Lãnh đạo ngành "trần tình" về việc thanh tra lễ hội 2014

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đã "gồng" hết sức trong công tác quản lý lễ hội đầu năm 2014 để khắc phục những hạn chế tồn tại nhiều năm qua.

“Đúng là có những cuộc thanh tra thì báo trước, nhưng có những cuộc thanh tra đi đột xuất. Bộ thường xuyên có Thanh tra Bộ và Cục Văn hóa cơ sở tổ chức đi thanh tra cũng như những chuyến lãnh đạo đi để chấn chỉnh tình trạng lộn xộn ở các ban quản lý di tích, ở các tỉnh thành. Như tôi biết, sau Tết có một đoàn Thanh tra Bộ đã đi kiểm tra đột xuất chứ không phải như mọi người vẫn nghĩ rằng cơ quan quản lý nhà nước là quan liêu.”

Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ông Phan Đình Tân đã trả lời như vậy trước băn khoăn của báo giới về hiệu quả thực sự của những đoàn thanh tra “trống rong cờ mở” rầm rộ trong mùa lễ hội vào sáng nay (12/3), tại cuộc họp sơ kết tổ chức và quản lý lễ hội đầu năm 2014 ở trụ sở Bộ.

Thực tế cho thấy, nhiều cuộc thanh tra lễ hội "mang tiếng" là thanh tra nhưng địa phương lại được báo trước, dẫn đến việc thu dọn gọn gàng “hiện trường” là điều khó tránh và khi thanh tra đi rồi tình trạng lộn xộn lại tái diễn.

Trong khi đó, ông Vương Duy Bảo-Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở khẳng định: “Về phía Bộ, chúng tôi đã ‘gồng’ hết sức mình trong công tác quản lý lễ hội đầu năm 2014, để khắc phục những hạn chế tồn tại nhiều năm qua.”

Thế nhưng, báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ ra rằng, ý thức của người dân đang là vấn đề cần phải quan tâm. "Người dân cũng chính là chủ thể văn hóa trong các lễ hội thế nhưng rất nhiều người trong số đó điềm nhiên bước vào không gian lễ hội với tâm thế của một người ngoài cuộc, vì thế họ thoải mái chen lấn, xô đẩy, xả rác bừa bãi.

Những hộ kinh doanh thì tìm mọi cách 'moi' tiền của du khách thập phương bằng đủ trò cờ bạc trá hình, bày bán thực phẩm mất vệ sinh an toàn thực phẩm, treo thịt gia súc, gia cầm sống phản cảm vẫn chưa được đẩy lùi ở chùa Hương, đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), phủ Dày (Chợ Viềng, Nam Định), đền Trần (Nam Định)...," báo cáo của bộ nhấn mạnh.

Đặc biệt, hiện tượng ăn xin, dùng người khuyết tật đi bán hàng lưu niệm, bán tăm từ thiện, chèo kéo khách viết sớ, dâng sớ, khấn thuê, xem tay, xem tướng vẫn còn tiếp diễn ở chùa Keo (Thái Bình), phủ Tây Hồ, đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), đền Bà chúa Kho (Bắc Ninh), phủ Dày (Nam Định)...

Không chỉ "bức xúc" trước ý thức kém của người dân, ông Vương Duy Bảo còn nêu một thực thực trạng đáng buồn khi bây giờ vào chùa, các vị sư trụ trì dường như quên rằng họ phải có trách nhiệm nhắc nhở người dân đến lễ không rải tiền lẻ quanh phạm vi chùa. Trong khi hành động nhét tiền vào tay Phật là phỉ báng, hối lộ thánh thần. Thậm chí, ông Bảo cho hay, đến đình, đền, miếu còn thấy nhiều ông thủ từ và ban quản lý bày tiền lẻ ra để “dụ” người dân đặt vào đó.

Để giải quyết tình trạng "lộn xộn" này, lãnh đạo bộ cho biết đã đưa các phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại vào quản lý một số lễ hội, di tích bằng việc lắp đặt camera ghi hình ở các khu vực quan trọng của di tích để kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm tại các di tích như: Đền Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), đền Đồng Bằng (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), phủ Tây Hồ (Hà Nội)./.

Theo đại diện Thanh tra Bộ, trong mùa lễ hội 2014, có khoảng 30 trường hợp vi phạm bị yêu cầu lập biên bản và không có trường hợp nào bị xử phạt hành chính.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục