Lắng nghe tâm sự của người xây đắp nhịp cầu đoàn viên

Với nhiều người, khoảnh khắc thiêng liêng và được trân trọng nhất mỗi dịp Tết đến Xuân về là những giây phút được đoàn viên, sum họp bên mái ấm gia đình cùng những người thân yêu.
Lắng nghe tâm sự của người xây đắp nhịp cầu đoàn viên ảnh 1Tạo ra những khoảnh khắc đoàn viên trên ảnh cho nhiều gia đình luôn là điều mà anh Lê Quyết Thắng trăn trở (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Trong văn hóa của người Việt, Tết Nguyên đán không chỉ đơn thuần là nét đẹp truyền thống của dân tộc, mà đó còn là thời khắc thiêng liêng để mỗi người hướng về nguồn cội, để trân trọng từng khoảnh khắc đoàn viên, sum họp bên mái ấm gia đình.

Thế nhưng, có nhiều gia đình, vì nhiều lý do mà không thể đoàn viên một cách trọn vẹn. Đây cũng là trăn trở của anh Lê Quyết Thắng khi bắt tay vào một công việc mà ít ai ngờ tới…

Sứ mệnh kết nối những mảnh ghép

Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan mà đôi khi một cái Tết trọn vẹn lại trở nên “xa xôi” với rất nhiều người. Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội với những công nghệ tân tiến là tiền đề để con người làm nên những điều kỳ diệu, chẳng hạn như việc đoàn tụ với những người thân qua ảnh có thể được xem là sự bù đắp tâm hồn với những ai không may mắn phải xa gia đình.

Bằng sự trăn trở của một người con đã chứng kiến những giọt nước mắt của mẹ, khi cầm trên tay tấm ảnh “đoàn tụ” cùng cha sau hơn 30 năm cha đi mãi theo chuyến “Tàu Không số” huyền thoại, anh Lê Quyết Thắng (sinh năm 1991), hiện đang sinh sống tại Hà Nội, đã quyết định vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm của bản thân để tạo ra những tấm ảnh kỷ niệm cho những gia đình không còn cơ hội đoàn tụ.

Lắng nghe tâm sự của người xây đắp nhịp cầu đoàn viên ảnh 2Trong quá trình thực hiện công việc, anh Thắng luôn tâm niệm hãy làm bằng cả trái tim để tạo ra những tấm ảnh chân thực nhất (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Với lợi thế của công việc chính là chỉnh sửa ảnh trong các dự án bất động sản, anh Thắng tạo một kênh TikTok để qua đó, dùng quỹ thời gian ít ỏi còn lại trong ngày thực hiện việc ghép hình ảnh của những người đã khuất cho các gia đình theo yêu cầu. Với “đề bài nhạy cảm” như vậy, không thể tránh được những khó khăn và cả sự nghi kỵ của những người chưa hiểu ý nghĩa của công việc mà anh đang làm. Qua hơn 200 tác phẩm đã hoàn thiện, anh đánh giá công đoạn khó khăn nhất là phải tính toán, hình dung được độ tuổi của những người đã khuất, sao cho phù hợp với diện mạo trong thời gian hiện tại. Anh tâm sự, có những tấm ảnh được gửi để phục chế khi người cha mới ở độ tuổi mới đôi mươi mà người vợ đến nay đã ngoài 80 tuổi thì bên cạnh những tư vấn và góp ý của các gia đình, anh cũng phải vận dụng tư duy và đặt vào đó tất cả tình cảm của mình như nghĩ về người thân để ra được thành phẩm có hồn và chân thực nhất.

Trong khoảng thời gian 3 tháng lựa chọn theo đuổi công việc này, không phải lúc nào anh Thắng cũng nhận được sự ủng hộ của người thân. Đặc thù công việc là chỉnh sửa bức ảnh của những người đã khuất mà anh lại thường làm về đêm, khiến cảm giác không yên tâm luôn thường trực trong tâm trí gia đình anh. Nhưng với tâm thế là một người con đã chứng kiến niềm hạnh phúc khi chính gia đình mình được đoàn tụ trong những bức ảnh nên anh đã quyết tâm thực hiện công việc “có một không hai” này, với quan điểm: “Hãy làm với tất cả đam mê, hoặc đừng làm gì”.

