Là nông sản đặc hữu của tỉnh Lạng Sơn, được trồng chủ yếu tại huyện biên giới Văn Lãng, hồng vành khuyên hiện là cây trồng đem lại nguồn kinh tế ổn định cho người dân tại địa phương này.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Văn Lãng, tổng diện tích hồng vành khuyên trên địa bàn đạt khoảng 1.350 ha; trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 860 ha; diện tích được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trên 280 ha. Sản lượng ước đạt 6.000 tấn/năm, với mức giá trung bình từ 15.000-25.000 đồng/kg hồng, giá trị hàng năm thu được ước khoảng 72 tỷ đồng/năm.
Xã Tân Mỹ là địa phương có diện tích hồng vành khuyên lớn nhất huyện Văn Lãng, với gần 500 ha; trong đó 300 ha cho thu hoạch quả và gần 200 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ hồng vành khuyên ngày càng lớn, nhiều thương lái ở các địa phương khác đã đến đặt hàng ngay từ đầu vụ, bao khoán thu mua tận nơi. Điều này giúp các chủ vườn hồng thẻm tâm lý phấn khởi.
Chị Hoàng Thị Thân (ở thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) cho biết gia đình bà là hộ trồng hồng lâu năm, mỗi năm có nguồn thu ổn định khoảng 75 triệu đồng từ hồng. Mùa vụ năm 2022, hồng được giá nên dự kiến nguồn thu khoảng 90-100 triệu đồng. Để hồng thêm chất lượng, quả ngon ngọt không bị sâu bệnh, gia đình đã đầu tư mua vật tư nông nghiệp, chăm sóc cây theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch dựa trên những hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Ông Hoàng Văn Hậu, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh hồng vành khuyên Nà Mò ở xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, cho biết đơn vị đã tích cực mở các điểm thu mua hồng ở những vị trí thuận tiện và hợp lý. Bà con rất phấn khởi khi giá cả mua bán cao hơn so với vài vụ gần đây. Đơn vị cũng tích cực tăng cường liên kết với các thương lái, quảng bá sản phẩm đến với khách hàng bằng việc phối hợp trưng bày sản phẩm ở các điểm bán và một số gian hàng thương mại điện tử…
[Lạng Sơn: Thiết lập gian hàng số tiêu thụ sản phẩm hồng vành khuyên]
Xác định hồng vành khuyên là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế, thời gian qua, xã Tân Mỹ đã tập trung vận động bà con mở rộng diện tích, riêng năm 2022, xã đã trồng mới được 45 ha. Hàng năm xã cũng đã tập trung quảng bá giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, phát triển các sàn thương mại điện tử để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Mỹ Hoàng Minh Hạnh, mùa vụ năm 2021, xã ước sản lượng đạt khoảng 3.000 tấn hồng. Năm 2022, sản lượng ước khoảng 4.000 tấn, nếu giá cả ổn định từ 18.000-20.000 đồng/kg, bà con sẽ có nguồn thu vài chục tỷ đồng từ hồng vành khuyên.
Theo đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Văn Lãng, hồng vành khuyên được trồng tập trung tại các xã Tân Mỹ, Hoàng Việt, Hoàng Văn Thụ, Thanh Long, Hồng Thái. Việc liên kết tiêu thụ quả hồng vành khuyên, Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn hướng dẫn thành lập 3 hợp tác xã chuyên sản xuất kinh doanh hồng vành khuyên và 1 cửa hàng giới thiệu trưng bày, bán các sản phẩm OCOP của huyện. Đây chính là đầu mối liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn với thị trường chủ yếu là tư thương, doanh nghiệp từ các tỉnh như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và một số tổ chức cá nhân khác.
Để sản phẩm hồng vành khuyên Văn Lãng ngày càng phát triển, vươn tới các thị trường, huyện Văn Lãng tiếp tục định hướng phát triển mở rộng diện tích sản xuất, cải tạo những vùng trồng già cỗi, xây dựng vùng sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ cho cây hồng vành khuyên và hướng tới nâng cao giá trị sản phẩm bằng phương pháp chế biến sâu như là hồng treo gió công nghệ Nhật Bản, hồng sấy... Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình hội chợ, phương tiện truyền thông, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…
Thời điểm thu hoạch hồng vành khuyên bắt đầu từ tháng 7-9 Âm lịch hàng năm. Đặc trưng của loại quả này là phần đài hoa hằn trên núm, tạo thành vành rộng gọi là vành khuyên; quả to tròn, không hạt, ăn giòn, ngọt; khi quả càng già, vành khuyên càng hiện rõ.
Năm 2020, 2021 hồng vành khuyên Nà Mò, xã Tân Mỹ và hồng vành khuyên Pò Pheo, xã Hoàng Việt đã được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh./.