Lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh chứng khoán

Đại biểu cho rằng việc sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán góp phần lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán.
Sáng 4/11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua ngày 26/6/2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007. Sau hơn 3 năm thực hiện, Luật đã có những đóng góp quan trọng làm cơ sở pháp lý điều chỉnh các hoạt động phát hành, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán và đưa hoạt động chứng khoán từng bước vào khuôn khổ có tổ chức.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán phát triển khá nhanh chóng, đã phát sinh thêm nhiều yếu tố mới chưa được đề cập trong Luật, đồng thời có một số nội dung của Luật không còn phù hợp với thực tiễn và tiến triển của thị trường. Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung 20 điều và bãi bỏ 1 điều trong tổng số 136 điều của Luật hiện hành.

Đa số đại biểu đồng ý với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và cho rằng việc sửa đổi, bổ sung góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước, làm lành mạnh hóa hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán.

Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung vẫn còn hạn chế, không thể giải quyết triệt để những bất cập hiện nay đối với thị trường chứng khoán. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ đánh giá lại về phạm vi, quy mô sửa Luật, bởi hiện tại những nội dung sửa chưa giải quyết được tình hình thực tiễn hoạt động chứng khoán hiện nay.

Cùng chung quan điểm trên, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng nên có tổng kết toàn diện về hoạt động chứng khoán trong thời gian vừa qua để sửa đổi, bổ sung Luật thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) nhận định Luật chưa đưa lại được cho thị trường chứng khoán sự đột phá, mà chỉ là sự hợp pháp hóa những nội dung các văn bản mà Chính phủ và Bộ Tài chính đã điều chỉnh thị trường này trước đó.

Luật cũng mới chỉ ở mức quy định khung, còn lại vẫn cứ giao cho Chính phủ và Bộ Tài chính quy định cụ thể. Theo đại biểu Hà, Luật càng cụ thể càng tốt, những vấn đề gì cụ thể được thì quy định luôn trong Luật, tránh tình trạng Luật khung dễ xảy ra hiện tượng ra đời nhiều Nghị định, Thông tư trái luật và dẫn đến khiếu nại kéo dài.

Một số đại biểu cũng nêu những bất cập hiện đang ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán. Đó là những năm qua, đã có một số lượng lớn các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ ra đời, trong đó có không ít công ty quy mô nhỏ, năng lực quản lý yếu kém, khi thị trường biến động gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) và một số đại biểu cho rằng một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do quy định về điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ qua đơn giản, chỉ cần đáp ứng 3 điều kiện đủ vốn pháp định, có trụ sở và có chứng chỉ hành nghề chứng khoán.

Theo các đại biểu, quy định như vậy là quá dễ dàng, cần thắt chặt lại điều kiện cấp phép bởi việc buông lỏng quản trị sẽ gây nhiều hiệu quả xấu. Dự thảo Luật cần bổ sung các điều kiện cấp phép để đảm bảo các công ty có đầy đủ năng lực khi hoạt động trên lĩnh vực này; đồng thời cân nhắc mức độ để vừa đảm bảo an toàn trong hoạt động vừa tạo nên sự năng động, hiệu quả cho các công ty.

Về quy định giao cho Chính phủ quy định cụ thể các hành vi và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm mới trên thị trường chứng khoán, đại biểu Lê Văn Cuông và nhiều đại biểu khác cho rằng đây là lĩnh vực mới, đã và đang phát sinh những hành vi vi phạm pháp luật dưới hính thức mới mà Luật không cụ thể hóa hết được, trong đó có nhiều hành vi chưa được quy định trong Luật. Vì vậy, nên giao cho Chính phủ quy định các hành vi vi phạm cũng như chế tài xử lý các hành vi vi phạm chưa được quy định trong Luật.

Các đại biểu nhận định, thị trường chứng khoán đang phát triển không ngừng, trong thời gian tới có thể sẽ phát sinh những vi phạm mà chúng ta chưa lường hết được, nếu chờ sửa Luật sẽ rất chậm, vì thế nên giao cho Chính phủ quy định cụ thể cho sát với yêu cầu thực tiễn...

Các đại biểu bày tỏ băn khoăn về địa vị pháp lý của Ủy ban chứng khoán Nhà nước và đề nghị giải trình rõ Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã làm được gì liên quan đến thị trường chứng khoán.

Các đại biểu Lê Thị Nga, Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đặt câu hỏi Ủy ban chứng khoán Nhà nước thuộc về đâu, có nên để Ủy ban này hoạt động độc lập mà không thuộc Bộ Tài chính không vì thực tế cho thấy Bộ Tài chính đang có quá nhiều việc nên khó mà quản lý được; ngoài ra việc vừa quản lý Nhà nước vừa điều tiết thị trường như vậy liệu có ổn không?

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với việc mở rộng đối tượng công bố thông tin nhằm tăng cường tính minh bạch của thị trường chứng khoán, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, tạo điều kiện tăng cường giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.../.

Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục