny Gantz ký tháng 4/2020, ông Gantz đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng và sẽ tiếp quản ghế thủ tướng từ ông Netanyahu trong nửa cuối nhiệm kỳ của chính phủ thứ 35 tại Israel.

Tuy nhiên, các nhà phân tích đều nhìn nhận khả năng thực hiện thỏa thuận là rất thấp.

Thực tế đã chứng minh rõ điều này, khi Thủ tướng Netanyahu thường xuyên sử dụng vấn đề ngân sách quốc gia và việc bổ nhiệm một số chức vụ quan trọng trong ngành tư pháp, y tế, tài chính... để chi phối hoạt động của chính phủ liên minh.

Vấn đề ngân sách được xem là một lỗ hổng lớn trong thỏa thuận liên minh. Không ít lần ông Netanyahu đã bác bỏ yêu cầu của phe Xanh-Trắng trong việc thông qua ngân sách quốc gia và ông Gantz đã không thể gây sức ép đủ lớn do lo ngại bị đổ lỗi là nhân tố gây ra sự sụp đổ của liên minh.

Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực, nếu bên nào phá vỡ thì bên kia sẽ đảm nhiệm chức vụ thủ tướng cho đến hết nhiệm kỳ của chính phủ.

Ít ngày trước thời hạn cuối cùng, vấn đề ngân sách quốc gia một lần nữa nóng trở lại và ông Gantz không thể tìm được biện pháp thoát khỏi "thế khó" mà đảng Likud đặt ra.

Thủ tướng Netanyahu muốn thông qua dự thảo ngân sách thời hạn 1 năm, thay vì 2 năm như thông lệ với lập luận rằng điều này giúp chính phủ linh hoạt trong ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Trong khi đó, đảng Xanh-Trắng muốn một ngân sách 2 năm bởi cho rằng Israel và liên minh cầm quyền cần sự ổn định trong cả năm 2021, thời điểm ông Netanyahu chuyển giao cương vị thủ tướng cho ông Gantz.

Lại xuất hiện vòng xoáy bất ổn mới trên chính trường Israel ảnh 2 Lãnh đạo đảng Xanh-Trắng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz (trái, trên) phát biểu tại phiên họp Quốc hội ở Jerusalem ngày 17/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù hai bên đã thống nhất được một số nội dung, nhưng dự luật vẫn không thể được thông qua như dự kiến dù số phiếu chênh lệch rất nhỏ. Cả hai phía đều đổ lỗi cho nhau về kết quả này.

Giới phân tích nhận định nguyên nhân chính dẫn tới thất bại này chính là sự chia rẽ trong nội bộ của cả đảng Likud và đảng Xanh-Trắng.

Rạn nứt lớn nhất trong đảng Likud là đầu tháng 12/2020, nghị sỹ Gideon Sa'ar đã tuyên bố rời đảng và đứng ra thành lập một đảng mới có tên gọi "Hy vọng mới - Đoàn kết vì Israel."

Ông Sa'ar đã thành công khi kêu gọi một số nghị sỹ Likud rời bỏ hàng ngũ và gia nhập đảng Hy vọng mới.

Trong khi đó, một số nghị sỹ thuộc đảng Xanh-Trắng, như Asaf Zamir, Miki Haimovich Ram Shefa và Michal Cotler-Wunsh đã không tiếp tục ủng hộ Chủ tịch đảng Gantz và bỏ phiếu chống, vì cho rằng không thể tiếp tục tin tưởng lời hứa của Thủ tướng Netanyahu.

Một nguyên nhân khác là trở ngại từ phe đối lập, dẫn đầu là Chủ tịch đảng Yesh Atid, ông Yair Lapid hoàn toàn không muốn dự luật này được thông qua.

Đảng cánh hữu Yamina của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Naftali Bennet cũng mong muốn lật đổ ông Netanyahu.

Ngoài ra, còn một lý do nữa ảnh hưởng tới kết quả cuộc bỏ phiếu, là một số nghị sỹ thuộc đảng Likud trung thành với ông Netanyahu và các nghị sỹ Xanh-Trắng phải cách ly do bị mắc COVID-19 hoặc có tiếp xúc gần với bệnh nhân, nên không thể đến tham gia bỏ phiếu.

Với thực tế hiện nay, Israel sẽ phải tổ chức một cuộc bầu cử mới, theo luật sẽ diễn ra vào ngày 23/3/2021 - tức 90 ngày sau khi quốc hội giải tán. Đây sẽ là cuộc bầu cử lần thứ tư liên tiếp tại Israel chỉ trong thời gian 2 năm.

Đại dịch COVID-19, các phiên tòa xét xử Thủ tướng Netanyahu, các đối thủ tranh cử và ảnh hưởng từ chính quyền mới của Mỹ là những yếu tố có tác động lớn tới cuộc bầu cử sắp tới.

Israel khó có thể giải quyết dứt điểm dịch bệnh đang hoành hành trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Tỷ lệ lây nhiễm trong vài ngày gần đây có xu hướng gia tăng và chính phủ đã quyết định áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba từ ngày 27/12 trong ít nhất 2 tuần.

Trong khi đó, Bộ Y tế Israel đánh giá chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 phải tới ít nhất là tháng 4/2021 mới có hiệu quả rõ rệt.

Như vậy, một trong những yếu tố quan trọng mà ông Netanyahu muốn dựa vào để nâng cao hình ảnh với cử tri, chưa thể mang lại hiệu quả như mong đợi. Đó là lý do ông Netanyahu muốn lùi thời gian bầu cử đến tháng 5 hoặc 6.

Yếu tố thứ hai, tháng 2-3/2021 là giai đoạn cao trào trong đợt xét xử 3 vụ án liên quan đến Thủ tướng Netanyahu với các cáo buộc tham nhũng, gian lận và lạm dụng tín nhiệm.

Việc bị các đối thủ lợi dụng vấn đề trên để công kích sẽ hết sức bất lợi cho nhà lãnh đạo này trong chiến dịch vận động cử tri. Ông Netanyahu sẽ nỗ lực tối đa để giảm thiểu ảnh hưởng của các vụ xét xử, nhưng điều này không hề dễ dàng.

Bên cạnh đó, phe cánh hữu chiếm ưu thế áp đảo trong cuộc bầu cử tới, trong khi đảng Xanh-Trắng đi vào thoái trào. Một số thành viên đảng này thậm chí còn thông báo ý định rời khỏi đảng.

Tuy nhiên, nội bộ phe cánh hữu cũng đang tồn tại sự chia rẽ lớn. Hai ứng cử viên cho chức thủ tướng Israel trong thời gian tới là ông Naftali Bennet của đảng Yamina và ông Gideon Sa'ar của đảng Hy vọng mới đều có mâu thuẫn và là đối thủ cạnh tranh gay gắt với đương kim Thủ tướng Netanyahu.

Hơn nữa, hai nhân vật này đều là những chính trị gia có kinh nghiệm và không dễ bị ông Netanyahu chi phối như đối với Chủ tịch Xanh-Trắng Gantz.

Một yếu tố khác cũng hết sức quan trọng là ảnh hưởng từ chính quyền mới của Mỹ. Mặc dù hiện chưa thể biết khả năng can thiệp của Mỹ vào tiến trình thành lập một chính phủ mới tại Israel, nhưng không thể bỏ qua yếu tố này do tính chất quan hệ giữa Mỹ và Israel.

Tuy vậy, ông Netanyahu sẽ khó có thể nhận được sự trợ giúp mạnh mẽ như dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Yếu tố thuận lợi rõ rệt đối với uy tín của ông Netanyahu lúc này là thành tích ngoại giao nhờ các thỏa thuận và tuyên bố hòa bình gần đây giữa Israel với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc.

Theo kết quả thăm dò dư luận gần đây của các kênh truyền hình KAN và 12, đảng Likud có khả năng giành được 28-29 ghế trong cuộc bầu cử sắp tới.

Trong khi đó, đảng Hy vọng mới được 18-20 ghế; đảng Yamina được 13-15 ghế; liên đảng Yesh Atid-Telem được 13-16 ghế. Đảng Xanh-Trắng chỉ giành được 5-6 ghế và có nguy cơ phải giải tán do không còn nhận được sự ủng hộ của đông đảo chính trị gia.

Mặc dù vẫn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận, nhưng đảng Likud được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác để thành lập liên minh cầm quyền.

Khả năng liên minh với đảng Hy vọng mới là rất thấp do Chủ tịch đảng này Gideon Sa'ar trước đó rời khỏi Likud và tuyên bố sẽ không hợp tác với một đảng Likud dưới quyền của ông Netanyahu.

Việc mời đảng Yamina của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Naftali Bennet cũng không hề dễ dàng do mâu thuẫn từ trước. Hơn nữa, cho dù đảng Yamina có đồng ý hợp tác với Likud, Shas và UTJ (United Torah Judaism) thì liên minh cánh hữu này cũng chỉ được khoảng 58 ghế, chưa đủ 61 ghế tối thiểu để có thể thành lập chính phủ mới.

Ngoài ra, các đảng phái cũng lo ngại khả năng ông Netanyahu phá vỡ thỏa thuận, tương tự như từng làm với đảng Xanh-Trắng. Điều này càng thêm khó khăn cho ông Netanyahu.

Trong khi đó, một liên minh tiềm tàng với hai thành phần chính là Hy vọng mới và Yamina cũng chưa hội đủ số ghế cần thiết.

Mặc dù trên lý thuyết thì liên minh này có thể kêu gọi sự tham gia của các đảng nhỏ Arab, nhưng lịch sử và thực tế chính trường Israel cho thấy điều đó không có khả năng xảy ra.

Nguyên nhân là người Do Thái chiếm đa số áp đảo tại Israel và việc liên minh với phe Arab sẽ bị coi là "một sự phản bội."

Từ nay đến thời điểm tổ chức bầu cử còn 3 tháng nữa và sẽ có những thay đổi trong chính trường Israel. Thủ tướng Netanyahu sẽ nỗ lực vận động để giành được số phiếu lớn nhất, từ đó nắm thế chủ động trong đàm phán thành lập liên minh cầm quyền.

Trong trường hợp rơi vào thế bất lợi, không loại trừ khả năng ông Netanyahu sẽ cản trở việc thành lập một chính phủ mới trong thời gian quy định, dẫn tới một cuộc bầu cử tiếp theo. Điều này đã từng xảy ra trong vài cuộc bầu cử gần đây tại Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục