Lễ hội Phủ Dầy: 'Sợi dây' gắn kết văn hóa dân tộc Việt Nam

Lễ Hội Phủ Dầy mang giá trị nhân văn sâu sắc, coi trọng quyền năng của người Mẹ (Mẫu) để muôn dân tôn thờ và gửi gắm. Bên cạnh đó còn mang giá trị lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng thờ Nữ Thần.

Ngày 22/4 (tức 3/3 âm lịch ) tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, lễ hội mừng Thánh Mẫu Giáng Sinh đã chính thức khánh tiệc với quy mô lớn nhất cả nước. Đây là dịp lễ để người dân bày tỏ lòng biết ơn đến với Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, thánh Mẫu Liễu Hạnh là 1 trong những vị Thánh vô cùng quan trọng. Bà đứng đầu trong hệ thống Tam Phủ, Tứ Phủ và là một trong “ tứ bất tử” theo quan niệm tâm linh của người Việt.

Tương truyền, bà là con gái thứ 2 của Ngọc Hoàng Thượng Đế tên là Quỳnh Hoa. Sự tích về bà gắn liến với 3 lần Giáng Sinh ở trần thế. Ở lần Giáng sinh thứ 2, bà giáng vào cửa “họ Lê cải Trần” tại nơi mà ngày nay là huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Cũng chính tại nơi đây, vào tháng 3 Âm lịch hàng năm, người dân gần xa lại trở về tổ chức Lễ hội Phủ Dầy để cảm tạ công ơn vị Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã có công giúp đỡ người dân, giúp Vua dẹp giặc.

[Tưng bừng Lễ hội Đền Trấn Vũ và nghi lễ “Kéo co ngồi”]

Buổi khai mạc còn tái hiện Nghi lễ Hầu đồng là một trong những đặc trưng quan trọng trong đạo Mẫu. Đây còn là di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc, mang đậm những nét giá trị truyền thống.

Lễ Hội Phủ Dầy mang giá trị nhân văn sâu sắc, coi trọng quyền năng của người Mẹ (Mẫu) để muôn dân tôn thờ và gửi gắm. Bên cạnh đó còn mang giá trị lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng thờ Nữ Thần. Phản ảnh phong tục tập quán và nghệ thuật trình diễn của cộng đồng. 

Đến với lễ hội, người dân và du khách thập phương còn đến với không gian linh thiêng bao gồm 20 di tích, đền, phủ, chùa, lăng trong hệ thống thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định./.

(Vietnam+)