Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ đại biểu các dân tộc, tôn giáo tiêu biểu

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đã gặp gỡ 250 đại biểu là các vị giáo phẩm, chức sắc tôn giáo, đại biểu đồng bào có đạo, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ đại biểu các dân tộc, tôn giáo tiêu biểu ảnh 1Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải với các đại biểu tại buổi gặp gỡ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chiều 19/4, tại Hội trường thành phố, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã gặp gỡ 250 đại biểu là các vị giáo phẩm, chức sắc tôn giáo, đại biểu đồng bào có đạo, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tới dự.

Tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đánh giá cao những hy sinh, cống hiến của đồng bào các dân tộc, các chức sắc, tôn giáo trong quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc và những đóng góp thiết thực, rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và Thành phố Hồ Chí Minh.

Điểm lại những thành tựu của Thành phố Hồ Chí Minh trong 40 năm qua, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải ghi nhận sự đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo trong công tác xã hội, nhân đạo, từ thiện. Trong những năm gần đây, nhiều vị giáo phẩm, chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo, các dân tộc đã vận động đóng góp mỗi năm hàng trăm tỷ đồng để thực hiện các hoạt động xây nhà tình nghĩa, góp quỹ khuyến học, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, chăm sóc người bị nhiễm chất độc da cam, nhiễm HIV/AIDS, người khuyết tật, mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn...

Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc, các tôn giao luôn tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư," “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”...

Đặc biệt, nhiều gương đồng bào các dân tộc, các tôn giáo được tuyên dương trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.”

Phát huy truyền thống và những thành quả trong suốt 40 năm qua, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải tin tưởng trong thời gian tới, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo đoàn kết sẽ cùng với nhân dân thành phố và cả nước đồng lòng, chung sức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện. Đồng thời, tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với các cấp, các ngành nhằm xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, từng bước trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của cả nước và của khu vực Đông Nam Á.

Là dân tộc có tỷ lệ dân số đứng thứ 4 ở Thành phố Hồ Chí Minh, tiến sỹ Phú Văn Hẳn, đại diện cộng đồng người Chăm ở Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ trong 40 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã làm tốt nhất những gì có thể làm được cho người Chăm. Thành phố luôn đồng hành, chia sẻ cùng người Chăm trong xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ học bổng cho con em người Chăm, tạo điều kiện để đồng bào người Chăm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. Từ sự hỗ trợ này, nhiều người Chăm đã vươn lên, đời sống văn hóa kinh tế, xã hội của người Chăm ở thành phố ngày càng tiến bộ. Hiện nay ở thành phố, nhiều ủy viên Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp là người Chăm.

Hòa thượng Danh Lung, đại diện người Khmer ở Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong suốt thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các dân tộc, các tôn giáo, trong đó có người Khmer sinh hoạt văn hóa, lễ hội cũng như tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng bào và chư tăng Khmer luôn động viên con em, phật tử sống thật tốt, biết chia sẻ yêu thương, biết trân trọng và giữ gìn sự bình yên ngày hôm nay, vì những điều này đã phải đổi lấy xương máu của những thế hệ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục