Lấp đầy khoảng trống trong cấp phép hành nghề cho đội ngũ lương y

Đến năm 2023, cả nước có trên 10.000 phòng chẩn trị đông y và trung tâm đông y do các lương y, bác sỹ chuyên khoa đông y là người chủ trì. Hội Đông y Việt Nam có 695.000 hội viên trên toàn quốc.
Lấp đầy khoảng trống trong cấp phép hành nghề cho đội ngũ lương y ảnh 1Hội Đông y Việt Nam đã có 695.000 hội viên trên toàn quốc. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Theo quy định của luật Khám bệnh, Chữa bệnh, Lương y - người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp gia truyền là chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề và là hội viên của Hội Đông y Việt Nam. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, hàng nghìn hội viên Hội Đông y đủ tiêu chí hành nghề nhưng vẫn không được cấp Giấy chứng nhận lương y do nhiều trở ngại, vướng mắc đang tồn tại.

Phóng viên VietnamPlus có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- Hiện nay, xu hướng chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền đang được rất nhiều người dân lựa chọn, Phó giáo sư có thể chia sẻ thêm về Hội Đông y và những hội viên là lương y?

Phó giáo sư Đậu Xuân Cảnh: Hội Đông y Việt Nam được thành lập vào ngày 22 tháng 8 năm 1946. Hằng năm, Hội được Thủ tướng Chính phủ giao biên chế và kinh phí hoạt động. Trong 77 năm qua, Hội Đông y Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đến năm 2023, cả nước có trên 10.000 phòng chẩn trị đông y và trung tâm đông y do các lương y, bác sỹ chuyên khoa đông y là người chủ trì; 68 bệnh viện y học cổ truyền và 1 Viện Y dược Cổ truyền; 63 văn phòng tỉnh, thành hội; 01 Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam; 10 khoa y học cổ truyền tại các trường đại học y dược; hơn 1000 khoa đông y tại các bệnh viện đa khoa trên cả nước.

[Điều trị sốt xuất huyết bằng đông-tây y: Hạn chế bệnh chuyển nặng]

Số lượng hội viên - cũng là những lương y đã phát triển rất lớn, với hơn 300 hội viên từ ngày đầu thành lập năm 1946, đến tháng 01 năm 2023, đã có 695.000 hội viên trên toàn quốc. Mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y được tổ chức khắp mọi vùng miền của đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa.

Bơ vơ giữa “biển” đào tạo giáo dục

- Đội ngũ lương y khá đông đảo, tuy nhiên thực tế hiện nay rất nhiều người trong số họ bày tỏ trăn trở về việc “khó” có giấy phép hành nghề khi còn nhiều vướng mắc ở khâu đào tạo. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?

Phó giáo sư Đậu Xuân Cảnh: Lương y - Những người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng Đông y. Theo quy định của Luật Khám bệnh, Chữa bệnh tại Điểm i, Điểm k Khoản 1, Điều 26, lương y là chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề và là những hội viên của Hội Đông y Việt Nam. Do vậy, kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn của lương y có vai trò quan trọng và quyết định đối với hiệu quả của công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng Đông y. Giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đối với các lương y là bảo vệ quyền lợi người dân trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Lấp đầy khoảng trống trong cấp phép hành nghề cho đội ngũ lương y ảnh 2 Phó giáo sư Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Trên thực tế, một số lượng lớn lương y là những người trưởng thành từ các gia đình có truyền thống hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng Đông y, hoặc những người có bằng cấp khác nhưng lại yêu thích Đông y và tự học, hay tham gia các khóa học về giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y của các tổ chức Hội Đông y trong toàn quốc. Có người là phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ tây y, hay dược sỹ đại học, hay tiến sỹ ngành khác muốn trở thành lương y để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng Đông y.

Một cản trở lớn đó là trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lương y. Tính tới tháng 01 năm 2023, Luật Giáo dục Đại học không đưa đào tạo đối tượng lương y vào điều chỉnh. Luật Giáo dục Nghề nghiệp cũng không đưa giáo dục nghề nghiệp đối tượng lương y vào điều chỉnh. Như vậy, đối tượng là lương y, pháp luật chưa có quy định về đào tạo. Pháp luật chỉ có quy định về giáo dục, bồi dưỡng chuyên môn của tổ chức xã hội-nghề nghiệp.

Cụ thể như Luật Khám bệnh, Chữa bệnh, quy định tại Khoản 4 Điều 6 đối với “Tổ chức xã hội - nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh” là “Phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho các hội viên theo qui định của pháp luật.” Vậy nên, giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn cho đối tượng lương y, là một yêu cầu hết sức cấp thiết đối với những người hành nghề Đông y, rất cần được Hội Đông y Việt Nam chủ trì thực hiện. Để người dân muốn học nghề Đông y cũng dễ dàng tìm được lớp học, cũng như người dân có nhu cầu khám, chữa bệnh bằng Đông y cũng dễ dàng và thuận lợi trong việc tìm người lương y đã được giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn theo qui định.

- Vậy, còn với tình hình cấp giấy phép phép hành nghề cho đối tượng những người là lương y hay hội viên Hội Đông y Việt Nam thì ra sao thưa Phó giáo sư?

Phó giáo sư Đậu Xuân Cảnh: Hiện nay, hội viên của Hội Đông y Việt Nam với số lượng gần 70.000 hội viên, nhưng hiện tại, chưa đầy 20% số hội viên được cấp giấy phép hành nghề. Một số lượng lớn còn lại hội viên chưa được cấp giấy phép hành nghề.

Từ năm 2015 đến hiện nay, việc cấp giấy phép hành nghề lương y dựa trên việc cấp giấy chứng nhận lương y và được thực hiện theo Thông tư số 29/2015/TT-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2015 của Bộ Y tế qui định “cấp, cấp lại giấy chứng nhận là lương y”. Trong đó các đối tượng đã được Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận là lương y và giấy phép hành nghề có “Đối tượng đã được Trung ương Hội Đông y Việt Nam cấp Giấy chứng nhận là lương y chuyên sâu trước ngày 30 tháng 6 năm 2004”. Mặc dù đến nay các đối tượng được cấp giấy chứng nhận lương y theo quy định của Thông tư 29 trên đã không còn phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, sau khi Luật Khám bệnh, Chữa bệnh đã được Chủ tịch nước có pháp lệnh công bố vào ngày 03/02/2023. Trong đó, việc cấp Giấy chứng nhận Lương y, Luật Khám bệnh, Chữa bệnh quy định tại Khoản 4 Điều 86: “Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về cấp Giấy chứng nhận Lương y, Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền”.

Đặc trưng giáo dục bằng truyền nghề

- Trước những khó khăn đã tồn tại nhiều năm qua trong công tác đào tạo và cấp phép hành nghề cho đối tượng lương y, Hội có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?

Phó giáo sư Đậu Xuân Cảnh: Nhằm bảo đảm những người được Bộ trưởng Bộ Y tế cấp “Giấy chứng nhận Lương y” là những người có kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng khám bệnh, chữa bệnh bằng Đông y, Hội Đông y Việt Nam thời gian qua đã chủ động tổ chức xây dựng Chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y cho Hội viên theo trình tự 4 bước.

Chương trình sau khi được thẩm định và ban hành gồm có 14 học phần, trong đó có 12 học phần chuyên môn, 1 học phần ngoại ngữ Hán văn tương đương trình độ tiếng Trung của sinh viên tốt nghiệp đại học, 01 học phần các qui định của nhà nước về tổ chức, quản lý hành nghề y dược Việt Nam. Khối lượng Chương trình đào tạo là 150 tín chỉ, hoặc theo thời gian niên chế là 60 tháng (5 năm). Chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y này dựa trên nền tảng Chương trình đào tạo bác sỹ chuyên ngành y học cổ truyền của các trường đại học y dược trong cả nước, có bổ sung thêm phần kiến thức Đông y.

- Vậy trong Chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y cho hội viên của Hội Đông Y có nét gì đặc trưng riêng không thưa Phó giáo sư?

Phó giáo sư Đậu Xuân Cảnh: Trong ngành Đông y, việc hành nghề có rất nhiều bí quyết, bởi lẽ một nội dung, người này làm kết quả, người khác làm không có kết quả, cũng như yếu tố gia truyền trong khám bệnh, chữa bệnh rất quan trọng và có khi đóng vai trò quyết định đối với phương pháp chữa bệnh có kết quả hay không. Do vậy, trong giáo dục nghề nghiệp Đông y, việc giáo dục và truyền thụ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp phải lấy phương pháp truyền nghề - cầm tay chỉ việc của các bậc thầy lương y làm phương pháp đặc thù trong giáo dục nghề Đông y, làm chủ đạo và cần được đề cao, chủ trọng, xem truyền nghề như là phương pháp khai thác và giữ gìn bí quyết nghề nghiệp trong hành nghề khám bênh, chữa bệnh bằng Đông y.

Lấp đầy khoảng trống trong cấp phép hành nghề cho đội ngũ lương y ảnh 3Bốc thuốc chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Giáo dục nghề nghiệp Đông y bằng truyền nghề sẽ giữ được bản sắc Đông y và bí quyết nghề nghiệp. Phương pháp giáo dục nghề nghiệp bằng truyền nghề cần được coi trọng như giáo dục hàn lâm tại các trường đại học và hãy xem như sự tồn tại đặc thù của ngành Đông y, nó không làm giảm đi chất lượng giáo dục mà còn tăng thêm tính đa dạng, cũng như đặc sắc của nền giáo dục nghề Việt Nam ta và luôn giữ được bí quyết nghề nghiệp.

- Được biết, Hội đã xin đề xuất và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y. Sau khi được phê duyệt, Hội sẽ triển khai công tác này như thế nào?

Phó giáo sư Đậu Xuân Cảnh: Giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn cung cấp năng lực khám bệnh, chữa bệnh bằng Đông y cho các đối tượng lương y, pháp luật hiện hành chưa có quy định để thực hiện, nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y để học tập. Do vậy, Hội Đông y Việt Nam là cơ quan chịu trách nhiệm về chuyên môn Đông y, có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Đông y, để thực hiện việc giáo dục truyền nghề Đông y. Hội đã xin đề xuất và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y theo phương pháp truyền nghề - nhằm giữ bí quyết nghề nghiệp Đông y, cũng như phù hợp với đối tượng lương y cho các hội viên trước khi trình cấp có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận Lương y” là rất cần thiết, khách quan và đúng với qui định tại Khoản 4 Điều 6 của Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.

Sau khi xây dựng xong Chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y cho hội viên, khi được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ, Hội Đông y Việt Nam sẽ có kế hoạch phối hợp, chỉ đạo 63 Hội Đông y cấp tỉnh, thành phố và các Chi hội Đông y trực thuộc Hội Đông y Trung ương, tổ chức giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y cho hội viên, những người có nhu cầu hành nghề lương y trên hệ thống Đông y toàn quốc.

Sau khi được cấp “Giấy chứng nhận Lương y”, Hội viên đủ điều kiện để tiến hành làm hồ sơ đề nghị Sở Y tế, hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp “Giấy phép hành nghề Lương y”.

Đặc biệt, những Hội viên có nhu cầu cấp “Giấy chứng nhận Lương y” để làm thủ tục cấp Giấy phép hành nghề lương y, đúng với qui định tại Khoản 4 Điều 6 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh.

Với mục tiêu bảo đảm quyền lợi của nhân dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh bằng Đông y, công tác giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn Đông y cho hội viên Hội Đông y là rất quan trọng góp phần xây dựng nền Đông y Việt Nam ngày càng phát triển.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục