Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Mãi là không gian thiêng liêng của dân tộc

45 năm qua, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài của Bác, phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng.
Lễ thượng cờ, chào cờ sáng 19/5/2019. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Lễ thượng cờ, chào cờ sáng 19/5/2019. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đây cũng là hình ảnh thiêng liêng, biểu tượng đặc sắc, có giá trị thiết thực đối với việc giáo dục đạo đức, lối sống cho mỗi người dân Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng không chỉ là trách nhiệm, tình cảm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, mà còn thể hiện sự trung thành, kiên định với con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Trách nhiệm cao cả nhưng rất vẻ vang đó được Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tin tưởng giao cho Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

45 năm kể từ ngày thành lập (14/8/1976-14/8/2021), cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, chiến sỹ, người lao động trong Ban Quản lý Lăng đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt này.

Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Bộ Chính trị đã quyết định thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng lăng mộ của Người để các thế hệ người Việt Nam, bạn bè quốc tế đến chiêm ngưỡng và viếng Bác.

Nhiệm vụ này ngay từ đầu đã được giao cho quân đội, trực tiếp là Đoàn 69 (đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) đảm nhiệm.

Ngày 2/9/1973, Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng tại Quảng trường Ba Đình lịch sử.

Sau 2 năm khẩn trương xây dựng, ngày 29/8/1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công trình Lăng của Người, Quảng trường Ba Đình và các công trình có liên quan được giao cho một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội đảm nhiệm.

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành thống nhất của Chính phủ đối với các lực lượng làm nhiệm vụ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình, ngày 11/7/1976, Bộ Chính trị ra Thông báo số 14-TB/TU về tổ chức bảo đảm nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, quản lý Lăng và Quảng trường Ba Đình.

Bộ Chính trị cũng ra Quyết nghị về việc thành lập Ban Phụ trách Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình.

Quyết nghị nêu rõ, Ban Phụ trách Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, chỉ định một đồng chí cấp tướng làm Trưởng ban, chuyên trách công tác này, không kiêm nhiệm việc khác.

Thực hiện Quyết nghị của Bộ Chính trị, ngày 14/8/1976, Hội đồng Chính phủ đã ra Quyết định số 145/CP thành lập Ban Phụ trách Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình.

Ngày 11/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1589/QĐ-TTg, lấy ngày 14 tháng 8 hằng năm là “Ngày truyền thống của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.”

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới, ngày 2/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã bàn hành Nghị định số 18/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý, bảo đảm an ninh, nghi lễ, tổ chức các hoạt động tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu đón tiếp nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội (Khu Di tích K9) và các công trình, kiến trúc có liên quan; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có Văn phòng; hai đơn vị sự nghiệp công lập (là Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình; Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường).

Hai đơn vị chuyên trách phối thuộc gồm Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực thuộc Bộ Quốc phòng; Trung đoàn 375 trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an.

Vươn lên làm chủ khoa học công nghệ

Trải qua 45 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên, chiến sỹ, người lao động của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thiếu tướng, Tiến sỹ Bùi Hải Sơn, Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thành công lớn nhất và xuyên suốt là, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đơn vị cũng giữ gìn thi hài Bác ở trạng thái tốt nhất; phát huy ý thức độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, không ngừng học tập, nghiên cứu, từng bước vươn lên làm chủ khoa học công nghệ.

Trước đây, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, cơ sở vật chất thiếu thốn, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 69, đơn vị tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, cùng với chuyên gia Liên Xô hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Sau này, trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế, đơn vị một mặt làm việc trực tiếp với Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga, đồng thời tăng cường hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội phục vụ trực tiếp cho yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Thời gian này, khi không còn chuyên gia thường xuyên, đơn vị đã khắc phục khó khăn vươn lên làm chủ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.

Trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đơn vị đã tích cực chuẩn bị đầy đủ các vật tư, hóa chất, trang bị kỹ thuật, cũng như lực lượng cán bộ, nhân viên y tế cho nhiệm vụ này.

Đặc biệt, từ năm 2004 đến nay, Viện 69 và các chuyên gia Nga đã 18 lần pha chế thành công dung dịch tại Việt Nam đưa vào làm thuốc thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt kết quả tốt.

Thông qua quá trình pha chế dung dịch đặc biệt, ta đã chủ động được toàn bộ quy trình pha chế, từ khâu chuẩn bị, tiến hành, phân tích, đánh giá chất lượng dung dịch, đồng thời các cán bộ, nhân viên y tế của Viện 69 cũng hiểu rõ hơn về mục đích và những yêu cầu cơ bản trong điều chỉnh, sử dụng dung dịch để giữ gìn lâu dài thi hài.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Mãi là không gian thiêng liêng của dân tộc ảnh 1Người dân viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Năm 2019, Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước về bảo quản, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Khoa học Y tế cấp Nhà nước kiểm tra đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm đang được giữ gìn rất tốt, chưa phát hiện được sự thay đổi nào so với các số liệu trong biên bản kiểm tra thi hài của các Hội đồng trước đây (năm 1970, 2009).”

“Đây là kết quả của ý chí, là nghị lực vượt lên khó khăn thử thách, tạo nên sự chuyển biến có tính quyết định, chuẩn bị các yếu tố tiền đề khẳng định khả năng vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài thi hài Bác,” Thiếu tướng Bùi Hải Sơn khẳng định.

Nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường

Bên cạnh nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác, công tác kỹ thuật và quản lý kiến trúc công trình luôn được đơn vị tổ chức thực hiện tốt.

Đơn vị đã khắc phục mọi khó khăn, chủ động sáng tạo; một mặt quản lý, khai thác có hiệu quả hệ thống thiết bị kỹ thuật với phương châm "giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm," mặt khác, tranh thủ khả năng chuyên môn của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài quân đội; từng bước thay thế, nâng cấp đổi mới hệ thống thiết bị kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.

Nhận thức Lăng Bác, Quảng trường Ba Đình là trung tâm chính trị của cả nước, nơi nhạy cảm về chính trị, là nơi các thế lực thù địch tập trung phá hoại, những năm qua, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng, bổ sung hoàn thiện phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh sẵn sàng chiến đấu và tổ chức luyện tập theo các tình huống dự kiến.

[Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nơi hội tụ tình cảm, niềm tin]

Đơn vị phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, Công an quận Ba Đình, Công an thành phố Hà Nội, với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, các cơ quan, đơn vị trong khu vực bảo đảm tuyệt đối an toàn lễ viếng Bác, Đại hội Đảng, các kỳ họp Quốc hội, các ngày lễ lớn, lễ míttinh, diễu binh, diễu hành quần chúng diễn ra trên Quảng trường Ba Đình; đồng thời thực hiện trang trọng các nghi thức, nghi lễ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.

Ngoài ra, công tác tổ chức đón tiếp, tuyên truyền được đầu tư cải tiến, đổi mới về nội dung và hình thức, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và khách quốc tế đến viếng Bác.

Từ ngày mở cửa Lăng (29/8/1975) đến ngày 27/7/2021, đơn vị đã đón tiếp, phục vụ chu đáo, an toàn gần 60 triệu lượt đồng bào và khách quốc tế; trong đó có hơn 10 triệu lượt khách của hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế; hơn 1.000 đoàn người có công với cách mạng...

Các cán bộ, nhân viên của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn ân cần, niềm nở và nỗ lực bảo đảm lễ viếng diễn ra trang trọng, tôn nghiêm.

Chị Hoàng Thị Xuân, nhân viên Ban Đón tiếp cho biết: “Được gần Bác, phục vụ khách đến viếng Bác mỗi ngày là một vinh dự tuyệt vời không phải ai cũng có được. Tất cả xuất phát từ niềm kính yêu đối với Bác, mỗi cán bộ, chiến sỹ được làm việc, công tác tại đơn vị đều nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.”

7 năm là hướng dẫn viên chính tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, huyện Ba Vì, Hà Nội (K9) và từ khi được điều động về Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2017) đến nay, chị Xuân không nhớ đã bao lần chứng kiến những hình ảnh xúc động.

“Các đoàn đại biểu có công với cách mạng được gặp Bác, viếng Bác ai nấy đều rưng rưng. Nhiều cụ tuổi đã cao nhưng chỉ mong mỏi được một lần ra Hà Nội để thăm Bác. Nhiều cháu bé rất nhỏ, thậm chí chưa nói sõi nhưng vẫn chăm chú nghe thuyết minh hay xem phim tư liệu về Bác Hồ. Các đoàn khách quốc tế, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới đều dành những tình cảm rất đặc biệt cho Người... Tất cả những kỷ niệm đó khiến tôi càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình, thôi thúc tôi cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với đất nước, Tổ quốc,” chị Hoàng Thị Xuân chia sẻ.

Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt, trong thời gian tới, lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo, nắm vững thời cơ vươn lên làm chủ vững chắc nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới.

Trọng tâm là thực hiện các nội dung, định hướng lớn về nhiệm vụ y tế; kỹ thuật, kiến trúc Công trình Lăng; bảo đảm an ninh, nghi lễ; đón tiếp, tuyên truyền; bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ y tế, kỹ thuật có kiến thức hiểu biết toàn diện, trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, năng lực thực hành vững vàng, đủ sức kế thừa, tiếp nhận và làm chủ vững chắc nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới…

Thiếu tướng Bùi Hải Sơn, Quyền Trưởng Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhấn mạnh phát huy những thành tích đã đạt được, bước vào giai đoạn mới của cách mạng, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ, người lao động trong Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó, để Lăng Bác mãi là không gian thiêng liêng với những giá trị lịch sử, chính trị và văn hóa, góp phần bồi đắp, hun đúc lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho mọi người Việt Nam hôm nay và mai sau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục