Tổng thống đắc cử Joe Biden ngày 8/1 cam kết sẽ đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế Mỹ sau khi nước này đã mất 140.000 việc làm trong tháng 12/2020, giữa lúc đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày càng trầm trọng làm suy yếu khả năng phục hồi của thị trường lao động Mỹ.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng về triển vọng ngắn hạn của thị trường việc làm tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số việc làm tại nước này trong tháng 12/2020 giảm lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn giữ ổn định ở mức 6,7%, tương đương 10,7 triệu người và đều cao gấp đôi so với mức trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Riêng tuần cuối cùng của năm 2020, số người phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ không thay đổi so với tuần trước đó - ở mức cao 787.000 người.
Theo ông Biden, những số liệu kém lạc quan trên đồng nghĩa các nhà lập pháp cần đẩy nhanh việc thông qua một gói cứu trợ kinh tế mới, bao gồm 2.000 USD thanh toán trực tiếp cho người nộp thuế và trợ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
[Tổng thống đắc cử Mỹ cam kết thúc đẩy biện pháp khôi phục nền kinh tế]
Quốc hội Mỹ hồi tháng trước đã thông qua một gói cứu trợ trị giá khoảng 900 tỷ USD, trong đó có khoản thanh toán 600 USD/người trực tiếp cho người dân Mỹ. Nhưng Thượng viện Mỹ đã chặn nỗ lực tăng mức thanh toán đó lên 2.000 USD/người.
Ông Biden cho biết khoản chi 600 USD/người là không đủ và khẳng định chính phủ mới sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ, cung cấp những biện pháp hỗ trợ để giúp họ vượt qua cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra.
Ngoài ra, ông Biden cũng cam kết sẽ thắt chặt quản lý để ngăn chặn tình trạng gian lận trong việc nhận hỗ trợ từ chính phủ.
Tổng thống đăc cử của Mỹ dự kiến sẽ công bố một chương trình cứu trợ kinh tế mới vào tuần tới, trong đó bao gồm cả biện pháp tăng lương tối thiểu.
Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Richard Clarida trong một bài phát biểu mới đây cũng lạc quan rằng đà phục hồi sẽ được đẩy nhanh, vì nền kinh tế phản ứng tốt với cả những biện pháp kích thích từ ngân hàng trung ương và chính sách tài khóa.
Tại cuộc họp hồi tháng 12/2020, Fed vẫn tin tưởng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2021 và 3,2% trong năm 2022, cao hơn so với những dự báo đưa ra hồi tháng Chín.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhận định rằng tuy triển vọng của các biện pháp kích thích mạnh tay hơn mang lại hy vọng rằng tình trạng sụt giảm tuyển dụng sẽ đảo ngược, điều đó sẽ không xảy ra ngay lập tức.
Trong một phân tích mới nhất, chuyên gia Gregory Daco của công ty tư vấn tài chính Oxford Economics cho rằng tình hình đại dịch COVID-19 ngày càng xấu đi trong khi việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ còn mất nhiều tháng.
Những yếu tố này kết hợp lại đồng nghĩa là thị trường việc làm tại Mỹ sẽ còn giảm sút trong những tháng tới.
Còn theo ông Austan Goolsbee, cựu chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng, những số liệu kém tươi sáng về thị trường việc làm Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang đối mặt với nguy cơ trải qua một cuộc suy thoái kép./.