Lãnh đạo Huawei lên tiếng đáp trả lại lệnh cấm vận mới của Mỹ

Chủ tịch luân phiên Huawei thừa nhận các biện pháp cấm vận mới của Mỹ sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn này, song tuyên bố sẽ có giải pháp vượt qua.
Lãnh đạo Huawei lên tiếng đáp trả lại lệnh cấm vận mới của Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Chủ tịch luân phiên của Huawei, Guo Ping, đã lên tiếng đáp trả trước việc Mỹ kéo dài lệnh cấm vận và ngăn chặn hãng công nghệ khổng lồ Trung Quốc tiếp cận với chuỗi cung ứng chip bán dẫn thiết yếu.

Phát biểu tại hội nghị của Huawei, ông Guo Ping nói: "Chính phủ Mỹ vẫn kiên trì tấn công Huawei, nhưng điều đó sẽ mang lại điều gì cho thế giới?"

"Trong một nỗ lực không ngừng để thắt chặt sự kìm hãm đối với công ty của chúng tôi, chính phủ Mỹ đã quyết định tiến hành và hoàn toàn phớt lờ mối quan tâm của nhiều công ty và hiệp hội. Quyết định này là độc đoán và nguy hiểm, đe dọa làm suy yếu toàn bộ ngành công nghiệp điện tử-di động trên toàn thế giới. Các biện pháp hạn chế mới này sẽ tác động đến việc mở rộng, bảo trì và hoạt động liên tục của các mạng viễn thông trị giá hàng trăm tỷ USD mà chúng tôi đã triển khai ở hơn 170 quốc gia" - ông Guo Ping tuyên bố.

[Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng "đàn áp vô lý" với Huawei]

Chủ tịch luân phiên Huawei cũng thừa nhận các biện pháp cấm vận mới của Mỹ sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của tập đoàn này song tuyên bố sẽ có giải pháp vượt qua.

Trước đó, tờ Nikkei đưa tin hãng sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC đã ngừng nhận đơn đặt hàng mới từ Huawei sau khi chính quyền Mỹ áp đặt các biện pháp cấm vận mới. Lệnh cấm vận mới của Mỹ yêu cầu tất cả các công ty công nghệ phải xin giấy phép từ Bộ Thương mại Mỹ trong các thương vụ có lô hàng sử dụng công nghệ hoặc thiết bị của Mỹ.

Huawei đã từng úp mở khả năng chuyển nguồn cung cấp chip sang Samsung trong trường hợp bị Mỹ phong tỏa nguồn cung cấp chip. Hãng này gần đây cũng đang nghiên cứu tự sản xuất chip trong nước thông qua Tập đoàn sản xuất chip bán dẫn quốc tế Trung Quốc (SMIC), vừa nhận được khoản đầu tư 2,2 tỷ USD từ Chính phủ Trung Quốc.

SMIC là một đối thủ cạnh tranh tương đối nhỏ với TSMC, và sẽ mất nhiều thời gian để mở rộng quy mô sản xuất theo yêu cầu công nghệ tiên tiến của Huawei/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục