Lãnh đạo Mỹ-Nhật điện đàm về dịch Ebola và đàm phán TPP

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama để bàn về những vấn đề như phòng chống dịch bệnh Ebola và đàm phán Hiệp định TPP.
Lãnh đạo Mỹ-Nhật điện đàm về dịch Ebola và đàm phán TPP ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Theo hãng thông tấn Kyodo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 15/10, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ về những vấn đề như phòng chống dịch bệnh Ebola và đàm phán Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trong cuộc điện đàm kéo dài khoảng 25 phút, Thủ tướng Abe đã thông báo với Tổng thống Obama kế hoạch của Nhật Bản nhằm tăng cường các biện pháp hỗ trợ người dân tại các nước Tây Phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng dịch bệnh Ebola cần được toàn thể cộng đồng quốc tế chung sức giải quyết, trong bối cảnh có những lo ngại dịch bệnh có thể lây lan ra ngoài khu vực Tây Phi sau trường hợp nữ y tá gốc Việt Nina Phạm làm việc tại một bệnh viện ở Mỹ nhiễm virus Ebola từ bệnh nhân Thomas Duncan người Liberia đã qua đời ngày 8/10 vừa qua.

Về các cuộc đàm phán TPP hiện đang bế tắc, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục nỗ lực nhằm sớm kết thúc đàm phán. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hoài nghi về việc liệu hai nền kinh tế lớn nhất của nhóm này có thể đạt được các thỏa hiệp cần thiết hay không, trong khi các đối tác khác tham gia đàm phán TPP đều chưa đưa ra những đề xuất cuối cùng do còn muốn xem Mỹ và Nhật Bản giải quyết những bất đồng như thế nào.

Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005, hiện nay có sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Bất đồng giữa Mỹ và Nhật Bản - hai nền kinh tế lớn nhất tham gia đàm phán TPP - trong đó có vấn đề Nhật Bản mở cửa thị trường nông nghiệp của nước này đến mức nào cũng như các vấn đề liên quan ngành sản xuất ôtô, là một trở ngại đối với việc sớm đi đến ký kết hiệp định, khiến 12 nước thành viên bỏ lỡ thời hạn đầu tiên vào cuối năm ngoái.

Một khi được ký kết, hiệp định sẽ thiết lập một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục