Lạm phát - “chú kỳ đà” cản đường tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Năm 2022, đà phục hồi kinh tế toàn cầu lại xuất hiện dấu hiệu chậm lại, nguyên nhân do sức ép lạm phát tăng lên rõ nét, buộc các nước chủ chốt phải áp dụng chính sách thắt chặt để kiềm chế lạm phát.
Lạm phát - “chú kỳ đà” cản đường tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảnh 1Cảng container ở Hamburg của Đức. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Theo Tri thức thế giới số tháng 5/2022, đại dịch COVID-19 đang khiến kinh tế toàn cầu lao đao.

Đầu tiên, năm 2020, kinh tế rơi vào suy thoái tồi tệ nhất kể từ những năm 1930 đến nay. Tiếp đó, năm 2021 kinh tế ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ nhất kể từ suy thoái sau chiến tranh.

Tuy nhiên, bước vào năm 2022, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu lại xuất hiện dấu hiệu chậm lại, nguyên nhân chủ yếu là sức ép lạm phát tăng lên rõ nét, buộc các nước chủ chốt phải áp dụng chính sách thắt chặt để kiềm chế lạm phát, gây ra tác động nghiêm trọng đối với tiến trình phục hồi.

Vấn đề cần lưu tâm là trong thời gian tới, đà lạm phát vẫn chưa thể được kiềm chế một cách hiệu quả và kinh tế trì trệ sẽ trở thành xu hướng dài hạn, khiến kinh tế toàn cầu một lần nữa rơi vào tình trạng “lạm phát đình trệ” (hiện tượng mà tăng trưởng kinh tế và sức chi tiêu của người tiêu dùng chững lại, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lên cao) của nửa thế kỷ nước.

Đà phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại

Chịu cú sốc mạnh của đại dịch, năm 2020, kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Theo số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng âm 3,1% trong năm 2020, trong đó các nền kinh tế phát triển ghi nhận tăng trưởng âm 4,5%, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng trưởng âm 2,1%.

[IMF có thể hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào tháng tới]

Bước sang năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh có xu hướng giảm nhẹ, các hoạt động kinh tế hồi phục, đặc biệt chính sách kích thích mạnh mẽ được các nước áp dụng đang từng bước phát huy hiệu quả, kinh tế toàn cầu hình thành xu hướng phục hồi mạnh mẽ mang tính “bù đắp,” với tốc độ tăng trưởng vọt lên 5,9%, trong đó các nền kinh tế phát triển tăng trưởng 5%, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tăng trưởng 6,5%.

Tuy nhiên đến năm 2022, đà phục hồi kinh tế toàn cầu xuất hiện dấu hiệu chậm lại, các tổ chức quốc tế lần lượt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 được IMF công bố vào tháng 1/2022 hạ 0,5 điểm phần trăm so với tháng 10/2021, xuống còn 4,4%, thấp hơn 1,5 điểm phần trăm so với năm 2021.

Dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại đáng kể, từ 5,5% trong năm 2021 xuống còn 4,1% trong năm 2022 và tiếp tục giảm xuống còn 3,2% trong năm 2023.

Áp lực lạm phát tăng mạnh

Có nhiều nguyên nhân khiến đà phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại. Tuy nhiên, áp lực lạm phát tăng mạnh là nhân tố được quan tâm nhiều nhất. Do tác động cộng hưởng của các nhân tố như dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy nghiêm trọng dẫn đến “rối loạn nguồn cung,” chính sách kích thích với quy mô chưa từng có khiến dòng tiền tăng mạnh đột ngột, cung cầu mất cân bằng nghiêm trọng dẫn đến giá năng lượng và hàng hóa chiến lược leo thang, cũng như tỷ lệ tham gia lao động sụt giảm khiến chi phí nhân công gia tăng…, sức ép lạm phát tại nhiều nước và khu vực tăng mạnh, giá hàng hóa liên tục thiết lập các mức cao mới.

Theo báo cáo do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố gần đây, tỷ lệ lạm phát bình quân của 38 nước thành viên OECD trong năm 2021 là 4,1%, cao gấp 3 lần giai đoạn năm 2020 và là mức cao nhất trong vòng gần 20 năm trở lại đây. Riêng tháng 12/2021, con số này tăng mạnh lên 6,6%, mức cao nhất trong 30 năm.

Trong đó, giá năng lượng trong năm 2021 đã tăng 15,4%, cao nhất trong vòng gần 40 năm qua. Mỹ, nước có ảnh hưởng lớn nhất đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu đang đặc biệt lo ngại về tình hình lạm phát. Số liệu mới nhất của Bộ Lao động nước này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2021 đã tăng 7% so với cùng kỳ, ghi nhận mức cao nhất trong 40 năm, trong khi con số này của năm 2020 chỉ là 1,2%.

Lạm phát - “chú kỳ đà” cản đường tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảnh 2 Nhân viên giao dịch ngoại hối kiểm đồng euro tại London của Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), lạm phát tháng 1/2022 tăng mạnh lên 5,1%, mức cao nhất từ năm 1997. Trong khi đó, sức ép lạm phát tại một số nền kinh tế mới nổi lại lớn hơn, chẳng hạn chỉ số giá tiêu dùng của Nga và Brazil hiện đã áp sát hoặc vượt mức hai con số.

Kiềm chế lạm phát tác động tiêu cực đến đà phục hồi kinh tế

Để kiềm chế lạm phát ngày càng nghiêm trọng, các nước chủ chốt buộc phải thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, xu hướng chính sách của Mỹ có ảnh hưởng lớn nhất. Tháng 11/2021, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu thu hẹp quy mô mua trái phiếu, đồng thời tăng dần cường độ cắt giảm và dự kiến chấm dứt hoàn toàn vào giữa năm 2022.

Động thái này được cho là dấu hiệu chính sách kiểm soát vĩ mô của Mỹ đã chuyển từ nới lỏng sang thắt chặt, ngoài ra Fed còn được cho là sẽ khởi động tiến trình tăng lãi suất vào thời điểm thích hợp trong năm 2022. Gần đây, Tổng thống Joe Biden công khai ủng hộ Fed thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng phải chuyển hướng sang chính sách thắt chặt, không những thu hẹp quy mô mua trái phiếu, mà còn có kế hoạch tăng lãi suất vào quý 4/2022. Kiềm chế lạm phát là điều bắt buộc và xu hướng thắt chặt chính sách là không thể tránh khỏi, vấn đề là đà phục hồi kinh tế hiện nay phụ thuộc rất lớn vào trụ đỡ của các chính sách kích thích, việc thắt chặt chính sách chắc chắn sẽ gây nên tác động nghiêm trọng đối với tiến trình phục hồi vẫn đang hết sức mong manh.

Vấn đề nghiêm trọng hơn là nỗ lực kiềm chế lạm phát của các nước phát triển, nhất là Mỹ có thể mang lại hậu quả tiêu cực cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tình trạng dòng vốn tháo chạy, khủng hoảng nợ, tỷ giá biến động, thị trường biến động gây nên từ đó sẽ giáng một đòn nặng nề vào đà phục hồi kinh tế mong manh của các nước này.

Cảnh giác với “lạm phát đình trệ”

Nửa sau thập niên 1970, toàn cầu, đặc biệt là thế giới phương Tây từng rơi vào tình cảnh khó khăn kinh tế đình trệ và lạm phát kéo dài cùng tồn tại (lạm phát đình trệ). Cuộc khủng hoảng dầu mỏ cuối năm 1973 do cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 4 gây nên được coi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “lạm phát đình trệ.” Hiện nay giá năng lượng tăng mạnh cũng là nhân tố chủ yếu thúc đẩy lạm phát leo thang.

Điều cần phải cảnh giác cao độ là nếu những nỗ lực kiềm chế lạm phát không mang lại hiệu quả, tác động đối với đà phục hồi kinh tế sẽ ngày càng rõ nét, thế giới có thể sẽ một lần nữa rơi vào tình cảnh khó khăn “lạm phát đình trệ” như nửa thế kỷ trước. Một thực tế quan trọng không tránh khỏi là cho dù lạm phát hay kinh tế đình trệ cũng đều trực tiếp liên quan đến rối loạn nguồn cung.

Đại dịch khiến các khâu hậu cần logistics và đi lại gián đoạn chỉ là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây nên đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu, ngoài ra còn có các nhân tố lâu dài như rắc rối địa chính trị, chuyển đổi mô hình năng lượng, thay đổi công nghệ sản xuất… Điều này đồng nghĩa với tác động kép gây nên từ “rối loạn nguồn cung” bao gồm đẩy cao lạm phát và làm trầm trọng thêm tình trạng trì trệ kinh tế rất có thể sẽ trở thành xu hướng dài hạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục