Những người không có Tết

Lao động nghèo: Bám Tết kiếm thêm cho gia đình

Nhiều lao động nghèo vẫn "bám trụ" thành thị,  miệt mài nhặt nhạnh từng đồng để lo cho gia đình ở quê một cái Tết không quá thiếu thốn.
Cuộc sống thật muôn màu, muôn vẻ; trong khi nhiều người đang hân hoan sắm sửa, lên kế hoạch đi du lịch dịp Tết, thì lại có nhiều lao động nghèo xa quê miệt mài nhặt nhạnh từng đồng tiền để lo cho gia đình một cái Tết không quá thiếu thốn. Với họ, có việc để làm, kiếm ra tiền đã là niềm vui lớn sau cả một năm khó khăn.

Tết muôn thuở là... nỗi lo


Đối với những người lao động nghèo, niềm vui ngày Tết dường như bị lấn át bởi nỗi lo cơm áo gạo tiền. Làm thế nào kiếm đủ tiền chi tiêu cho Tết, rồi ăn Tết xong kiếm việc ở đâu… là những câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu họ.

Chị Trần Thị Hoài (quê Bắc Giang), một người mua bán ve chai ở Hà Nội thì Tết là một thứ gì đó xa xỉ. Năm nào cũng tối 30 Tết chị mới về đến nhà, để rồi chỉ 1-2 ngày sau đã lại quay ra Hà Nội làm việc.

Chồng chị Hoài bị tai nạn lao động nằm liệt giường, mình chị lo cho 2 đứa con nên mọi gánh nặng lo Tết dồn hết lên vai chị. “Gần Tết nên tôi cũng kiếm được hơn ngày bình thường một chút nên tôi không bao giờ về quê sớm mà ở lại làm, cố gắng hơn một chút tôi mới mua được quà bánh, cái áo mới về cho con”.

Chị kể, những ngày cuối năm này thường nhận thêm việc lau dọn nhà cửa, mỗi buổi cũng được 200.000-300.000 đồng, nếu có việc đều thì ngày cũng kiếm được 400.000-500.000 đồng.

“Nhưng việc phải sát Tết khoảng từ 25 Tết mới có việc đều, chứ những ngày trước vừa đi thu mua đồng nát vừa rao quét dọn nhà cửa cả tuần mà không ai thuê. Tôi dọn dẹp xong cũng thường được chủ nhà cho luôn đồ đồng nát, kiếm thêm được chút ít nên cũng mừng.” Chị Hoài nói.

Vất vả không kém, chị Nguyễn Thị Thơm (Hưng Yên) trước là công nhân một công ty dệt may nhưng vừa nị mất việc vì công ty chuyển địa điểm nên cơ cấu lại nhân sự. Chị Thơm buồn rầu kể, cũng đã 40 tuổi rồi, ở đâu người ta nhận mình vào làm việc ở tuổi này nữa. Thế nên chị Thơm cũng ra “chợ người” ngồi chờ việc.

“Ban đầu ra thì nghĩ chỉ chờ có ai thuê người dọn dẹp, bán hàng thì tôi đi làm kiếm ít tiền tiêu Tết nhưng thấy kiếm việc khó quá nên giờ kể cả những việc nặng nhọc tôi cũng nhận.”

Vừa lo được cái Tết xong, lại tiếp ngay nỗi lo kiếm việc làm sau Tết. Chị Thơm tâm sự: “Dù sao thì Tết vẫn còn có việc làm kiếm ra tiền, sau Tết mọi người đều thắt chặt chi tiêu nên kiếm được đồng tiền sẽ càng khó khăn hơn.”

Thậm chí còn… không có Tết


Với đa số người dân thì Tết là thời điểm nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình; nhưng với  một số người thì đó lại chính là thời điểm kiếm tiền tốt nhất trong năm. Đó là những người bán hàng rong, đánh giầy, phục vụ nhà hàng, quán càphê; họ bỏ cả Tết để miệt mài kiếm tiền tại những khu vui chơi công cộng-nơi người ta dồn về vui chơi ngày Tết.

Chị Nguyễn Thị Giang, nhân viên phục vụ ở một quán càphê kể, ngày trược chồng chị làm công nhân ở một xưởng sản xuất bô xe máy thì kinh tế gia đình không đến nỗi nào nhưng từ khi bị nghỉ việc 3 tháng nay, hai vợ chồng chật vật mới lo đủ tiền sinh hoạt. Năm nay hai vợ chồng quyết định không về quê ăn Tết mà ở lại kiếm tiền.

“Hai vợ chồng không có tiền nên cũng chẳng dám về quê ăn Tết, chỉ gửi ít tiền với bánh kẹo về quê. Chồng mình cũng động viên vợ cố gắng đi làm mấy ngày Tết được trả công gấp 3 lần ngày thường, còn chồng thì xin đi trông coi công trình mấy ngày Tết cũng được trả 2 triệu đồng.” Chị Giang giãi bày.

Còn đối với anh Nguyễn Văn Hưng làm nghề đánh giày thì đã 6 năm nay đi đánh giày đến chiều 30 tết, rồi lại cùng vợ đi bán bóng bay, muối… vào đêm giao thừa. Anh Hưng tâm sự: “Cố kiếm được đồng nào hay đồng ấy, những dịp Tết này cũng là thời điểm kiếm được nên không thể bỏ về quê được.”

“Nếu ngày thường đi làm chỉ kiếm được 50.000-100.000 đồng thì những ngày này phải kiếm được 300.000-400.000 đồng, chưa kể ở lại làm thêm đêm giao thừa cũng kiếm được kha khá,” Anh khoe.

Khi được hỏi có buồn không khi mấy năm rồi chưa về quê dịp Tết, anh Hưng tếu táo: “Mấy năm trước cũng có buồn, thương vợ nữa nhưng năm nay kiếm tiền khó lắm, kiếm được là vui rồi. Người ta vui niềm vui đoàn tụ gia đình thì chúng tôi lấy kiếm được tiền làm niềm vui!”

Thế đấy, với những người lao động nghèo này thì niềm vui Tết giản đơn là gửi được ít bánh kẹo, cái áo mới cho con…, nhưng lại chứa đựng biết bao mồ hôi, công sức thậm chí cả nước mắt. Niềm vui ngày Tết của họ là may mắn có được việc làm để có thể kiếm được tiền lo cho gia đình./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục