Những vầng trăng cô đơn

Lấp lánh những vầng trăng cô đơn

Chiến tranh đã lùi xa, những người vợ, người mẹ liệt sỹ - vẫn lấp lánh tỏa sáng như những vầng trăng - dù nỗi đau mất mát chưa nguôi.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những người vợ, người mẹ liệt sỹ vẫn luôn đau đáu nỗi đau mất đi người thương yêu. Vượt qua mất mát, đau thương, bằng nghị lực phi thường, những "vầng trăng cô đơn" vẫn lấp lánh tỏa sáng, là chỗ dựa vững chắc cho gia đình và tô đẹp thêm cho xã hội.

Vừa đon đả mời khách vào nhà, chị Lê Thị Thanh, ở xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) vừa phải trông chừng 2 đứa con trai bị nhiễm chất độc màu da cam/dioxin đang ở trên giường.

"Hơn 10 năm rồi, từ khi nhà tôi mất, chưa hôm nào dám xa con tròn buổi. Một phần vì thương con, phần khác là cũng không ai chăm sóc chúng cho mình cả. Đứa gần 30, đứa 25 rồi, bình thường như con nhà người khác chắc cũng đỡ đần được cho mẹ ít nhiều, đằng này, chẳng làm được gì cả, cứ nằm đấy bắt mẹ phục vụ", chị Thanh tâm sự.

Năm 22 tuổi, chị Thanh xây dựng gia đình với anh Nguyễn Trọng Nghiêm. Anh có tham gia chiến trường ở Tây Nguyên nên đã bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Chị cho biết: "Lúc sinh các cháu cũng bình thường, đến hơn 1 tuổi thì bị nóng, sốt, thuốc thang mãi không khỏi và bị liệt dần. Quả thật hồi trước là vì chưa biết bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nên cứ nghĩ đứa này không may còn có đứa sau chứ nếu mà biết như thế thì đã dừng lại! Vì tôi sinh 4 lần, cháu đầu cũng bị bệnh mất lúc 7 tuổi, đứa thứ hai là trai, đến đứa thứ ba là gái thì cháu phát triển bình thường, không có biểu hiện gì của bệnh tật cả, hiện cháu đang làm giáo viên, nhưng đến cháu thứ 4 là trai lại bị giống các anh!".

Ngày chồng còn sống, chị Thanh còn có người đỡ đần nhưng từ 13 năm nay, chỉ một mình chị chăm sóc các con. Từ miếng ăn, giặt giũ, ngày nắng thì thường xuyên tắm rửa để các con khỏi bứt rứt, trời rét thì phải canh chừng kẻo con đạp rơi chăn. Khổ nhất là những đêm trái gió trở trời, đứa thì cào cấu, đứa thì la hét; rồi những lúc chị ốm đau, nhờ vả được bà con họ hàng, hàng xóm qua lại nấu cho bát cháo, ăn xong lại gượng dậy để cho các con ăn...

Vò võ tháng ngày với hai đứa con vô tri vô giác, nhưng bà con xóm làng vẫn không thấy chị Thanh kêu ca, phàn nàn. Ngoài việc chăm sóc hai con bị bệnh, những năm trước chị còn phải làm thêm nhiều việc để có tiền cung cấp cho đứa con gái đi học. Chị bảo rằng cũng may trời thương, đang còn cho mình một chỗ dựa tinh thần. Ước muốn lớn nhất bây giờ của chị là chỉ mong sao mình luôn có sức khỏe để chăm sóc các con.

Khi biết tới đây, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh có tổ chức giao lưu, tuyên dương những tấm gương tiêu biểu trong việc chăm sóc những nạn nhân da cam/dioxin, và chị là 1 trong những người được mời tham dự, chị ngần ngại: "Thôi để dành cho người khác, với lại không có tôi ở nhà không ai chăm các cháu được(!)".

Cùng cảnh một mình nuôi con như chị Thanh, chị Nguyễn Thị Đào ở xã Đông Phú, huyện Đông Sơn, vẫn được bà con lối xóm tấm tắc ngợi khen về tấm gương thay chồng chăm sóc bố mẹ già và nuôi dạy các con nên người.

Năm 1977, sau đám cưới ít ngày, chồng chọ là anh Lê Duy Thông lên đường nhận công tác tại Tây Ninh, sau đó sang Campuchia giúp bạn. Đằng đẵng 4 năm trời chờ đợi, chị Đào mới được đón anh Thông về phép.

Cũng từ lần về phép đó, gia đình chị có thêm thành viên mới - đứa con trai đầu lòng. Có con, có thêm niềm vui, niềm hạnh phúc nhưng cũng kéo theo bao nỗi vất vả đối với người vợ xa chồng. Rồi lần lượt sau những lần về phép anh chị có thêm cháu thứ 2, thứ 3.

Nhưng nỗi đau đột ngột dội xuống, đang mang thai cháu thứ 3 thì chị nhận được tin chồng hy sinh. Bao lời ước hẹn cùng chồng về đoàn tụ sau chiến tranh giờ đã không được thực hiện.

Chị nghẹn ngào: “Nhìn các cháu còn nhỏ dại lòng tôi càng thêm quặn đau, số mình hẩm hiu đã đành, sao lại còn phải bắt các con tôi sớm xa vòng tay của bố... Rồi chợt nghĩ, không biết mình sẽ phải làm gì, mẹ con rồi sẽ sống ra sao đây...“

Thương các con vì sớm mất đi sự thương yêu, chăm sóc của bố, lại thương bố mẹ già chưa kịp cậy nhờ con, chị đã gắng vượt qua nỗi đau ấy để làm chỗ dựa cho cả gia đình. Một mình xốc vác công việc, nhiều lúc cũng nản lòng, nhưng chị còn có nguồn động viên lớn là các con.

Ngoài làm ruộng, chị còn chăn nuôi gà, lợn, trâu bò để cải thiện cuộc sống và lo cho các con cái có cái ăn cái mặc để các con được đến trường. Chị vẫn thường dạy các con phải biết thương yêu nhau, giúp đỡ nhau trong mọi việc. Ngoài lo lắng cho các con, chị Đào còn hết lòng chăm bẵm cho bố mẹ chồng từng miếng ăn, giấc ngủ, rồi khi trái gió trở trời...

Tháng ngày vất vả, cực nhọc cũng dần qua, giờ đây người con trai đầu của chị đã tốt nghiệp đại học và nhận công tác tại Hạt kiểm lâm Quan Hóa; cháu thứ 2 và thứ 3 hiện đang theo học tại Trường Đại học Hồng Đức và Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Chị tâm sự: "Tuy vẫn còn nhiều vất vả nhưng tôi vẫn may mắn hơn nhiều người phụ nữ khác có chung hoàn cảnh như tôi".

Mới đây, chị Đào vinh dự là 1 trong 4 đại diện của tỉnh Thanh Hoá được đi dự Hội nghị biểu dương người có công năm 2009, tổ chức tại tỉnh Bến Tre./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục