Lãnh đạo tự xưng CH Trung Phi đồng ý bầu cử sớm

Thủ lĩnh của lực lượng quân nổi dậy CH Trung Phi nhất trí thực hiện một kế hoạch do lãnh đạo các quốc gia trong khu vực khởi xướng.
Ngày 4/4, thủ lĩnh của lực lượng quân nổi dậy Cộng hòa Trung Phi, Michel Djotodia đã nhất trí thực hiện một kế hoạch do lãnh đạo các quốc gia trong khu vực khởi xướng, theo đó nước này sẽ chỉ định một tổng thống tạm quyền để tiến hành bầu cử trong thời hạn 18 tháng.

Trước đó, chỉ huy Djotodia đã tự xưng là tổng thống Cộng hòa Trung Phi sau khi tiến hành cuộc đảo chính đẫm máu tại thủ đô Bangui lật đổ Tổng thống Francois Bozize hồi tháng trước, đồng thời cam kết thực hiện chuyển giao quyền lực trong thời hạn 3 năm.

Tuy nhiên, tại cuộc họp bất thường của tổ chức Cộng đồng Kinh tế các nước Trung Phi (ECCAS) diễn ra tại Cộng hòa Chad hôm 3/4, các nhà lãnh đạo trong khu vực đã phủ nhận vai trò tổng thống của ông Djotodia, đồng thời kêu gọi nước này thành lập một hội đồng chuyển tiếp để thực hiện việc chuyển giao chính trị và tiến hành bầu cử tổng thống mới trong thời gian không quá 18 tháng kể từ thời điểm hiện nay.

Sau cuộc họp này, ông Djotodia đã có cuộc gặp phái đoàn đại diện của ECCAS, Liên minh châu Phi (AU) và tổ chức Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Pháp, đồng thời chấp nhận tất cả các đề nghị của ECCAS.

Thủ tướng Cộng hòa Trung Phi Nicolas Tiangaye nhấn mạnh rằng thỏa thuận mới đạt được sẽ giúp nước này thoát khỏi "sự cô lập và xa lánh" của cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, tình trạng bạo lực và cướp bóc vẫn xảy ra trên khắp cả nước. Số người nhập viện không ngừng gia tăng sau cuộc đảo chính, trong khi các bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu thuốc trầm trọng.

Trong một diễn biến cùng ngày, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã tuyên bố rút 200 quân đồn trú tại Cộng hòa Trung Phi do sức ép từ trong nước sau khi 13 binh lính nước này bị bắn chết trong cuộc đảo chính tháng trước tại Bangui.

Trước đó, các thành viên đối lập đã cáo buộc chính quyền duy trì sự hiện diện quân đội tại Trung Phi là nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế của đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) tại đây. Tuy nhiên, chính quyền Nam Phi phủ nhận cáo buộc nói trên đồng thời cho rằng việc triển khai quân đội được thực hiện theo chỉ thị của AU.

Năm 2007, Nam Phi đã ký với chính phủ của cựu Tổng thống Bozize một thỏa thuận quân sự (được gia hạn thêm 5 năm hồi tháng 12 năm ngoái) cho phép giúp đỡ quân đội nước này huấn luyện lực lượng bộ binh, pháo binh và các lực lượng đặc nhiệm, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các căn cứ quân sự tại Bouar và Bangui./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục