Lần đầu tổ chức Ngày Quốc tế Lạc đà ở Việt Nam và kỷ niệm Năm Lạc đà 2024

Đại biện Đại sứ quán Saudi Arabia Hamoud Naif S. Almutairi cho biết trong suốt chiều dài của lịch sử, lạc đà là loài vật thân thương, có dấu ấn sâu đậm trong đời sống cư dân Bán đảo Arab.

Đại biện Đại sứ quán Saudi Arabia Hamoud Naif S. Almutairi phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: TTXVN phát)
Đại biện Đại sứ quán Saudi Arabia Hamoud Naif S. Almutairi phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 14/6, Đại sứ quán Saudi Arabia phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức sự kiện Ngày Quốc tế Lạc đà (22/6) và kỷ niệm Năm Lạc đà 2024.

Lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam, sự kiện nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế của lạc đà cũng như giúp người dân Việt Nam hiểu rõ hơn vai trò, giá trị và ý nghĩa của lạc đà trong đời sống cư dân Arab, đặc biệt là những nỗ lực của Vương quốc Saudi Arabia trong việc bảo tồn và quảng bá di sản lạc đà để gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.

Tại sự kiện, Đại biện Đại sứ quán Saudi Arabia Hamoud Naif S. Almutairi cho biết trong suốt chiều dài của lịch sử, kể từ khi hình thành nền văn hóa Arab đến nay, lạc đà là loài vật thân thương, có dấu ấn sâu đậm trong đời sống cư dân Bán đảo Arab.

Lạc đà được ví như “con tàu sa mạc." Nhờ có lạc đà mà người Arab khi xưa mới có thể định cư và di chuyển trên sa mạc. Lạc đà được nhắc đến trong kinh Qur’an và chiếm một vị trí cực kỳ quan trọng trong tâm trí của người dân Arab.

Năm 2000, dưới sự bảo trợ của Hoàng tử Saudi Arabia Mishaal bin Abdulaziz Al Saud, ý tưởng về việc tổ chức Lễ hội Lạc đà, có giải thưởng mang tên Quốc vương Abdulaziz được đưa ra.

Theo ý tưởng này, lễ hội được tổ chức hằng năm tại khu vực Umm Ruqaybah gần khu Al Artawiyah, Saudi Arabia với với rất nhiều sự kiện đi kèm cùng sự tham gia đông đảo thương nhân, chủ sở hữu và tất cả những người quan tâm đến lạc đà.

Lễ hội được tổ chức nhằm củng cố và phát huy các giá trị di sản gắn với hình ảnh con lạc đà trong văn hóa Saudi Arabia nói riêng cũng như trong văn hóa Arab và Hồi giáo nói chung, đồng thời đem đến một hệ thống kinh tế tích hợp cho việc đấu giá và các ngành công nghiệp liên quan đến lạc đà, gia tăng lợi ích cho xã hội và những người quan tâm đến di sản đậm đà bản sắc Arab này.

ttxvn_van hoa arab 3.jpg
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Lê Kim Anh phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: TTXVN phát)

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Lê Kim Anh cho rằng sự kiện này chính là cơ hội quý để giảng viên, sinh viên và những người yêu mến văn hóa Arab được tìm hiểu thêm về biểu tượng lạc đà của thế giới Arab và vai trò của lạc đà trong đời sống của người dân Arab.

Lạc đà một bướu sống ở các vùng của Bán đảo Arab và sau đó sinh sôi và phát triển đến các sa mạc ở Bắc Phi và Trung Đông. Chúng được đưa đến bờ biển của Bán đảo Arab, rồi từ đó đến Ai Cập và qua Biển Đỏ đến Sudan. Quá trình này được cho là diễn ra trong khoảng thời gian từ 2500-1550 trước Công nguyên.

Ngoài ra, lạc đà cũng sống ở một số khu vực ở Cận Đông và Trung Tây Á. Lạc đà Arab có chân dài, trọng lượng nhẹ, ít lông, nhiều màu sắc và da có độ đàn hồi. Do đó, khi gặp thời tiết khắc nghiệt, phải tiêu hao mỡ ở bướu, bướu của lạc đà Arab chỉ bị thu nhỏ lại mà không bị chảy xệ.

Lạc đà, với nhiều loại đa dạng, đã đóng một vai trò then chốt trong sự phát triển của xã hội loài người, đặc biệt là ở các vùng khô cằn và bán khô cằn kể từ khi được thuần hóa khoảng 3.000 đến 4.000 năm trước.

Lạc đà không chỉ được sử dụng làm phương tiện di chuyển mà còn là nguồn cung cấp thực phẩm và nguyên liệu quan trọng.

Lạc đà được biết đến với khả năng chịu đựng trong điều kiện khó khăn và khắc nghiệt như hạn hán và khô cằn, điều này khiến chúng trở thành nguồn sinh kế đáng tin cậy và bền vững.

ttxvn_van hoa arab.jpg
Các sinh viên tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa Arab. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngoài ra, các sản phẩm từ lạc đà là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính để đảm bảo an ninh lương thực. Người dân ở Bán đảo Arab sử dụng sữa, lông, da và thịt lạc đà, từ đó nảy sinh mối quan hệ tương hỗ giữa con người và lạc đà trên sa mạc rộng lớn, con người chăm sóc lạc đà, đổi lại lạc đà giúp con người sinh sống và di chuyển trong môi trường tự nhiên khắc nghiệt. Lạc đà là nguồn cung cấp protein quan trọng cho người dân ở nhiều vùng khô hạn và bán khô hạn.

Tại sự kiện, các khách mời và các sinh viên đã được trải nghiệm không gian văn hóa Arab thông qua các góc chà là, càphê, khung cảnh lạc đà sa mạc, góc nghệ thuật tô tượng lạc đà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục