Sáng 18/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật và 2 Nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10 vừa qua.
Các Luật được công bố gồm Luật An toàn thông tin mạng, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Kế toán, Luật Thống kê, Luật Khí tượng thủy văn, Luật phí và lệ phí, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Bộ luật Hàng hải Việt Nam.
Hai Nghị quyết được công bố gồm Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội và Nghị quyết về việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức Thương mại thế giới.
Công dân có thể tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn cho biết điểm nổi bật của Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội là bổ sung quy định về thủ tục tuyên thệ ngay sau khi được bầu đối với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
So với Nội quy năm 2002, Nội quy mới quy định cụ thể thời điểm khai mạc các kỳ họp thường lệ của Quốc hội khai mạc kỳ họp đầu năm vào ngày 20/5, kỳ họp cuối năm vào ngày 20/10, nếu trùng vào thứ sáu của tuần hoặc ngày nghỉ theo quy định của pháp luật sẽ được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo; sửa đổi quy định hiện hành về việc công dân có thể tham dự các phiên họp công khai của Quốc hội và do Tổng thư ký Quốc hội tổ chức để bảo đảm quyền tham dự của công dân và trật tự của kỳ họp.
Nội quy bổ sung quy định về trình tự, thủ tục Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng kiểm toán nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia; bổ sung quy định về trình tự, thủ tục Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
Bảo đảm thông tin thống kê không mâu thuẫn, chồng chéo
Bảo đảm thông tin thống kê không mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính khách quan, trung thực, có độ tin cậy cao đối với người sử dụng, đây là mục tiêu hướng đến của Luật Thống kê. Luật bổ sung các quy định mới nhằm tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác thống kê trước yêu cầu đổi mới và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Luật quy định rõ hệ thống thông tin thống kê nhà nước, qua đó quy định hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành và hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Những sửa đổi này nhằm bảo đảm tính nhất quán trong hoạt động thống kê nhà nước, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho hay.
Luật Thống kê quy định rõ việc thẩm định hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, phân loại thống kê ngành, lĩnh vực, phương án điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành và số liệu thống kê của bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia của cơ quan thống kê quốc gia.
Việc thẩm định này nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch số liệu thống kê giữa cơ quan thống kê trung ương với địa phương và bộ, ngành. Luật cụ thể hóa Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 186 chỉ tiêu bao trùm toàn diện các mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
Danh mục 186 chỉ tiêu được xây dựng trên cơ sở bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc giai đoạn 2016-2030 nhằm bảo đảm quản lý, điều hành tầm vĩ mô, bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện và bảo đảm tính hội nhập và so sánh quốc tế. Luật Thống kê có hiệu lực thi hành từ 1/7/2016.
Cấm lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên
Trình bày nội dung cơ bản của Luật Kế toán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết Luật bổ sung các hành vi bị cấm như lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán. Quy định bổ sung này nhằm đảm bảo bao hàm được tất cả các hành vi gian lận, sai phạm trong quá trình thực hiện luật, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm.
Với 6 Chương 74 Điều, Luật Kế toán quy định về nguyên tắc kế toán; chứng từ kế toán điện tử, sổ kế toán trên phương tiện điện tử; tài khoản kế toán; báo cáo tài chính nhà nước; kiểm tra kế toán; kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ; kinh doanh dịch vụ kế toán; tổ chức nghề nghiệp kế toán; quản lý nhà nước về kế toán; trách nhiệm của người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán và kế toán trưởng; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán...
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017. Riêng đối với báo cáo tài chính nhà nước, Luật quy định Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt đầu việc lập báo cáo tài chính nhà nước chậm nhất là 24 tháng, kể từ ngày Luật có hiệu lực.
Khắc phục tồn tại của pháp luật phí, lệ phí
Sau 13 năm triển khai thực hiện, Pháp lệnh phí và lệ phí đã không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn hiện nay. Một số khoản phí đã và đang chuyển sang cơ chế giá theo quy định của Luật chuyên ngành, đặc biệt là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như học phí, viện phí; một số khoản phí, lệ phí cũng không còn phù hợp cần rà soát, bãi bỏ.
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, việc ban hành Luật phí và lệ phí sẽ khắc phục tồn tại của pháp luật phí, lệ phí hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính.
Luật gồm 6 Chương, 25 Điều, quy định nguyên tắc xác định mức thu, miễn, giảm phí, lệ phí; kê khai, thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí; quyền, trách nhiệm của tổ chức thu và người nộp phí, lệ phí cũng như thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về quản lý phí và lệ phí. Theo đó, Điều 8 của Luật quy định mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch va bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
Các đối tượng thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí bao gồm trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Luật phí và lệ phí sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017.
Cũng tại lễ công bố, bà Vũ Thị Mai đã trình bày Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Marrakesh thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994) có một số điều chưa được cụ thể hóa bằng các văn kiện của WTO, chính vì vậy, WTO đã tiến hành đàm phán một văn kiện bổ sung là HIệp định Tạo thuận lợi Thương mại, điều đó yêu cầu cần có thủ tục thay đổi bằng một Nghị định thư sửa đổi.
Do Việt Nam tham gia tổ chức WTO bằng Nghị quyết số 71/2006/QH11 của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập nên thủ tục thông qua Nghị định thư sửa đổi này phải thực hiện bằng thủ tục phê chuẩn của Quốc hội theo quy định của Luật ký kết, gia nhập, và thực hiện điều ước quốc tế 2015.
Trưng cầu ý dân những vấn đề quan trọng của đất nước
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam Lê Minh Tâm, với 8 Chương 52 Điều, Luật trưng cầu ý dân quy định Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước và những vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.
Trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước. Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước tổ chức để cử tri cả nước trực tiếp biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân tuy cùng là hình thức để nhân dân phát huy quyền dân chủ, thể hiện ý kiến của người dân với Nhà nước nhưng giữa trưng cầu ý dân và lấy ý kiến nhân dân có sự khác nhau về nội dung, hình thức và giá trị pháp lý.
Về nội dung, vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là những vấn đề quan trọng của đất nước, có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc và phải do Quốc hội quyết định; còn vấn đề lấy ý kiến nhân dân có thể là các vấn đề ở mức độ, phạm vi khác nhau. Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân không hạn chế việc Nhà nước tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với những vấn đề đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Quy định về lấy phiếu tín nhiệm
Tại lễ công bố, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến cho biết Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân gồm có 5 Chương, 91 Điều, bổ sung một số quy định nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; xác định rõ thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện yêu cầu, kiến nghị giám sát của chủ thể giám sát.
Luật quy định về hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; bổ sung quy định về lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn cũng như quy định về các biện pháp bảo đảm thực hiện hoạt động giám sát, bảo đảm thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát, bảo đảm kinh phí và tổ chức phục vụ hoạt động giám sát. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
Bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia
Để giải quyết các yêu cầu về bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, Luật An toàn thông tin mạng đã được Quốc hội thông qua. 8 Chương, 54 Điều của Luật đã quy định cụ thể về hoạt động an toàn thông tin mạng, quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng.
Luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016.
Điều chỉnh toàn bộ hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam
Giới thiệu một số nội dung chính của Luật Khí tượng thủy văn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Minh Ngọc cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm xây dựng và phát triển, toàn bộ hoạt động khí tượng thủy văn trên lãnh thổ Việt Nam đã được điều chỉnh bằng Luật. Luật đã được Quốc hội thông qua sớm hơn một kỳ họp so với kế hoạch và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016.
Với 10 Chương, 57 Điều, Luật Khí tượng thủy văn đã bao quát toàn diện các hoạt động khí tượng thủy văn gồm: quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dừ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết và quản lý nhà nước; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn.
Phát triển ngành hàng hải
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết Bộ luật hàng hải Việt Nam có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng hải và kinh tế xã hội của đất nước. Các quy định về chính sách phát triển hàng hải, tàu biển, thuyền viên, cảng biển, vận tải biển và dịch vụ thương mại, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường cũng như việc vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và bảo hiểm hàng hải, cải cách thủ tục hành chính đã được đề cập trong 20 Chương và 341 Điều của Bộ luật, tăng 2 Chương và 80 Điều so với Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2005.
Bộ luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.
Quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm
Báo cáo những nội dung cơ bản của Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Thiếu tướng Tô Viết Báo, Cục trưởng Cục quân lực, Bộ Quốc phòng cho biết việc ban hành Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng sẽ khắc phục những bất cập của Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao trong quân đội.
Để đảm bảo nguồn nhân lực cho quân đội, giảm chi phí đào tạo thay thế số quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ và phát huy được trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của quân nhân chuyên nghiệp còn đủ sức khỏe; đồng thời khắc phục tình trạng hàng năm phải kéo dài độ tuổi phục vụ tại ngũ với số lượng lớn, Luật đã quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm là Cấp úy quân nhân chuyên nghiệp nam, nữ 52 tuổi; Thiếu tá và Trung tá quân nhân chuyên nghiệp nam, nữ 56 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp nam 56, nữ 55 tuổi.
Hạn tuổi cao nhất phục vụ trong quân đội của công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng được quy định phù hợp với quy định của Bộ luật lao động là nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi.
Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016./.