Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới, nằm ở cực Bắc của đất nước hình chữ S thân yêu; được biết đến nhiều bởi ở nơi đây có Khu Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở bốn huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh; bức tranh kỳ vĩ ruộng bậc thang của bà con các dân tộc huyện Hoàng Su Phì- một danh thắng mới được công nhận ở cấp Quốc gia …
22 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, chủ yếu là bà con các dân tộc thiểu số, trải qua các thế hệ đã chung sức chung lòng làm nên một bản sắc văn hóa đặc trưng của con người Hà Giang nói chung và của mỗi dân tộc trong cộng đồng nói riêng.
Hoàng Su Phì là một trong ba huyện vùng cao núi đất, nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang; nơi đây có 12 dân tộc anh em sinh sống. Người Nùng đông nhất, chiếm trên 38%, tiếp đến là người Dao gần 23%, người Tày trên 13,5%, người Mông trên 13%...; người Cờ Lao, La chí, người Kinh… và các dân tộc khác còn lại thuộc diện số ít.
Ngày nay, trong cộng đồng các dân tộc ở Hoàng Su Phì còn lưu giữ được rất nhiều các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống mang đậm nét đặc trưng của mỗi dân tộc. Bức tranh văn hóa đa sắc màu trong không gian thiên nhiên còn giữ được những nét hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh, những thác nước đầu nguồn sông Chảy cùng với sự hùng vĩ của đỉnh núi Tây Côn Lĩnh (cao 2.427m so với mực nước biển) càng trở nên kỳ vĩ và thôi thúc sự khám phá và tìm hiểu trong mỗi con người. Đặc biệt, ruộng bậc thang - một kết quả lao động cần cù và sáng tạo của bao thế hệ đồng bào các dân tộc trong cuộc mưu sinh trước thiên nhiên đầy khó khăn thử thách đã góp phần tạo nên một nét riêng đặc trưng của con người và văn hoá Hoàng Su Phì.
Đến với Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc, lần thứ 8 - Tuyên Quang 2012, diễn ra trong những ngày cuối tháng Chín này, bà con dân tộc Cờ Lao đang sinh sống làm ăn ở Hoàng Su Phì giới thiệu một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc trưng “Lễ cúng Hoàng Vần Thùng,” mong muốn như một gam màu đẹp góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hoá đa sắc mầu của các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc Tổ quốc.
Theo truyền thuyết của người Cờ Lao ở xã Tùng Sán, nhân vật Hoàng Vần Thùng là một người con hiếu thảo trong gia đình. Năm ông 30 tuổi thì cha mất; ông nhờ tìm một thầy địa lý giỏi tìm nơi chôn cất cha. Cha Hoàng Vần Thùng được chôn ở thung lũng giữa hai ngọn núi cao; ông bên mộ cha ba ngày liền dưới trời mưa. Ngôi mộ cha Hoàng Vần Thùng sau ba ngày cũng ngày một lớn lên trông thấy. Tảng đá bên ngôi mộ bỗng hoá thành con ngựa lớn; Hoàng Vần Thùng cưỡi ngựa khi chạy nhanh, lúc bay cao trước sự ngưỡng mộ của mọi người.
Trong thôn bản có Báo Tả, một kẻ ghen ghét với Hoàng Vần Thùng đã nghĩ mưu độc ác làm hại chàng. Báo Tả đem con gái gả cho Hoàng Vần Thùng và dặn con tìm cơ hội giết hại chàng. Một hôm, Hoàng Vần Thùng bị chuốc rượu say và bị giết hại; đầu bị chặt khỏi cổ. Khi đầu ông bị lìa khỏi thân xác tới vài ba mét mà ông vẫn còn hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con còn sống không.” Mẹ ông nói: “Đầu một nơi, thân một nơi thì còn sống sao được hả con;” khi đó ông mới chết thật.
Hoàng Vần Thùng chết, làng xảy ra dịch bệnh. Mọi người lo sợ làm lễ cúng ông, xin ông phù hộ, đuổi dịch bệnh đi cho bà con người Cờ Lao được yên ổn làm ăn; dịch bệnh qua mau. Từ đó, hàng năm từ ngày 1-15/7 Âm lịch, dân làng tổ chức cúng ông. Hoàng Vần Thùng được coi như vị Thành Hoàng của người dân tộc Cờ Lao. Miếu cúng ông được lập trên đỉnh núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh ở thôn Tà Chải, xã Tùng Sán, huyện Hoàng Su Phì ngày nay.
Những người tham dự lễ cúng Hoàng Vần Thùng chia làm hai nhóm (có nam và nữ). Mọi người mặc trang phục ngày lễ của dân tộc Cờ Lao. Hai nhóm người đi vòng tròn, hết vòng lại đổi chiều; hết ba vòng thì ngồi vòng tròn để dự lễ.
Lễ cúng gồm hai phần: phần dâng lễ, cúng và phần hội. Lễ cúng có thủ lợn, bộ tim, gan lợn, con gà luộc, bánh làm từ sản vật do người dân sản xuất ra, hoa quả do người dân trồng. Lễ vật cúng Thành Hoàng đều do dân bản hiến. Có ba bát hương; bát hương để giữa là cúng Hoàng Vần Thùng, hai bát hương hai bên để khấn các quan đi theo ông.
Thầy cúng làm lễ sau khi những người dự lễ đã đi hết ba vòng tròn và ngồi vào vị trí. Bài cúng do thầy cúng đọc nhắc lại công lao to lớn của Hoàng Vần Thùng. Thầy cúng đọc tên những lễ vật của dân bản dâng cúng ông, mong ông phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi; mọi người có cái ăn, cái mặc, cái nhà đủ che nắng, che mưa; trong làng bản không có dịch bệnh.
Hết bài khấn, thầy cúng cầm bát nước được gọi là nước phép, nhúng tay vào bát nước vẩy nước đi bốn phương tám hướng. Một chiếc lưỡi cày hơ nóng được thầy cúng cầm trên tay giơ lên không gian theo bốn phương trời; những người dự lễ dùng lưỡi chạm vào chiếc lưỡi cày. Phần lộc sau khi hạ lễ được chia cho thầy cúng và mọi người trong thôn bản. Mọi người lấy tiền trong túi đặt vào chiếc mẹt tre; thầy cúng lấy số tiền đó phát lộc cho mọi người.
Sau phần lễ, trai gái ngồi ở hai vòng tròn hát giao duyên cùng nhau. Họ vừa mời rượu vừa hát những câu hát nhớ về tổ tiên, về tình cha nghĩa mẹ, về tình yêu trai gái. Sau mỗi lần hát là mời rượu và lồng tay vào nhau cạn chén rượu mời. Trai gái hát giao duyên hết ngày đến đêm, vui chơi trong suốt thời gian diễn ra lễ cúng Hoàng Vần Thùng.
Cũng giống như các dân tộc khác làm ăn sinh sống trên dải đất vùng núi cao miền Tây Hà Giang, người Cờ Lao, người Nùng, người Dao hay người La chí, người Tày… đều có chung tín ngưỡng về thế giới của thần linh.
Họ tin là vạn vật trong vũ trụ đều có linh hồn giống như thế giới mà con người đang sống với những biểu hiện cụ thể là các nghi lễ lễ cúng của mỗi dân tộc như: lễ cầu mùa, lễ cấp sắc, lễ cúng rừng…
Sống giữa bạt ngàn của núi cao rừng sâu; để tồn tại và phát triển trước những gì mà thiên nhiên ban tặng cũng như tránh được rủi ro mỗi khi đất trời không thuận, bà con các dân tộc thiểu số luôn coi trọng văn hoá của dân tộc mình, coi đó là một sự trợ giúp vô hình hữu hiệu cho mỗi người và mỗi tộc người trong cuộc sống thường ngày./.
22 dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, chủ yếu là bà con các dân tộc thiểu số, trải qua các thế hệ đã chung sức chung lòng làm nên một bản sắc văn hóa đặc trưng của con người Hà Giang nói chung và của mỗi dân tộc trong cộng đồng nói riêng.
Hoàng Su Phì là một trong ba huyện vùng cao núi đất, nằm ở phía Tây của tỉnh Hà Giang; nơi đây có 12 dân tộc anh em sinh sống. Người Nùng đông nhất, chiếm trên 38%, tiếp đến là người Dao gần 23%, người Tày trên 13,5%, người Mông trên 13%...; người Cờ Lao, La chí, người Kinh… và các dân tộc khác còn lại thuộc diện số ít.
Ngày nay, trong cộng đồng các dân tộc ở Hoàng Su Phì còn lưu giữ được rất nhiều các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống mang đậm nét đặc trưng của mỗi dân tộc. Bức tranh văn hóa đa sắc màu trong không gian thiên nhiên còn giữ được những nét hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh, những thác nước đầu nguồn sông Chảy cùng với sự hùng vĩ của đỉnh núi Tây Côn Lĩnh (cao 2.427m so với mực nước biển) càng trở nên kỳ vĩ và thôi thúc sự khám phá và tìm hiểu trong mỗi con người. Đặc biệt, ruộng bậc thang - một kết quả lao động cần cù và sáng tạo của bao thế hệ đồng bào các dân tộc trong cuộc mưu sinh trước thiên nhiên đầy khó khăn thử thách đã góp phần tạo nên một nét riêng đặc trưng của con người và văn hoá Hoàng Su Phì.
Đến với Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc, lần thứ 8 - Tuyên Quang 2012, diễn ra trong những ngày cuối tháng Chín này, bà con dân tộc Cờ Lao đang sinh sống làm ăn ở Hoàng Su Phì giới thiệu một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc trưng “Lễ cúng Hoàng Vần Thùng,” mong muốn như một gam màu đẹp góp phần làm phong phú thêm bức tranh văn hoá đa sắc mầu của các dân tộc anh em trong cộng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc Tổ quốc.
Theo truyền thuyết của người Cờ Lao ở xã Tùng Sán, nhân vật Hoàng Vần Thùng là một người con hiếu thảo trong gia đình. Năm ông 30 tuổi thì cha mất; ông nhờ tìm một thầy địa lý giỏi tìm nơi chôn cất cha. Cha Hoàng Vần Thùng được chôn ở thung lũng giữa hai ngọn núi cao; ông bên mộ cha ba ngày liền dưới trời mưa. Ngôi mộ cha Hoàng Vần Thùng sau ba ngày cũng ngày một lớn lên trông thấy. Tảng đá bên ngôi mộ bỗng hoá thành con ngựa lớn; Hoàng Vần Thùng cưỡi ngựa khi chạy nhanh, lúc bay cao trước sự ngưỡng mộ của mọi người.
Trong thôn bản có Báo Tả, một kẻ ghen ghét với Hoàng Vần Thùng đã nghĩ mưu độc ác làm hại chàng. Báo Tả đem con gái gả cho Hoàng Vần Thùng và dặn con tìm cơ hội giết hại chàng. Một hôm, Hoàng Vần Thùng bị chuốc rượu say và bị giết hại; đầu bị chặt khỏi cổ. Khi đầu ông bị lìa khỏi thân xác tới vài ba mét mà ông vẫn còn hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con còn sống không.” Mẹ ông nói: “Đầu một nơi, thân một nơi thì còn sống sao được hả con;” khi đó ông mới chết thật.
Hoàng Vần Thùng chết, làng xảy ra dịch bệnh. Mọi người lo sợ làm lễ cúng ông, xin ông phù hộ, đuổi dịch bệnh đi cho bà con người Cờ Lao được yên ổn làm ăn; dịch bệnh qua mau. Từ đó, hàng năm từ ngày 1-15/7 Âm lịch, dân làng tổ chức cúng ông. Hoàng Vần Thùng được coi như vị Thành Hoàng của người dân tộc Cờ Lao. Miếu cúng ông được lập trên đỉnh núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh ở thôn Tà Chải, xã Tùng Sán, huyện Hoàng Su Phì ngày nay.
Những người tham dự lễ cúng Hoàng Vần Thùng chia làm hai nhóm (có nam và nữ). Mọi người mặc trang phục ngày lễ của dân tộc Cờ Lao. Hai nhóm người đi vòng tròn, hết vòng lại đổi chiều; hết ba vòng thì ngồi vòng tròn để dự lễ.
Lễ cúng gồm hai phần: phần dâng lễ, cúng và phần hội. Lễ cúng có thủ lợn, bộ tim, gan lợn, con gà luộc, bánh làm từ sản vật do người dân sản xuất ra, hoa quả do người dân trồng. Lễ vật cúng Thành Hoàng đều do dân bản hiến. Có ba bát hương; bát hương để giữa là cúng Hoàng Vần Thùng, hai bát hương hai bên để khấn các quan đi theo ông.
Thầy cúng làm lễ sau khi những người dự lễ đã đi hết ba vòng tròn và ngồi vào vị trí. Bài cúng do thầy cúng đọc nhắc lại công lao to lớn của Hoàng Vần Thùng. Thầy cúng đọc tên những lễ vật của dân bản dâng cúng ông, mong ông phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi; mọi người có cái ăn, cái mặc, cái nhà đủ che nắng, che mưa; trong làng bản không có dịch bệnh.
Hết bài khấn, thầy cúng cầm bát nước được gọi là nước phép, nhúng tay vào bát nước vẩy nước đi bốn phương tám hướng. Một chiếc lưỡi cày hơ nóng được thầy cúng cầm trên tay giơ lên không gian theo bốn phương trời; những người dự lễ dùng lưỡi chạm vào chiếc lưỡi cày. Phần lộc sau khi hạ lễ được chia cho thầy cúng và mọi người trong thôn bản. Mọi người lấy tiền trong túi đặt vào chiếc mẹt tre; thầy cúng lấy số tiền đó phát lộc cho mọi người.
Sau phần lễ, trai gái ngồi ở hai vòng tròn hát giao duyên cùng nhau. Họ vừa mời rượu vừa hát những câu hát nhớ về tổ tiên, về tình cha nghĩa mẹ, về tình yêu trai gái. Sau mỗi lần hát là mời rượu và lồng tay vào nhau cạn chén rượu mời. Trai gái hát giao duyên hết ngày đến đêm, vui chơi trong suốt thời gian diễn ra lễ cúng Hoàng Vần Thùng.
Cũng giống như các dân tộc khác làm ăn sinh sống trên dải đất vùng núi cao miền Tây Hà Giang, người Cờ Lao, người Nùng, người Dao hay người La chí, người Tày… đều có chung tín ngưỡng về thế giới của thần linh.
Họ tin là vạn vật trong vũ trụ đều có linh hồn giống như thế giới mà con người đang sống với những biểu hiện cụ thể là các nghi lễ lễ cúng của mỗi dân tộc như: lễ cầu mùa, lễ cấp sắc, lễ cúng rừng…
Sống giữa bạt ngàn của núi cao rừng sâu; để tồn tại và phát triển trước những gì mà thiên nhiên ban tặng cũng như tránh được rủi ro mỗi khi đất trời không thuận, bà con các dân tộc thiểu số luôn coi trọng văn hoá của dân tộc mình, coi đó là một sự trợ giúp vô hình hữu hiệu cho mỗi người và mỗi tộc người trong cuộc sống thường ngày./.
Công Hải (TTXVN)