Tình trạng ấm lên toàn cầu sẽ vượt xa mức giới hạn 1,5 độ C, song chính phủ các nước vẫn chưa triển khai các chính sách để đảm bảo đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.
Đây là đánh giá của tân chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc.
Ông Jim Skea, nhà khoa học người Scotland, đã đưa ra nhận định trên khi trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters sau khi được bầu làm chủ tịch IPCC trong cuộc họp của ủy ban này diễn ra tại Nairobi hôm 26/7.
[Tháng Bảy là tháng nóng “chưa từng thấy” trong hàng nghìn năm qua]
Giải thích cho nhận định trên, ông Skea cho rằng việc chính phủ các nước chỉ dừng lại ở các kế hoạch hiện tại sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng gần 3 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015 đặt mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C, nhằm tránh những tác động xấu nhất do biến đổi khí hậu gây ra.
Tân chủ tịch IPCC cho rằng để có thể đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris, chính phủ các nước cần triển khai các chính sách “mạnh tay” và mau lẹ nhằm cắt giảm mức phát thải khí nhà kính.
Theo ông Skea, người cũng là giáo sư về năng lượng bền vững tại trường Imperial College London, đây là thời điểm để chính phủ các nước triển khai các công cụ chính sách của mình, bao gồm đầu tư quy mô lớn hơn vào năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời đồng thời chấm dứt đầu tư vào nguyên liệu hóa thạch.
Tân chủ tịch IPCC cũng cho rằng thế giới sẽ cần phát triển nhiều giải pháp công nghệ hơn nữa để thu hồi và lưu giữ CO2, nhằm giảm phát thải khí nhà kính gây nên tình trạng ấm lên toàn cầu.
Theo nhận định ngày 27/7 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), tháng 7/2023 có thể được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử thế giới và có thể là tháng nóng “chưa từng thấy” trong hàng nghìn năm qua./.