Chiều 14/12, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lãnh đạo thành phố gặp gỡ kiều bào và người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến cho sự phát triển bền vững của thành phố theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp.
Với chủ đề "Thành phố Hồ Chí Minh trở lại bình thường mới: Vấn đề và kiến nghị," hội nghị là một trong những hoạt động tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị Quyết 36-NQ/TW, Chỉ thị 45-CT/TW và Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Đây cũng là dịp để lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nhân sỹ, trí thức kiều bào Việt Nam trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế nằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện của thành phố hậu dịch bệnh COVID-19.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhìn nhận dịch COVID-19 trong hai năm qua đã để lại nhiều đau thương, mất mát, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, tuy nhiên, trong khó khăn, càng thấy được và hiểu rõ hơn về tình dân tộc, nghĩa đồng bào.
[Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia]
Trân trọng cảm ơn các tổ chức, cá nhân kiều bào Việt Nam ở khắp mọi nơi trên thế giới đã ủng hộ tiền của, vật chất... phục vụ tuyến đầu và người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt thời gian diễn ra dịch COVID-19, theo ông Võ Văn Hoan, với việc trở lại trạng thái bình thường mới khi dịch COVID-19 vẫn chưa hoàn toàn được dập tắt, thành phố dự tính phải đối diện với nhiều vấn đề, do đó cần đề ra các giải pháp thiết thực nhằm hồi phục nhanh nền kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội và phát triển thành phố theo hướng bền vững, toàn diện.
“Đây là thời điểm thử thách bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng, đòi hỏi mỗi người phải phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố trong thời gian tới," ông Võ Văn Hoan khẳng định.
Thông tin về tình hình kinh tế-xã hội của thành phố năm 2021 và kế hoạch tổng thể về việc phục hồi, phát triển kinh tế trong giai đoạn sắp tới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Đào Minh Chánh nhấn mạnh nhóm giải pháp cấp bách cho giai đoạn phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội thành phố từ nay đến hết năm 2022 thông qua các chương trình hành động khắc phục các hệ lụy, khôi phục đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; hỗ trợ những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội, và các hoạt động văn hóa-xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Đại diện kiều bào Việt Nam ở Hoa Kỳ, giáo sư Hà Tôn Vinh đề xuất thành phố cần chia thành nhiều giai đoạn để có định hướng và tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn kể cả trước mắt, lâu dài; quan tâm nhiều hơn nữa đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là trong dịp Tết Nhâm Dần 2022...
Bên cạnh đó, giáo sư Hà Tôn Vinh cũng đề xuất phát triển triển kinh tế thành phố thông qua thúc đẩy tái hoạt động sản xuất và chi tiêu (kích cầu tiêu dùng).
Thành phố cần quan tâm hỗ trợ người lao động trước xu thế mới; hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động sản xuất kinh doanh; tăng cường thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn… qua đó giúp cho mọi hoạt động dễ dàng, thuận lợi hơn, nhanh chóng, chất lượng và hiệu quả.
Bày tỏ tin tưởng Thành phố Hồ Chí Minh có khả năng đột phá, là "ngọn hải đăng" thu hút nhân tài, đầu tư trong lẫn ngoài nước hiện tại cũng như trong tương lai, phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Minh Khương, kiều bào Việt Nam ở Singapore cũng đề xuất một số giải pháp để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững trong bối cảnh bình thường mới.
Thành phố cần có chiến lược cụ thể; chú trọng tính đặc trưng, tiên phong đột phá; đặc biệt là xây dựng hệ thống quản trị tốt về hành chính, doanh nghiệp; xây dựng vùng kinh tế cộng hưởng (với 6 tỉnh lân cận); thúc đẩy phát triển thành phố Thủ Đức…
Từ Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ kiêm nhiệm Nepal, Bhutan cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có thể phát triển tốt và bền vững nếu giải quyết được vấn đề xóa đói giảm nghèo và bất bình đẳng để hòa nhập cùng thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh là một đại đô thị, do đó cần giữ bản sắc riêng để khẳng định vị thế của mình; xây dựng ý thức kỷ luật của một thành phố công nghiệp.
"Thành phố Hồ Chí Minh có thể phát triển theo xu hướng công nghiệp, công nghiệp số… nhưng cũng cần chú trọng thúc đẩy phát triển công nghệ sinh học; phát triển trung tâm sản xuất thiết bị công nghệ bán dẫn… Ngoài ra, việc quan tâm đến 5.000 kiều bào cũng như người Ấn Độ đang sinh sống tại Thành phố sẽ góp phần thúc đẩy du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài từ cộng đồng của giới trung lưu và cả thượng lưu của Ấn Độ," Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.
Cũng tại hội nghị, 130 đại biểu đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ đã trao đổi, thảo luận xoay quanh các giải pháp phục hồi, thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển nhanh, bền vững, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh; phát triển hệ thống doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Nhiều đại biểu đề xuất các giải pháp cụ thể hóa 3 chương trình đột phá và chương trình trọng điểm phát triển thành phố như: phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, gắn với chỉnh trang đô thị, giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển hạ tầng xã hội, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa-thể thao; phát triển khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo để thành phố thật sự là trung tâm của cả nước và khu vực.
Các đại biểu cũng góp ý, hiến kế các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng con người phát triển toàn diện; bảo tồn, phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, hợp tác với các địa phương nước ngoài, tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ cho quá trình phát triển và hội nhập…
Nhân dịp này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh và bằng khen cho 7 cá nhân kiều bào Việt Nam ở nước ngoài có nhiều đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển thành phố; trao tặng bằng khen của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho Tổ liên lạc kiều bào phường 5, quận 3 vì có nhiều đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh./.