Để hai tiếng “đoàn viên” mang trọn vẹn ý nghĩa

Bao năm vất vả ngược xuôi ở chốn đô thị, anh Thắng cũng như bao người con xa quê khác hiểu rằng vật chất cũng không thể bù đắp được nỗi day dứt khi mỗi lần trở về quê hương, không còn nữa những tiếng gọi quen thuộc của cha mỗi chiều rong chơi, hay hơi ấm từ đôi bàn tay của mẹ trong mỗi lần chải tóc; từng đồng quà tấm bánh chất chứa đầy tình thương của ông bà dành cho con cháu đôi khi chỉ còn là những kỷ niệm… Nhưng đôi khi vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo mà nhiều người không thể trở về đoàn tụ cùng gia đình trong thời khắc giao thừa.

Hay trong thời điểm đất nước đang phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19, những “chiến sỹ áo trắng” đang ngày đêm giữ nhịp sống cho hàng trăm sinh mệnh ở tuyến đầu, những chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ canh giữ chủ quyền nơi biên cương của Tổ quốc cũng phải hy sinh những mong cầu cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng. Bởi vậy, quyết định thực hiện miễn phí công việc ghép ảnh, anh Thắng cho biết giá trị lớn nhất mà bản thân nhận được qua công việc này chính là niềm hạnh phúc khi có thể giúp thật nhiều gia đình phần nào xóa nhòa cảm giác mất mát và những tiếc nuối trong thời điểm cận kề dịp Tết đoàn viên.

Lắng nghe tâm sự của người xây đắp nhịp cầu đoàn viên ảnh 3Qua những tác phẩm của mình, anh Thắng mong muốn mỗi người hãy trân trọng từng khoảnh khắc sum họp bên gia đình trong những dịp đoàn viên (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

2021 là một năm mà xã hội đã chứng kiến biết bao cảnh chia cắt của các gia đình do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Đã có những người mẹ phải xa con, những người vợ mòn mỏi đếm từng ngày chờ chồng trở về. Cận kề ngày thôi nôi con trai đầu lòng mà chồng vẫn phải công tác nơi tuyến đầu chống dịch, chị Hoàng Thị Phương Thảo (sinh năm 1997, quê tại Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh) liên hệ với mong muốn anh Thắng có thể giúp cả gia đình mình lưu lại khoảnh khắc đoàn tụ dù chỉ là nhờ công nghệ, bởi chị hiểu cộng đồng mới là những người đang cần đến chồng mình. Với chị, những giọt nước mắt khi nhận được bức ảnh cũng là động lực để chị vững lòng chờ đợi đến ngày chồng trở về, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc.

Mặc dù anh Thắng quan niệm đây là công việc thực hiện trên nỗi đau của người khác, nhưng khi làm nó bằng cả trái tim thì ta sẽ biến đau thương trở thành một phần dấu ấn trong cuộc đời mỗi con người. Niềm hạnh phúc lớn nhất của anh có lẽ không phải là nhận được nhiều yêu cầu hay những lời tán thưởng, mà là được chứng kiến cảm xúc của những người con, người vợ hay bất cứ một ai đã quá lâu không còn được nhìn thấy hình bóng người thân trong gia đình. Có những giọt nước mắt hạnh phúc, có lời cảm ơn chân thành, có cả những tiếng nấc nghẹn không nói thành lời nhưng anh hiểu rằng, đó chính là sự ghi nhận lớn nhất để tiếp thêm nguồn động lực cho công việc mà anh đang theo đuổi.

[[Video] Những câu chuyện ấm áp về lòng dũng cảm trong năm 2021]

Có một người bạn đời ủng hộ, làm hậu phương vững chắc chính là nguồn động lực vô cùng to lớn để anh Thắng an tâm theo đuổi công việc này. Dù đón nhận những phản hồi nhiều chiều, song bản thân anh Thắng không hề mong muốn công việc của mình sẽ tiếp tục phát triển hơn trong tương lai. Bởi đoàn viên chỉ thực sự mang ý nghĩa khi nó là sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình và kỷ niệm phải được gắn với những cảm xúc chân thực. Đừng để mỗi mùa Xuân qua đi, những gì còn đọng lại chỉ là những mảnh ký ức vụn vỡ đầy chắp vá, được ráp nối bằng những công nghệ vô hồn…

Hy vọng qua những tác phẩm của anh Thắng, mỗi người sẽ trân trọng hơn từng khoảnh khắc quý giá bên gia đình và những người thân yêu, cùng nhau ghi lại những “thước phim” thật sự ý nghĩa, để mỗi khi nhìn lại, trong thâm tâm mỗi chúng ta không còn bất cứ điều gì luyến tiếc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục