Làm dịu căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan

Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục "nóng" lên xung quanh những cáo buộc của New Delhi đối với trách nhiệm của Islamabad trong loạt vụ tấn công khủng bố ở Mumbai hồi tuần trước. Trong nỗ lực nhằm làm dịu căng thẳng giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á này, Ngoại trưởng Mỹ và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ ngày 3/12 đã đến khu vực để hội đàm với lãnh đạo hai nước.

Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục "nóng" lên xung quanh những cáo buộc của New Delhi đối với trách nhiệm của Islamabad  trong loạt vụ tấn công khủng bố ở Mumbai hồi tuần trước. Trong nỗ lực nhằm làm dịu căng thẳng giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á này, Ngoại trưởng Mỹ và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ ngày 3/12 đã đến khu vực để hội đàm với lãnh đạo hai nước.
 
Theo thông báo của Nhà Trắng trước đó, nhiệm vụ chính của Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice tới Ấn Độ lần này là nhằm "khẳng định thêm sự đoàn kết của Washington với New Delhi" sau các vụ khủng bố đẫm máu ở Mumbai. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng trọng tâm của chuyến đi này sẽ tập trung vào các nỗ lực làm giảm căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đang ngày một leo thang và có nguy cơ làm thất bại cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ tại khu vực.
 
Cũng mang sứ mạng giống bà Rice, Đô đốc Hải quân Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, cũng tới Nam Á để gặp các nhà lãnh đạo dân sự và quân sự của cả Ấn Độ và Pakistan. Mục đích chuyến đi này là nhằm thuyết phục hai nước có sự tiếp cận mang tích hợp tác trước những quan ngại về an ninh khu vực. Ông Mullen cũng mang tới thông điệp của Washington, yêu cầu Pakistan phải hợp tác hoàn toàn với Ấn Độ trong điều tra vụ khủng bố Mumbai.
 
Trong khi đó tại Washington, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Shivshankar Menon tiếp tục các cuộc gặp với giới chức Mỹ để bàn biện pháp hợp tác trong việc điều tra và xử lý thủ phạm gây ra vụ khủng bố Mumbai.
 
Trong một động thái được cho là nằm trong nỗ lực làm dịu căng thẳng, ngày 2/12, Pakistan đã đề nghị giúp Ấn Độ điều tra về các vụ tấn công ở Mumbai. Sau cuộc họp của đại diện tất cả chính đảng ở Pakistan bàn về quan hệ với Ấn Độ, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi tuyên bố "Islamabad  không muốn làm bất cứ điều gì khiến tình trạng đối đầu gia tăng, và muốn giải toả tình hình hiện nay”. Bộ trưởng Thông tin Pakistan Sherry Rehman cũng cho biết chính phủ nước này sẽ có phản hồi yêu cầu của Ấn Độ trong việc giao nộp 20 đối tượng tình nghi trong vụ Mubai mà New Delhi cho rằng đang lẩn trốn ở Pakistan.
 
Lo ngại căng thẳng gia tăng, Mỹ đang theo dõi sát những diễn biến trong quan hệ hai nước. Một quan chức quân đội Mỹ giấu tên ngày 2/12 cho biết cả Ấn Độ và Pakistan đều không có sự thay đổi về hiện trạng hạt nhân. Theo quan chức này, Pakistan mới điều một số máy bay và đơn vị phòng không đến khu vực biên giới với Ấn Độ, song bộ binh và lực lượng hạt nhân "không hề có động tĩnh gì”; Ấn Độ cũng "đã thể hiện sự kiềm chế lớn về quân sự” và “thực sự không có thay đổi nào" trong bố trí lực lượng hạt nhân.
 
Trong khi cuộc điều tra các vụ tấn công ở Mubaiđang được tiến hành, truyền thông Mỹ trích lời một quan chức giấu tên cho biết từ tháng 9, Ấn Độ đã nhận được tin tình báo rằng những tên khủng bố có căn cứ ở Pakistan đang âm mưu tấn công Mumbai. Tại cuộc họp báo ngày 2/12, Cảnh sát trưởng Mumbai, ông Hassan Gafoor, cũng thừa nhận "đã nhận được cảnh báo cho thấy các khách sạn như Taj Mahal có thể là đối tượng nguy hiểm".
 
Cơ quan an ninh Ấn Độ đã xác định thủ phạm của loạt vụ tấn công trên là Lashkar-e-Taiba, nhóm vũ trang có cơ sở tại Pakistan và hoạt động chống chính quyền Ấn Độ ở Kashmir. Cảnh sát trưởng Ga-pho còn cho biết các tay súng trên được các cựu sĩ quan quân đội Pakistan huấn luyện. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Mike McConnell ngày 2/12 cũng ám chỉ Lashkar-e-Taiba đã gây ra các vụ tấn công ở Mumbai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục