Lễ mở cửa rừng ở Bắc Giang: Giáo dục thế hệ trẻ về việc bảo vệ rừng

Lễ mở cửa rừng ở Bắc Giang không chỉ nhằm tạ ơn thần rừng đã mang nguồn nước, sản vật cho người dân mà còn nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về việc bảo vệ rừng.

Lễ rước kiệu từ đền Cổ Ngựa đến đền Chúa Then trong Lễ hội mở cửa rừng tại Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Lễ rước kiệu từ đền Cổ Ngựa đến đền Chúa Then trong Lễ hội mở cửa rừng tại Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Hưởng ứng Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2024, ngày 20/2, Lễ hội mở cửa rừng đã được tổ chức tại đền Cổ Ngựa, đền Chúa Then, thôn Việt Hương (xã Hương Sơn).

Xã Hương Sơn khi xưa là một vùng rừng núi rộng lớn, là cửa rừng quan trọng để đi lên phía Bắc. Theo đường thiên lý Đông quan, đây là mảnh đất phên dậu của Tổ quốc, vùng cửa ngõ quan trọng giao thông với phương Bắc trên các lãnh vực.

Suốt chiều dài lịch sử, mảnh đất Hương Sơn anh hùng đã chứng kiến và làm nên bao chiến công hiển hách của người Việt.

Tiêu biểu là trận chiến với viện binh nhà Minh ở thành Cần Trạm vào mùa Thu năm 1427. Chiến thắng Cần Trạm cùng với Chiến thắng Chi Lăng, Hố Cát, Xương Giang đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến 20 năm chống quân Minh xâm lược của nhân dân ta.

Tham dự lễ hội, du khách được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Di sản quê hương - trường tồn và lan tỏa” được dàn dựng công phu theo hình thức diễn xướng dân gian, sân khấu hóa cùng màn trống hội và các tiết mục hát Then kể về truyền thuyết, sự huyền bí kỳ ảo của cửa rừng Hương Sơn ngàn xưa.

Ngoài ra, du khách còn được chứng kiến màn rước đặc sắc từ đền Cổ Ngựa về đền Chúa Then và thực hiện nghi lễ mở cửa rừng tại đền Chúa Then.

Lễ hội mở cửa rừng là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống, lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, Nùng gắn với tục thờ Mẹ rừng hay còn gọi là Mẹ xứ sở (một tên khác là vị Nữ Thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt).

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, vị Nữ Thần đó được gọi là Thánh Mẫu Thượng Ngàn.

Để mở cửa rừng, nhà đền Chúa Then làm lễ cúng thần rừng, sau đó đọc văn tế xin phép mở cửa rừng; tiếp đến là tế rượu và dâng lễ vật lên các vị thần. Nhà đền chuẩn bị sẵn lộc để trao - nhận lộc rừng cho du khách thập phương.

Tại ngôi đền Chúa Then, người dân cùng nhà đền làm lễ khai xuân, dâng mâm lễ, sản vật cúng và đặc biệt là nghi lễ mở cửa rừng.

Các nghi lễ cúng thần rừng tại đền Chúa Then là hình thái sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc biệt với tổng hòa các yếu tố văn hóa và nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo.

Trong số đó, nghi lễ cúng thần rừng là quan trọng nhất và mang tính cộng đồng rõ nét. Nghi lễ này không chỉ để tạ ơn thần rừng đã mang nguồn nước, sản vật cho người dân mà còn nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về việc bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, du khách cũng được trải nghiệm các trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu, kéo co, đẩy gậy...

Lễ hội mở cửa rừng đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương về tham dự; góp phần phát huy vai trò, giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Tày, Nùng và người Sán Dìu ở xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang (Bắc Giang)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề “Huyền thoại Mẹ xứ sở” tại lễ hội. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Khánh Hòa: Khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025

Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025 kéo dài đến hết ngày 20/4, là cơ hội gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, để nơi đây mãi là biểu tượng thiêng liêng của lòng tri ân, niềm tin và khát vọng của con người.

Những chiếc thuyền câu cùng vật tế lễ tại lễ Khao lề. (Ảnh: TTXVN phát)

Quảng Ngãi: Tri ân những hùng binh Hoàng Sa

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ dừng lại ở ý nghĩa văn hóa, mà còn góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông.

Nước phở nóng sốt được chan vào bát. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Về Nam Định tham dự lễ hội làng nghề Phở Vân Cù

Lễ hội làng nghề phở Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, Nam Định nhằm bảo tồn, phát triển và tri ân các bậc tiền bối đã làm nên một nghề Phở Vân Cù truyền thống, được lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc.

Các nghệ nhân trình diễn đổ chiếc bánh xèo khổng lồ có 100 con tôm hùm trong khuôn khổ Lễ hội. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian Nam Bộ

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2025 quy tụ nhiều nghệ nhân từ khắp mọi miền đất nước với quy mô hơn 230 gian hàng gồm không gian bánh dân gian, không gian đặc sản vùng miền, không gian ẩm thực.